Mong ước và sự thật

10-02-2009 14:23 | Tin nóng y tế

Đau đớn nói chung và đau sau mổ nói riêng gây cảm giác rất khó chịu, thậm chí sợ hãi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, đời sống xã hội và sự phục hồi của người bệnh.

Đau đớn nói chung và đau sau mổ nói riêng gây cảm giác rất khó chịu, thậm chí sợ hãi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, đời sống xã hội và sự phục hồi của người bệnh.

Với mục tiêu không để bệnh nhân phải chịu đau đớn trong và sau phẫu thuật, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã và đang áp dụng mô hình chống đau tiên tiến của quốc tế bao gồm từ việc khám, tư vấn về đau, dự phòng đau trước phẫu thuật và áp dụng các biện pháp chống đau hiện đại sau phẫu thuật. Bệnh viện cũng nhận điều trị các bệnh lý đau cấp và mạn tính, đau do ung thư. Mô hình điều trị này đang được bệnh nhân hài lòng đón nhận.

 
Một trong những thiết bị giảm đau do bệnh nhân tự điều chỉnh.

Đau sau mổ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh

Hiệp hội chống đau quốc tế định nghĩa đau là một cảm nhận thuộc về giác quan và xúc cảm do tổn thương đang tồn tại hoặc tiềm tàng ở các mô gây nên và phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tổn thương đó. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân có bệnh lý phải chỉ định phẫu thuật nhưng đã cố tình trì hoãn, hậu quả là bệnh ngày một nặng hơn, khi bắt buộc phải phẫu thuật đã có những biến chứng đáng tiếc, gây khó khăn hơn cho điều trị và kéo dài thời gian hồi phục.

Đau sau mổ gây cảm giác rất khó chịu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người bệnh. Từ lâu, các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng đã thừa nhận đau gây ra hàng loạt các rối loạn tại chỗ và toàn thân như làm tăng gấp bội các stress của cơ thể đối với tổn thương, gây rối loạn về nội tiết, chuyển hóa, hô hấp và tuần hoàn, làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật, đặc biệt làm tăng nguy cơ trở thành đau mạn tính mà bệnh nhân sẽ phải chịu suốt đời dù vết mổ đã lành hoàn toàn. Đau sau mổ còn có thể gây ra các biến chứng sớm và nguy hiểm như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, xẹp phổi, suy hô hấp... và có thể dẫn đến tử vong.

Trong tác phẩm Sự tôn kính đối với cuộc sống Albert Schweitzer, bác sĩ y khoa, nhà triết học, nhà soạn nhạc, giải Nobel Hòa Bình 1952 đã cho rằng: “đau đớn bản thân nó còn có thể tồi tệ hơn cả cái chết...”. Vượt ra ngoài ý nghĩa của một can thiệp y tế, chống đau cho người bệnh ngày nay còn được coi là một việc làm nhân đạo. Chống đau nói chung cho bệnh nhân, đặc biệt là chống đau sau mổ, giúp người bệnh phục hồi sớm chức năng của các cơ quan, cho phép vận động sớm, tránh các biến chứng, tạo cảm giác thoải mái và yên tâm của người bệnh mỗi khi đến bệnh viện. Tuy nhiên, trên thế giới, chống đau sau mổ còn là một vấn đề lớn của y học với nhiều thách thức. Theo số liệu gần đây nhất ở các nước có nền y học tiên tiến như Anh, Đức, Thụy điển cũng chỉ có 32-70% các bệnh viện có trung tâm chống đau và 31-39% bệnh nhân vẫn còn phải chịu mức độ đau nhiều và rất đau sau mổ. Tại nước ta, nghiên cứu mới đây của chúng tôi cho thấy 59% bệnh nhân ở tuần đầu tiên sau mổ, 22% ở tuần thứ hai, và 7% ở tuần thứ ba phải chịu mức độ đau từ nhiều đến rất đau.

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến thực trạng trên như thiếu hiểu biết về những ảnh hưởng có hại của đau, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, thiếu phương tiện, khó khăn trong tổ chức thực hiện chống đau, thiếu sự phối hợp của các thầy thuốc liên quan hoặc sự phối hợp từ phía người bệnh.

Những biện pháp giúp người bệnh vượt qua đau đớn

Trên thế giới, chống đau là một phần công việc hằng ngày, tiếp theo nhiệm vụ trong cuộc mổ của người gây mê hồi sức. Ngoài việc bám sát diễn biến trong phẫu thuật, sự hiểu biết về thuốc và các phương pháp chống đau, người gây mê hồi sức còn có khả năng thực hiện thành thạo các thủ thuật đặt dụng cụ để chống đau. Đây là phần quan trọng của các phương pháp chống đau hiện đại.

Cần phải nói rằng việc chống đau cũng có thể gây ra một số phiền phức và biến chứng do thuốc và kỹ thuật sử dụng. Đây cũng là một trong những lý do cản trở các thầy thuốc tiến hành các biện pháp chống đau. Để đạt được hiệu quả và hạn chế tai biến, ngoài yếu tố nhân lực và cách tổ chức, chống đau cần dựa trên nguyên tắc phối hợp cùng lúc nhiều phương pháp (Multi-modal therapy). Các phương pháp chống đau chính đang được áp dụng trên lâm sàng bao gồm: dự phòng đau trước mổ (preemptive analgesia) bằng một số thuốc như ketamin, paracetamol, gabapentin, lidocain; sử dụng thuốc thuộc dòng morphin; sử dụng thuốc chống viêm non-steroid và các thuốc khác; sử dụng các kỹ thuật phong bế thần kinh theo vùng như tiêm thấm lớp, gây tê thân thần kinh, đám rối thần kinh, và gây tê ngoài màng cứng.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại, kỹ thuật đặt catheter và truyền liên tục thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng, vào vùng mổ, vào các đám rối thần kinh hoặc kỹ thuật chống đau do bệnh nhân tự điều khiển (PCA-Patient Control Analgesia) được coi là các phương pháp chống đau tiên tiến nhất. So với việc sử dụng morphin theo cách truyền thống qua đường tiêm dưới da, bắp hoặc trực tiếp tĩnh mạch thì các phương pháp hiện đại có thể kiểm soát hoàn toàn đau, trong khi hầu như tránh được các tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, ngứa, bí tiểu, đặc biệt là suy hô hấp và ngừng thở sau mổ. Đây là những kỹ thuật đang được ứng dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Lựa chọn kỹ thuật chống đau thích hợp cho từng bệnh nhân cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho chống đau hiệu quả và an toàn. Người bệnh cần được bác sĩ gây mê hồi sức khám trước phẫu thuật, đánh giá các thông tin từ phía người bệnh như tâm lý, tình trạng đau trước đó, các bệnh đau mạn tính, các thuốc đã sử dụng, dự kiến phẫu thuật, các rối loạn ảnh hưởng đến việc lựa chọn kỹ thuật chống đau như rối loạn đông máu, chức năng gan, thận... Bản thân việc gặp bệnh nhân trước phẫu thuật, giải thích, động viên về các vấn đề liên quan đã giảm được đáng kể nguy cơ đau sau phẫu thuật. Tuy nhiên đây là điều chưa được các bác sĩ lâm sàng quan tâm đúng mức.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)


Ý kiến của bạn