Với tổng lương, thưởng các loại và tiền trực 4 đêm mỗi tháng cho một bác sĩ thâm niên 10 năm như anh lại chưa tới 10 triệu thì việc anh phải vắt kiệt sức chạy đôn chạy đáo, mong kiếm thêm tiền nuôi vợ và 2 đứa con, chưa kể đến cha mẹ già dưới quê là điều tất yếu. Có những buổi chiều tắc đường, anh vẫn phải len lỏi chiếc xe gắn máy khắp thành phố từ quận 2 cho đến Bình Chánh để tới nhà từng bệnh nhân khám và chữa trị.
Người bác sĩ với tấm lòng nhân hậu luôn tìm mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân (ảnh minh họa).
Tuần trước, Khang đi cầu ra máu. Anh lại nghĩ do trĩ, vì mình ngồi phòng khám một ngày 8 giờ. “Thập nhân cửu trĩ” mà. Nhưng vợ Khang lại nói nhìn anh xanh xao và tóc rụng khá nhiều, lúc này anh mới giật mình.
Và tại phòng cấp cứu:
- Du ơi, hôm nay em trực cấp cứu à? Viết giùm anh cái giấy nhập viện đi. Bị ung thư đại tràng rồi! Nay có kết quả giải phẫu bệnh.
Tôi muốn nói điều gì đó để an ủi, động viên anh, nhưng lời lạc đi đâu mất! Tôi biết giờ phút này đối với anh rất nặng nề và đau đớn. Cũng như gần 2 năm trước, ngày mà tôi dắt ba đi nội soi và nhận kết quả: Nghi ngờ khối u ác tính vùng đại tràng phải góc gan.
Đất trời sụp đổ!
Đêm nào nằm ngủ trong phòng bệnh, trông ba truyền hóa chất, tôi cũng đều nằm mơ thấy bụng mình có khối u và đi cầu ra máu.
Và lúc đó mới thấm thía làm sao câu nói: Đời người là bể khổ. Khổ vì mưu sinh, khổ vì bệnh tật, khổ vì tuổi già. Đó là chưa kể phân nửa nỗi khổ còn lại do dục vọng, đố kỵ, tham lam và sân hận.
Có nhiều kẻ vì yêu nhầm một người mà đánh mất cả thời thanh xuân.
Có nhiều kẻ vì giận hờn một người vài câu nói mà biến trái tim mình thành chật hẹp, tù túng và cay nghiệt.
- Thương hai đứa nhỏ, em à! Không có anh, mai này tụi nó sẽ ra sao? - anh Khang nói buồn buồn.
- Bậy! Ung thư đại tràng là một bệnh ung thư không chết sớm được. Anh là bác sĩ anh biết mà. Càng gần miệng, càng gần hậu môn càng ác. Chứ ở đại tràng thì phải cắt rồi, nhưng truyền hóa chất điều trị thì sống còn được nhiều năm lắm. Có người điều trị phù hợp thì còn khỏi bệnh hoàn toàn.
- Nhưng anh vẫn lo quá!
- Ba em bị nên em nghiên cứu kỹ lắm. Cứ bình tâm anh nhé.
Khi an ủi anh, tôi thấy anh mỉm cười. Nói thiệt từ lúc vào bệnh viện làm chung tới giờ rất ít thấy anh cười. Vì lẽ gì mà chúng ta quên mỉm cười? Trong khi cuộc sống có bao nhiêu ngày vui đâu?
Có những biến cố tự dưng giờ đó, phút đó ập đến không ngờ. Chính vì không ngờ nên con người đâm ra bối rối, trở tay không kịp và lạc lối.
Thật ra ai thoát khỏi vòng sinh lão bệnh tử? Có những cái chết đến bất ngờ, có những cái chết đến từ từ. Trước sau gì cũng chết. Nhưng hình như chẳng ai dọn mình cho cái chết.
- Anh Khang theo Công giáo phải không?
- Ừm.
- Chúa vẫn dạy rằng: Các con hãy tỉnh thức luôn luôn, bởi vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa gọi về. Như chuyện các cô gái chờ chú rể đến, cô nào chuẩn bị sẵn sàng dầu để thắp thì sẽ không bỏ lỡ mất việc vui, còn ngược lại, không chuẩn bị thì sẽ mãi mãi ở trong bóng tối. Chuẩn bị dầu ở đây là chuẩn bị niềm tin, lòng cậy trông vào Chúa phải không anh? Hãy phó thác cho Chúa.
Mỗi khi tham dự Thánh lễ trong nhà thờ, anh có hay nghe Cha xướng lên: Bình an Thiên Chúa ở cùng anh, chị, em. Cả cộng đồng đáp lại: Và ở cùng Cha?
Lời chúc bình an ấy gần như lặp lại liên tục suốt buổi lễ, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc.
Chẳng ai chúc nhau giàu sang, quyền lực và danh vọng.
Phải chăng người giàu nhất, mạnh mẽ nhất và thành danh nhất là người đang sống trong sự bình an?
- Anh cảm ơn em. Bối rối quá, anh quên mất mình có Chúa ở trong lòng.
- Dạ anh!
Lúc nhìn anh theo chị hộ lý về phòng bệnh, tôi đã nhắm mắt mỉm cười. Tôi tin rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp. Bởi anh là bác sĩ có tấm lòng phúc hậu. Đồng nghiệp hay bệnh nhân gặp anh, ai cũng cảm nhận được.
Những người có trái tim thiện lương luôn luôn được bình an mỗi bước chân đi trong cuộc đời này...