Theo Luật Căn cước mới, thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói...Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...)
Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng. Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.
Việc thu thập sinh trắc học mống mắt ngoài việc giúp cơ quan chức năng quản lý cơ sở dữ liệu của người dân, còn giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu...
Mống mắt là gì?
Theo TS.Bs Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, mống mắt ở ngay sau giác mạc có cấu trúc như một hoành chắn ngang, màu mắt được quyết định bởi màu của mống mắt, ở giữa là con ngươi - lỗ đồng tử.
Hình dạng của mống mắt khi khám trên kính hiển vi sẽ có các sợi, các hốc, các thớ cơ, sắp xếp hoàn toàn khác nhau, tương tự như dấu vân tay.
Mống mắt có bị trùng hay làm giả không?
Cũng theo TS.BS Hoàng Cương, nếu soi bằng hiển vi phóng đại, mống mắt không ai giống ai. Vân tay có thể trùng hay bị làm giả nhưng mống mắt thì không thể.
"Điều này đã dẫn tới các nhà nhân chủng học, hình sự, nhận dạng sân bay đã quyết định scan mống mắt để xác định nhân thân thay thế dần cho lấy dấu vân tay. Vẫn là vấn đề mở với từng quốc gia. Nếu chỉ là kê khai hay mô tả màu mống mắt thì đơn giản: Nâu, đen, xanh…Nhưng đưa cấu trúc mống mắt vào nhận diện, định danh cá nhân thì có lẽ phức tạp hơn. Sẽ phải scan cấu trúc chi tiết mống mắt với đầy đủ màu sắc, cấu trúc bề mặt giống như bản đồ hóa vùng địa lý nào đó rồi số hóa để lưu vào kho dữ liệu cá nhân. Một khi cần sẽ được đem ra xác định danh tính với lý luận là gần như không ai có cấu trúc mống mắt hoàn toàn giống nhau"- TS.BS Hoàng Cương cho biết thêm.
Mống mắt có thay đổi theo thời gian, bệnh lý?
TS.BS Hoàng Cương cho biết, mống mắt có thể thay đổi màu sắc hay cấu trúc vì bệnh lý, gồm:
- Chấn thương mắt
- Xuất huyết nội nhãn
- Viêm mống mắt thể mi (viêm màng bồ đào)
- Sau phẫu thuật nội nhãn
- Viêm mống mắt dị sắc của Fuchs
- Hội chứng Horner
- Bệnh Glôcôm và tác dụng phụ của một số thuốc điều trị nó
- Hội chứng phân tán sắc tố mống mắt
- Bệnh nhiễm hắc tố mắt
- Hội chứng Posner - Schlossman
- Bệnh lộn màng bồ đào
- Khối u mống mắt
- Bệnh tiểu đường
- Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
- Hội chứng Chediak - Higashi
Tương tự, bác sĩ CKII Đào Thu Huyền, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết cấu trúc mống mắt không cố định như các cấu trúc khác, nó bị phụ thuộc vào ánh sáng, bệnh lý. Khi gặp ánh sáng mạnh cơ vòng đồng tử co, tức là đồng tử sẽ co nhỏ lại, mống mắt được dàn phẳng. Ngược lại khi ánh sáng yếu, đồng tử dãn ra, mống mắt tạo thành các nếp gấp. Vì vậy, có thể sẽ có trường hợp cấu trúc mống mắt lần một chụp căn cước khác lần thứ hai, nếu không cùng điều kiện ánh sáng.
Ngoài ra, TS.BS Hoàng Cương cho biết thêm, rất nhiều hội chứng bẩm sinh có thể gây hai mắt có màu mống mắt không giống nhau, cấu trúc mống mắt cũng có dị biệt, số lượng và hình dáng đồng tử cũng biến đổi. Tuy nhiên, trẻ mắc những hội chứng trên thường kèm theo những biến loạn về sọ - mặt, rối loạn chuyển hóa, dị thường về cơ, xương, khớp… nên sẽ đến khám bác sĩ mắt rất sớm. Cha mẹ, người thân của trẻ cần biết khuyết tật của con mình để phối hợp với cơ quan chức năng khi làm thẻ căn cước cho trẻ.
Chăm sóc mống mắt như thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, mống mắt đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe thị giác. Để bảo vệ mống mắt, bạn nên:
- Đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím 100% hoặc có nhãn UV400 bất cứ khi nào bạn ra nắng, bảo vệ mắt khỏi tác động tiêu cực từ ánh nắng mặt trời.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, bổ sung nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh, vàng đậm và các loại cá có nhiều axit béo omega-3...
- Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì vì thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc bệnh tăng nhãn áp cao hơn).
- Cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc liên tục, cứ sau 20 phút, hãy nhìn ra xa phía trước khoảng 20m trong 20 giây.