Mong muốn Hà Nội có một con đường mang tên nhà báo Hữu Thọ

19-06-2019 15:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nguyên văn câu nói đã trở thành châm ngôn về nghề làm báo của nhà báo Hữu Thọ là: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Sau này, nhiều người nhắc tới nhưng có khi cũng quên mất cha đẻ của nó là ai. Lúc sinh thời, có dịp trò chuyện với ông, tôi có hỏi chuyện này. Ông cười hiền: “Kệ chú ạ. Cái gì của mình nói ra, viết ra mà thiên hạ dùng, rồi thành của chung là quý rồi”.

Nói về cái nghề cao quý và lắm nhọc nhằn này, theo chúng tôi, Hữu Thọ là người có những tổng kết sâu sắc nhất. Làm việc dưới quyền ông từ khi ông còn làm Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, tôi may mắn nhiều lần được nghe ông nói về “công việc của người viết báo” (tên một cuốn sách của Hữu Thọ). Không nói những điều to tát, “người bình luận” của chúng ta lúc nào cũng tỏ rõ sự khiêm cung, rủ rỉ bàn về “tình bút mực”, về “âm thanh con chữ”. Tôi nhớ (không nguyên văn) những lời bàn của một bậc thầy chính luận, bậc thầy điều tra và tiểu phẩm: Làm nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc; Làm báo để người ta kính mình không khó, khó hơn là để họ trọng mình;  Không sợ cái vô văn hóa, cái phản văn hóa, sợ nhất là cái dưới văn hóa; Nội dung, hình thức đều rất cần nhưng nội dung là cốt lõi, chữ nghĩa mà cứ kì cọ bóng nhoáng lên thì còn đâu là cái chất bề bộn đời sống nữa; Viết một bài báo ra, có người thích, kẻ ghét là bình thường, nếu viết để tất cả cùng vừa lòng là một bài báo thất bại; Khi trong lòng còn lấn cấn, do dự thì tốt nhất đừng có viết ra; Tôi làm quản lý báo chí, đèn xanh thì đương nhiên rồi, có lúc phải bật đèn đỏ, nhưng khi đèn vàng thì các nhà báo thừa hiểu đó là cơ hội của mình, đừng bỏ lỡ, không thể có lời giải thích nào ở đây.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Hữu Thọ có những câu nói mộc mạc nhưng đầy thế sự như thế. Đó là những sợi tơ của một đời tằm rút ruột. Hơn nửa thế kỷ làm lãnh đạo, quản lý và thật sự làm một “thợ cày” chữ nghĩa, ông đã lăn lộn hầu như gần khắp các huyện của đất nước, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Khi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, lúc lại la cà với mấy bà thợ cấy, mấy bác canh điền tán chuyện nông trang, rít thuốc lào đến... tụt cả nõ điếu. Lần ấy, chúng tôi về huyện Mỹ Văn, Hưng Yên công tác, trong bữa ăn trưa, Bí thư Huyện ủy nói chuyện về món ăn quê ông, nào là bia cỏ, canh cáy, gỏi cá mè, cá lẻm nấu dưa, húng dũi, dền cơm... Hữu Thọ cười cười: “Mày chính trị thì hơn tao thật, nhưng khoản ăn thì tao hơn mày. Mày để tao nói”. Không khí bữa trưa hôm ấy thật vui, để rồi buổi chiều, cuộc làm việc về tình hình cơ sở đảng ở nông thôn đạt kết quả rất tốt. Chủ và khách đều nói hết ý của mình, không ngại đụng tới những vấn đề nhạy cảm. Mấy phóng viên trẻ ghi kín cả cuốn sổ tay dày cộp. Ra về, “cụ” Thọ mới bảo: Các cậu không chỉ nghe bằng hai tai mà phải lắng mà nghe. Hỏi hay, đừng hay hỏi. Hỏi càng đơn giản càng tốt. Có những điều phải tự hỏi mình chứ sao lại hỏi người ta. Tớ đọc bài mấy cậu viết gần đây toàn thấy nghe cả, chả thấy nhìn, chả thấy nghĩ, trơn tuồn tuột từ đầu đến cuối.

Hữu Thọ là cây bút chính luận sắc sảo, tác giả viết điều tra bậc thầy, lại cũng là “sư phụ” trong lĩnh vực tiểu phẩm báo chí. Ông khiêm tốn nói, nội dung quyết định tất thảy, thể loại chỉ là công cụ cho mình chuyển tải tư tưởng thôi. Viết nhiều thể loại nhưng thể loại nào ông cũng có những tác phẩm đỉnh cao. Đó là loạt bài bình luận chính trị, kinh tế những năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới (1986). Đó là những bài điều tra về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, từ “Khoán 100” đến “Khoán 10” những năm 80 thế kỷ XX. Đó là hàng trăm tiểu phẩm xuất sắc được viết bởi tư duy của một “người hay cãi”, mà là cãi hay chứ không phải “cãi cùn”. Sau này, riêng mảng tiểu phẩm, ông đã xuất bản 4 cuốn sách dày dặn: Người hay cãi, Sông đỏ, sông đen, 99 chuyện đời, Tình bút mực. Còn nhớ những năm làm Tổng biên tập báo Nhân Dân, buổi trưa ăn cơm về, chỉ chợp mắt chừng 20 phút là ông vục dậy viết tiểu phẩm. Chữ ông nhỏ nhưng thoáng, đều tăm tắp, dễ đọc. Viết chừng 40 phút là xong một bài tiểu phẩm chừng 600-700 chữ, vừa kín một mặt giấy khổ A4. Ông ký như cái lò xo ở góc trên bản thảo và bảo mấy anh biên tập: Các cậu đọc thấy chỗ nào gờn gợn cứ góp ý để mình sửa. Có những điều viết ra nhưng chưa thật chín, mà chờ chín thì mất tính thời sự. Cái khó của nghề là chỗ đó. Đừng có ai ỷ vào cái ghế, đã làm nghề báo thì ngày nào cũng phải viết.

Quan sát lao động báo chí của Hữu Thọ, chúng tôi thấy ông trân trọng tất cả các thể loại. Với ông, một chữ cũng rất đẹp, hơn là để tờ giấy trắng. Cái tin vắn “bao diêm” có giá trị không kém gì một bài đại luận vài nghìn chữ. Ngày 13/8/2015, ông đột ngột qua đời, tôi xúc động viết bài thơ Mắt sáng, lòng trong đăng báo Nhân Dân, có đoạn: “Đã viết cả nghìn bài, không có bài “to” bài “nhỏ”/Chăm chút chi li từng mẩu tin/Hãy “cãi” xem nào, Ông dặn chúng tôi như thế/Vì tiếng nói này là tiếng nói nhân dân”.

Sinh thời, Hữu Thọ thích nhất danh xưng nhà báo, bởi ông không chỉ viết báo, làm lãnh đạo báo chí, mà còn làm thầy dạy ở trường báo chí với chức danh kiêm nhiệm Trưởng khoa ở Học viện Báo chí&Tuyên truyền trong nhiều năm. Ông không thích dẫn ra những “nguyên” này “nguyên nọ”. Làm quan một thời đâu phải làm quan một đời. Có dạo, có vị lãnh đạo muốn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tính toán đề nghị xây dựng tiêu chí phong danh hiệu Nhà báo Nhân dân, Nhà báo ưu tú. Hữu Thọ lập tức phản đối. Ý kiến của ông như sau: Chúng ta được gọi là nhà báo là đã hạnh phúc lắm rồi. Nhà báo được dân tin là quý lắm, còn nếu được dân cậy càng quý hơn, đừng phụ lòng người ta. Mang danh này nọ mà không được dân tin cậy thì danh ấy chỉ là cái thứ danh phù.

Hữu Thọ là người lịch lãm, minh triết. Ở ông có sự cuốn hút đặc biệt từ phong cách đến trí tuệ, một trí tuệ không chịu già. Có nhà báo đã phỏng vấn ông tới hơn... 10 lần, có thể in thành một cuốn sách phỏng vấn Hữu Thọ. Vậy mà không trùng lặp. Là vì người trả lời luôn nhớ trước đó mình đã nói gì. Muốn không lặp lại mình thì phải luôn quan sát, lắng nghe, suy nghĩ, như dòng nước luôn tuôn chảy, ráng cùng những dòng, những xoáy nước khác tạo nên những trầm tích mới, những “phù sa văn hóa”.

Thấm thoắt Hữu Thọ đã vào cuộc vân du gần 4 năm rồi. Khi viết những dòng này, tôi vẫn thấy như đang được hầu chuyện ông. Câu đầu tiên ông hỏi vẫn là “Có gì mới không?”. Và ông lại dặn: “Không có gì chóng cũ bằng chính cái mới”. Vì luôn lo cũ nên ông không rời cây bút. Bận việc, có khi ông vừa đi vừa “viết”, là viết ở trong đầu, như trường hợp bài Đêm nay trên đường Hàng Trống. Con đường phố thân quen ấy có trụ sở Báo Đảng ở số 71 ông đã gắn bó cả đời làm báo. Bài viết ngắn mà như một tùy bút xúc động về nghề. Ông viết rằng, mỗi tối khuya trở về nhà, ra khỏi cổng tòa soạn, lòng đầy ắp niềm vui vì đã gửi gắm bao điều vào số báo ngày mai, lại hồi hộp chờ đợi sớm mai bạn đọc sẽ thích điều gì, chê trách điều gì. Nhưng vui chưa lâu thì đã lại lo, lo rằng ngày mai lấy gì mà đăng?

Từ con đường Hàng Trống thân yêu, chúng tôi nghĩ đến những con đường Hà Nội, những con đường cách mạng và kháng chiến góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, của thời đại. Nhiều con đường đã gắn liền với tên tuổi các nhà cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa để ghi nhận công lao to lớn, trí tuệ và tấm lòng của họ. Và chúng tôi hy vọng một ngày nào đó có một con đường mang tên nhà báo Hữu Thọ yêu quý của chúng ta!

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Cần một con đường mang tên Hữu Thọ

Hữu Thọ là một nhà báo lớn. Ông từng giữ nhiều trọng trách của Đảng: Tổng biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và rất nhiều chức tước khác. Tuy nhiên, ông vẫn không bỏ nghề. Dù ở trọng trách nào, ông cũng vẫn là một nhà báo. Dù bận việc, ông vẫn viết hàng ngày. Có bài báo chỉ bằng một... bàn tay, tãi ra chỉ vài trăm chữ, có khi vài chục chữ, mà vẫn nói được những vấn đề lớn. Nhiều bài viết của ông xứng đáng là tác phẩm kinh điển, có thể làm sách giáo khoa cho ai muốn học nghề. Ông cũng rất tài đúc kết kinh nghiệm. Thế nào là một nhà báo giỏi? Đó là người có mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Quả đúng vậy.

Trong công tác quản lý báo chí hay quản lý văn nghệ nói chung, tôi thấy ông cũng rất xuất sắc, đặc biệt là việc xử lý những vấn đề phức tạp. Hồi ông làm công tác tư tưởng, ở Hội Nhà văn có một tác giả rất có tài nhưng ông không “bay theo đường dân tộc đang bay”, cũng không nghĩ những điều Đảng nghĩ, có người yêu cầu phải xử lý, thậm chí kỷ luật thật nặng, hỏi ý kiến ông, ông bảo, kỷ luật thì dễ thôi. Nhưng kỷ luật thì Đảng được gì? Hội Nhà văn được gì và dân được gì? Cậu ấy lại có tài. Mà tài năng bao giờ cũng hiếm. Chúng ta không dĩ hoà vi quý. Cũng phải giữ đúng nguyên tắc, giữ nghiêm kỷ luật, nhưng cách xử lý phải khéo. Cần rút kinh nghiệm trong vụ xử lý nhân văn giai phẩm. Sắp Đại hội Đảng rồi, đừng làm to chuyện rồi những thế lực thù địch ở nước ngoài, những kẻ xấu trong nước lại lu loa chúng ta đàn áp văn nghệ, chúng ta không có dân chủ. Thôi cứ lờ đi. Lờ đi cũng là một kỷ luật mà kỷ luật nặng đấy. Sau này, khi từng trải thêm nhiều, tôi mới thấy cách xử lý của ông là thông minh nhất, đúng đắn nhất.

Hữu Thọ cũng là người sâu sắc trong những vấn đề lớn. Ông không chỉ nói mà còn viết và viết rất sâu sắc về những vấn đề nhạy cảm. Ông bảo nước đã thống nhất rồi, chúng ta đã hợp tác toàn diện với cả những kẻ thù địch rồi, sao lòng người trong cùng một nước thì vẫn không ngồi được với nhau. Ở ngoài Bắc thì đơn giản, nhưng trong Nam, có bà mẹ có con là bộ đội giải phóng, nhưng cũng lại có đứa con ở chiến tuyến bên kia. Cả hai đứa đều chết trận. Với bà mẹ thì con nào chẳng là con. Đau lắm chứ. Nỡ lòng nào lại hất một đứa ra khỏi bàn thờ. Nhìn nhận vấn đề đó như thế nào đây. Nước thống nhất rồi thì vấn đề lớn nhất là hoà hợp dân tộc. Có hoà hợp được dân tộc thì nước mới lớn mạnh. Chúng ta tri ân những người hy sinh vì cách mạng. Nhưng cũng đừng quá nặng nề trong việc phân biệt đối xử. Có thế lòng người mới thống nhất được. Phải nói Hữu Thọ rất sâu sắc. Nếu nhà lãnh đạo nào cũng được như ông thì thật là một hồng phúc cho dân tộc.

Hữu Thọ ra đi cũng đã lâu rồi. Nhưng ông vẫn còn sống mãi trong lòng người có lương tri. Ước gì ở các thành phố, mà trước hết là Hà Nội, nơi ông sống và Thái Bình - miền đất đã sinh ra ông có một con đường mang tên ông. Cần giữ ông lại với hậu thế. Đó là một con người rất đẹp mà tôi biết.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương - nguyên Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam: Hy vọng sẽ sớm đặt tên đường Hữu Thọ tại Hà Nội
Lịch sử báo chí nước ta thời hiện đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dìu đắt và lãnh đạo đã sản sinh ra đội ngũ những người làm báo kiên trinh, trí tuệ và một tâm hồn lai láng để đồng hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như dựng xây cơ đồ sau cuộc chiến tranh dài 3 thập kỷ (1946-1975) - một cuộc chiến tranh hiếm có trên thế giới này. Trong cuộc hành trình vĩ đại của dân tộc Việt Nam của thế kỷ 20 sống động và sôi sộng đã xuất hiện đội ngũ làm báo, từ Chủ tịch Xuân Thủy đến các nhà báo ngồi chiếu giữa của làng báo Việt như nhà báo: Hoàng Tùng, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Minh Vỹ, Hữu Thọ, Phan Quang... Trong số này, nhà báo Hữu Thọ - một người sinh ra từ nông thôn, về báo Nhân Dân viết về nông thôn, nông nghiệp và nông dân, sau đó làm Tổng Biên tập tờ báo này rồi Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Sau khi rời nhiệm sở, về hưu theo chế độ, thế nhưng nhà báo Hữu Thọ vẫn tiếp tục cống hiến cho báo chí cách mạng Việt Nam bằng những bài viết, bài nói hết sức phong phú và trí tuệ. Sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự phát triển của báo chí Việt Nam ghi nhận nhà báo Hữu Thọ như một nhân chứng lịch sử, sống động, hiện thực, đầy ắp giá trị nhân văn cũng như phong cách làm báo. Tôi nghĩ và cũng chắc chắn rằng các nhà báo, nhân dân trong cả nước đều ghi nhận điều đó và hy vọng tên nhà báo Hữu Thọ sẽ được đặt cho một đường phố của Thủ đô Hà Nội. Sở dĩ tôi nói chọn Hà Nội vì Hà Nội không những là trái tim của cả nước mà còn là nơi nhà báo Hữu Thọ sinh sống, gắn bó với công việc làm báo tại đây.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển - nguyên Trưởng ban Công tác Hội Nhà báo Việt Nam: Xứng đáng được nhân dân lưu tên, ghi nhớ
Hữu Thọ là nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Cuộc đời làm báo và hoạt động chính trị của ông luôn gắn bó và đồng hành mật thiết với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Ông là nhà báo, nhà chính trị xuất sắc, bản lĩnh, tư duy sắc bén, mới mẻ góp sức rất hữu hiệu, thiết thực vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Ông là chính khách nổi tiếng, suốt cuộc đời hoạt động chính trị, báo chí chỉ một mục tiêu sáng rõ: Vì Đảng, vì nhân dân, vì đất nước thân yêu của mình... Ông rất xứng đáng được vinh danh, được nhân dân lưu tên, ghi nhớ! Vì vậy, qua báo Sức khỏe&Đời sống, tôi trân trọng đề nghị và kính mong HĐND TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội quyết định đặt tên đường phố mang tên nhà báo Hữu Thọ (Phố Hữu Thọ) trong nội đô TP. Hà Nội.

Nhà báo Hà Đăng - nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư:
Về việc này, nếu được Nhà nước chủ trương thì rất mừng. Tôi ủng hộ với việc nên có một con đường mang tên nhà báo Hữu Thọ.

Nhà báo Lê Quốc Trung - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Rất hoan nghênh nếu như Hà Nội đặt tên đường Hữu Thọ
Cá nhân tôi rất hoan nghênh nếu như Hà Nội sẽ có một con đường mang tên nhà báo Hữu Thọ. Bởi ông là nhà báo lão thành có nhiều đóng góp với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Hữu Thọ tham gia cách mạng từ rất sớm rồi trưởng thành là cây bút sắc sảo, mẫu mực và có nhiều bài báo giá trị. Không những vậy, ông còn được biết đến là người có nhiều năm làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí tại báo Nhân dân và sau này là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) là một cơ quan chỉ đạo nhiều mặt, trong đó có chỉ đạo báo chí rồi có công trong công tác đào tạo báo chí khi từng giữ trọng trách Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều nhà báo đã được đặt tên đường, trong đó có nhà báo chiến trường như Trần Kim Xuyến vừa được đặt tên đường ở Hà Nội vừa được đặt tại quê hương Hà Tĩnh của ông. Gần đây, tại Hà Nội đã có tên đường mang tên nhà báo Thép Mới. Vì vậy, không có lý do gì mà Hà Nội lại không có tên đường mang tên nhà báo Hữu Thọ.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Đây là việc cần thiết và hoàn toàn xứng đáng
Hiện nay, tên tuổi của nhiều danh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ và nhà báo tiêu biểu đã được TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị trung tâm như cố đô Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ... đặt tên đường, tên trường học, các công trình văn hóa, dân sinh. Việc các đường phố và công trình văn hóa, giáo dục mang tên các danh nhân, nhà báo, văn nghệ sĩ tên tuổi, bậc thầy tự nó đã khẳng định sự vinh danh và ghi công của cộng đồng, xã hội, của nhân dân đối với họ.

Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiều khóa. Ông là một chính khách, cây đại thụ của báo chí Việt Nam nối liền 2 thế kỷ XX và XXI. Ông vừa là nhà báo bậc thầy, nhà văn hóa, nhà kiến tạo và hoạt động xã hội. Nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc của Hữu Thọ đã được in thành sách, thành tuyển tập để lại cho hậu thế, cho đời, cho nhiều thế hệ làm báo nước nhà những bài học sâu sắc.

Tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ - thư ký thời đại - là những áng văn sinh động, thể hiện một bút pháp báo chí đặc sắc “Phò chính - Trừ tà”, “Bút sắc - Lòng trong” không thể trộn lẫn. Đóng góp của nhà báo Hữu Thọ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vào sự phát triển và lớn mạnh của nền báo chí cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là to lớn, rất đáng được tôn vinh, ghi nhận. Nếu TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay bất cứ đô thị nào lấy tên ông - Nhà báo Hữu Thọ đặt tên đường, tên phố hoặc tên các công trình giáo dục, văn hóa, phúc lợi, dân sinh... đều là cần thiết, hoàn toàn xứng đáng...

Giang Phú (thực hiện)

 


Nhà báo, nhà thơ Hải Đường (Nguyên Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân)
Ý kiến của bạn