Hà Nội

Móng tay mềm, dễ gãy do đâu? Cách nào khắc phục?

01-07-2024 12:16 | Thẩm mỹ

SKĐS - Móng tay mềm yếu sẽ rất dễ gãy, gây mất thẩm mỹ cho bàn tay. Hơn nữa, móng tay mềm, gãy còn dẫn đến đầu móng tay xơ, dễ làm xước da nếu vô tình cào gãi... Nguyên nhân khiến móng tay mềm, dễ gãy là gì và cách nào khắc phục?

Nguyên nhân khiến móng tay mềm, dễ gãy

Các yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, lão hóa, mắc bệnh... đều có thể khiến móng tay mềm, mỏng và dễ gãy.

Do ngâm nước lâu: Khi móng tay bị ướt sẽ khiến móng tay nở ra và mềm hơn. Đặc biệt nếu móng tay ngâm nước lâu như khi giặt quần áo, vệ sinh nhà cửa cần dùng đến nước, xà phòng... sẽ khiến móng tay càng bị mềm mỏng. Khi móng tay khô lại, chúng sẽ dễ bị giòn và dễ gãy.

Do thiếu độ ẩm: Ngược lại với ngâm nước lâu thì khi móng tay bị thiếu độ ẩm do thời tiết khô hanh, nắng nóng cũng khiến móng tay bị khô giòn, mỏng và dễ gãy.

Do lão hóa: Khi cơ thể lão hóa, móng tay cũng sẽ bị mỏng, khô, mọc chậm và dễ gãy hơn. Trong khi đó móng chân lại có xu hướng khô dày, cứng hơn. Ở phụ nữ, độ tuổi tiền mãn kinh, sau mãn kinh là lúc không chỉ tóc bị khô, dễ rụng mà móng tay cũng mềm mỏng và dễ gãy.

Móng tay mềm, dễ gãy do đâu? Cách nào khắc phục?- Ảnh 1.

Móng tay mỏng dễ gãy do nhiều nguyên nhân.

Do hóa chất: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, giặt quần áo, lao động tay chân mà không sử dụng găng tay cao su bảo hộ sẽ khiến móng tay bị mỏng mềm rất nhanh. Ngoài ra, khi thường xuyên sử dụng sơn móng tay làm đẹp cũng khiến móng tay bị tổn thương. Nhất là khi sử dụng aceton để tẩy rửa lớp sơn sẽ khiến móng tay khô, mỏng, giòn, dễ gãy.

Do bệnh lý: Người mắc các bệnh lý như hội chứng Raynaud sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu khiến bàn tay, bàn chân không được cung cấp đủ máu. Từ đó khiến móng tay, móng chân không được nuôi dưỡng đầy đủ dẫn đến móng mềm mỏng, giòn, dễ gãy.

Ngoài ra, người bị suy giáp cũng khiến da khô, tóc rụng, móng mỏng mềm dễ gãy.

Thiếu máu do thiếu sắt cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến móng tay mỏng mềm, giòn...

Do thiếu dinh dưỡng: Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như vẻ đẹp của cơ thể. Đối với tình trạng móng tay/chân bị mềm mỏng, dễ gãy thì cơ thể có thể bị thiếu một số vi chất:

- Vitamin nhóm B: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng. Trong đó vitamin B7, vitamin B12, vitamin B9 sẽ giúp móng chắc khỏe, bóng hơn. Khi thiếu các loại vitamin này, móng tay, móng chân bạn mềm yếu và dễ gãy, xước và thiếu độ bóng, mượt dễ bị xước.

- Vitamin C: Giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, do đó khi thiếu vitamin C cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể thiếu sắt.

Ngoài ra, vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sản xuất collagen - một thành phần cần thiết cho sức khỏe, độ bóng mượt của móng và tóc. Thiếu hụt vitamin C khiến móng, tóc phát triển chậm hơn bình thường.

- Canxi và vitamin D: Là những chất quan trọng để bạn xây dựng bộ xương chắc khỏe và cũng rất cần thiết cho sức khỏe của móng. Thiếu hai chất này sẽ khiến móng khô, mềm, mọc chậm và dễ gãy xước.

Cách khắc phục tình trạng móng tay mềm, dễ gãy

Chế độ dinh dưỡng: Khi móng tay bị mềm, mỏng, khô giòn, dễ gãy, cần tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho móng như:

  • Các loại rau màu xanh lá thường giàu biotin, vitamin B, vitamin C, vitamin E.
  • Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó... giàu biotin, kẽm, các vitamin, khoáng chất, protein rất tốt để nuôi dưỡng móng và tóc chắc khỏe.
  • Trứng gà, cá béo chứa nhiều acid amin, protein, canxi, vitamin và khoáng chất có lợi cho móng.
  • Bổ sung đầy đủ protein: Khi cơ thể được cung cấp đủ protein, sẽ tăng sản sinh keratin. Keratin là một protein giúp xây dựng tóc, móng khỏe mạnh.

Mẹo chăm sóc: Ngoài thực hiện chế độ ăn có lợi cho tóc và móng, thì việc chăm sóc móng tay cũng rất quan trọng để giúp móng chắc khỏe.

Móng tay mềm, dễ gãy do đâu? Cách nào khắc phục?- Ảnh 3.

Thường xuyên chăm sóc da, móng tay để có bàn tay khỏe đẹp.

- Mang găng tay khi làm việc: Khi làm việc nhà như rửa bát, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa... luôn đeo găng tay cao su để bảo vệ móng không bị tiếp xúc trực tiếp với nước và hóa chất. Nhưng đeo găng tay lâu khiến tay bị đổ mồ hôi, hoặc quá trình làm việc nước lọt vào trong găng tay cũng khiến nước đọng lại, dẫn đến móng tay bị mềm. Do đó sau khoảng 30 phút nên tháo găng tay để lau khô tay 1 lần.

- Hạn chế sơn móng hoặc dùng móng tay giả: Quá trình sơn móng tay hoặc gắn móng tay giả sẽ phải dũa bề mặt móng tay để lớp sơn hoặc móng tay giả gắn được bền hơn. Điều này làm cho móng mỏng đi. Cùng với hóa chất trong sơn móng hoặc keo gắn móng sẽ làm cho móng bị suy yếu... Từ đó khiến móng mỏng, mềm, giòn và dễ gãy. Chính vì thế hạn chế làm đẹp bằng cách này sẽ giúp móng tay khỏe đẹp hơn.

- Không để móng tay quá dài: Nên giữ móng tay ngắn hoặc có độ dài vừa phải để tránh va quệt. Định kỳ cắt và dũa móng tay để loại bỏ các vết xước, nứt của móng.

- Bảo vệ da tay và móng tay bằng kem dưỡng nhằm cung cấp độ ẩm cũng như dưỡng chất giúp bàn tay đẹp, móng chắc khỏe. Kem dưỡng có móng chứa acid alpha-hydroxy hoặc lanolin tốt cho móng tay giòn mỏng...

Mời độc giả xem thêm video:

Làm gì để lựa chọn sơn móng tay an toàn?

ThS.Trần Thị Luyến
Ý kiến của bạn