Móng tay dễ gãy, tại sao?

11-05-2011 10:14 | Tin nóng y tế
google news

Móng là một thành phần phụ quan trọng của da. Móng có nhiều vai trò quan trọng như bảo vệ đầu ngón khỏi sang chấn, tham gia vào động tác cầm nắm, hái, nhặt.

Mẹ tôi gần đây hay bị gãy móng tay, mẹ tôi vẫn ăn uống bình thường và khỏe mạnh, không mắc bệnh gì. Xin báo tư vấn giúp móng tay gãy là bệnh gì, có thể dùng thuốc nào để chữa bệnh này?

      Nguyễn Hoàng Minh (Đà Nẵng)   

Móng là một thành phần phụ quan trọng của da. Móng có nhiều vai trò quan trọng như bảo vệ đầu ngón khỏi sang chấn, tham gia vào động tác cầm nắm, hái, nhặt. Ngoài ra, nó còn là một đơn vị thẩm mỹ quan trọng của cơ thể. Về mặt cấu tạo, móng được tạo nên bởi các phân tử cystein liên kết với nhau bằng cầu nối disulphide tạo thành một cấu trúc rất vững chắc. Ở người bình thường, móng có màu vàng trong, cứng chắc, bề mặt nhẵn bóng.

Hiện tượng móng dễ gãy có thể là hậu quả của những nguyên nhân sau: nấm móng thường gây tổn thương cho một hoặc một vài móng, ít khi bị tất cả các móng. Có thể phát hiện được bằng cách soi tìm nấm tại tổn thương. Bệnh vảy nến: đây là một bệnh toàn thân có biểu hiện ở da, móng, khớp và cả nội tạng. Tuy nhiên ở giai đoạn sớm có khi chỉ xuất hiện tổn thương móng. Bệnh lichen phẳng: là một bệnh đến nay chưa rõ căn nguyên. Có biểu hiện tổn thương ở da là những sẩn hình đa giác ngứa nhiều. Ngoài ra có biểu hiện cả tổn thương móng và tổn thương niêm mạc. Thiếu máu: tình trạng thiếu máu kéo dài có thể làm cho móng mủn, dễ gãy bề mặt móng thô ráp, mất đi độ bóng bình thường. Ngâm nước quá nhiều: một số ngành nghề đòi hỏi người làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với nước làm cho móng tay trở nên mủn và dễ gãy. Vi sang chấn: những người làm nghề đánh máy nhiều năm có thể dẫn tới những vi sang chấn kéo dài làm móng bị tổn thương. Do dị vật: những người làm nghề gội đầu có thể bị các mảnh tóc gãy đâm xuyên vào trong móng dẫn đến hiện tượng tách móng làm cho móng dễ bị gãy.

Như vậy hiện tượng móng dễ bị gãy có thể là hậu quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc điều trị quan trọng là phải giải quyết tận gốc căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên việc tìm ra căn nguyên ấy nhiều khi không phải là đơn giản, đòi hỏi phải là các bác sĩ chuyên ngành da liễu có kinh nghiệm. Vì vậy trường hợp của mẹ bạn tốt nhất là tới khám bác sĩ da liễu để được tư vấn đầy đủ.        

       PGS.TS.Nguyễn Văn Thường


Ý kiến của bạn