Mong Xuân đem đến bình an thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà

07-02-2016 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Suốt những ngày đông bận bịu, lạnh giá, cửa đóng im ỉm, hôm nay chủ nhật, ngủ dậy mở cửa sổ, từ ban công nhìn xuống thấy trong vườn nhà những chồi xanh bật ra khỏi những cành khô mới ngày nào còn quắt queo, thời tiết ấm áp hơn hẳn mấy ngày trước, xuân đã về thật rồi kìa.

Chợt nhớ tuần trước, đi trên đường Lạc Long Quân, gần khu vực Âu Cơ, nhìn những cây đào trồng ở khu vực dải phân cách có rất nhiều nụ, cành lá xanh tươi, thoáng điểm những bông hoa màu hồng thắm, thấy lòng bồi hồi, tim đập rộn ràng, nhìn hoa biết rằng, Tết đã đến.

Thời gian của ba con giáp

Một năm qua đi rất nhanh. Mà không chỉ một năm, 36 năm, kể từ năm Canh Thân (1980) đến nay, cũng vèo một cái, tưởng đâu mới chỉ hôm qua. Nhớ Canh Thân vì đó là cái năm mẹ tôi quyết giã từ sổ gạo, không chờ đong những cân gạo vừa thiếu vừa mốc bằng sổ, mà đong ngoài (ở chợ), giá cao hơn. “Cả nhà thức khuya, may thêm mấy cái áo nữa là có thêm tiền bù vào chỗ đắt đó, chứ cứ loanh quanh xếp hàng, mất ngần ấy thời giờ. Thời giờ cũng là tiền là bạc các con ạ”. Mẹ tôi bảo thế. Thế là anh chị em tôi nghe theo. Mỗi đêm may thêm được 3 cái áo blu-dông (ngoài bằng vải vi-ni- lông đen, bên trong lót bằng chăn dạ cũ), bán buôn cho những sạp ở chợ giời. “Nền kinh tế” ấy “nhỏ” nhưng vừa với gia đình 6 miệng ăn. Đến đêm 30 Tết, khi ngoài phố đó đây đã có tiếng pháo đì đùng mới là lúc chúng tôi may quần áo cho mình, để ngày mai diện năm mới. Những chiếc áo được lót bằng chăn dạ mới bọc ngoài bằng vi-ni-lông màu bộ đội, trông từa tựa như những áo của lưu học sinh Đức mang về. Chúng tôi tự hào lắm. Tuy vậy nhưng chiếc áo vẫn không đủ ấm vào những ngày Tết giá buốt năm ấy. Em gái tôi không biết may thì ra ngoài đầu ngõ, nơi có vòi nước công cộng để rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo nếp. Ngoài đó cũng nhiều nhà mang quần áo ra giặt giũ... Bánh Tết cũng không có thời gian xếp hàng mua theo phiếu, mẹ tôi bảo đem đưa gia công chỗ người quen ở đầu ngã tư Khâm Thiên từ mấy tuần trước làm bánh quy gai.

Không chỉ mẹ tôi tự bung ra mà xu hướng bung ra được bắt đầu từ chủ trương của Nhà nước. Chấm dứt bao cấp, cùng với thời gian chúng ta có cuộc sống đầy đủ hôm nay. Gạo ngon, nước sạch. Muốn gạo tám xoan, có tám xoan, muốn tám Thái đỏ, có tám Thái đỏ, có hết, kể cả những loại ngũ cốc lạ, từ năm châu bốn biển đều ngồn ngộn trong các siêu thị. Nước sạch có đủ loại, từ nước dùng trong sinh hoạt, đến nước khoáng đóng chai. Bánh trái cũng thế, muốn bánh nào cũng có, từ các hãng nổi tiếng mang nhãn hiệu Việt cho đến các nhãn hiệu Đức, Pháp, Nga, Mỹ... Không thiếu thứ gì. Những chiếc áo khoác bằng len dạ đủ các kiểu dáng từ các nhãn hiệu thời trang cao cấp đến các nhà may tư nhân ở khắp các phố phường, chất liệu không chỉ đem đến sự ấm áp, mà còn sinh động về phong cách. Nhà cửa cũng vậy, rất nhiều ngôi nhà đẹp, lộng lẫy nhìn từ bên ngoài, đầy đủ tiện nghi khi bước vào bên trong. Phố phường sầm uất, xe máy, ôtô, dòng người đi lại, đông đúc suốt ngày, ai nấy gương mặt sáng rỡ, vui vẻ. Cuộc sống thay đổi không chỉ nhìn thấy ở bộ mặt phố phường mà còn thấy từ các bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện cũ được xây sửa mới, khang trang, bề thế, sạch sẽ và nhiều phương tiện y học hiện đại tiên tiến hơn. Đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, có kinh nghiệm điều trị đông đảo hơn...

36 năm, một bước tiến dài của đời sống người Việt.

Tết trong lòng người xa xứ

Đứa em tôi, năm nay 36 tuổi. Nó không biết gì về thời bao cấp tôi nhắc ở trên. Học xong đại học, nó ra nước ngoài học tiếp cao học. Tốt nghiệp cao học nó thử việc, được nhận vào làm có mức lương cao liền ở lại không về. Nó bảo, bố mẹ đã mất cả rồi, các anh chị thì ai cũng có gia đình, em chưa muốn lấy chồng, nên ở lại cũng được. Chúng tôi bảo, ừ thì thế giới phẳng, biên giới của mỗi quốc gia nằm trong trái tim mỗi người, tùy em sống sao cho trọn với một con người có nguồn có gốc. Nó lý luận rằng: “Quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân là một trong những quyền căn bản tạo hóa ban cho con người. Trong đó có sự đầy đủ về vật chất, sự an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ hội để cá nhân phát triển tối đa tiềm năng... Đóng góp cho quê hương cũng là một phần trong suy tư hạnh phúc của mỗi người. Anh chị cứ yên tâm. Em coi đó là bổn phận. Tình yêu quê hương đất nước ngấm trong máu. Em biết đất nước mình vật chất giờ không thiếu, nhưng còn thiếu những giá trị tinh thần, thiếu khả năng nghiên cứu khoa học, y học... Em cũng như một số người ở lại là để trau dồi thêm, để có thể đóng góp được cho đất nước nhiều hơn... Em ở bên này luôn canh cánh nỗi nhớ nhà, nhất là khi Tết đến...”. Thấy nó nói thế, anh em chúng tôi lại thấy thương nó. Mỗi khi Tết đến, lại mong cho nó có thể về thăm gia đình, anh em hàn huyên vui vẻ. Có lần nó không về được, tất cả lại dành thời gian qua “phây” (facebook) để kể về Tết cho nhau nghe.

Năm nay, nó bảo sẽ về sau Tết vì dịp Tết nó phải trực ở viện. Không biết làm thế nào mà trong phòng trực của nó có một cành đào. Vào giữa trưa, khi các bệnh nhân đã nghỉ, nó lên “phây” trò chuyện với chúng tôi, bên cành đào ấy nó sụt sùi nỗi nhớ nhà, vừa khóc vừa nói: “Em mong năm mới mang đến sự bình an cho Tổ quốc, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Chúc mọi người vui đón một năm mới tốt lành. Chúc các bác sĩ trong nước được tôn trọng, được thấu hiểu về tài năng, nỗi khó nhọc...”.


Nhà văn Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn