'Mong được mất tiền'

09-05-2023 10:41 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Tưởng như nghịch lý nhưng đó lại là sự thật của nhiều bậc phụ huynh có con năm nay thi vào 10 trên địa bàn Hà Nội.

Cuộc đua vào lớp 10 trường THPT công lập của Hà Nội chưa năm nào hết nóng và luôn được ví là 'khó hơn cả vào đại học'. So với năm ngoái,  năm nay cuộc thi vào 10 của học sinh Hà Nội có phần căng thẳng hơn, khốc liệt hơn khi các trường công lập chỉ tuyển trên 55% học sinh tốt nghiệp THCS.

Cuộc đua khốc liệt như vậy nên nhiều phụ huynh Hà Nội chọn giải pháp dự phòng là 'đặt gạch' một trường THPT ngoài công lập.

Chị  tôi có con năm nay thi vào lớp 10 mặc dù sức học của cháu cũng thuộc diện khá nhưng bạn vẫn lo lắng vì nhỡ đâu 45% còn lại kia lại rơi vào con mình, thi cử không ai nói được trước. Hơn nữa hàng ngày nghe phụ huynh này, phụ huynh kia kể chuyện chia sẻ những khóa trước, hoặc con bạn bè họ có bạn học rất giỏi nên bố mẹ chủ quan không đăng ký trường tư thục nào thế rồi không may thi trượt tất cả các nguyện vọng,  trường chuyên lúc ấy mới tá hỏa đi tim mua hồ sơ ở các trường tư thục để nộp hồ sơ… Cả gia đình lo lắng, bất an, quay cuồng tìm 1 xuất vào tư thục.

Trước tâm lý đó, ra tết chị đã rục rịch tìm hiểu thông tin nghe ngóng hỏi han các trường THPT ngoài công lập. Những trường ngoài công lập, được nhiều người khen ngợi về chất lượng và đứng hàng top thì học phí cao khoảng từ 7 - gần 10 triệu/tháng với thu nhập trung bình của bạn tôi thì không thể cho con theo học. Chị tôi đã tìm một loạt các trường được đánh giá là vừa vừa với mức học phí chấp nhận được, khoảng 3 triệu. Các trường này cũng tuyển sinh từ rất sớm và nếu muốn đặt chỗ ghi danh sẽ phải nộp một khoản gọi là giữ chỗ từ 2-5 triệu tùy trường. Một số trường quy định số tiền đặt cọc này sẽ không được lấy lại nếu thí sinh rút hồ sơ. Dù vậy, chị tôi vẫn vui vẻ, không những thế chị còn dí dỏm 'tôi còn mong mất số tiền đó vì như vậy đồng nghĩa với việc cháu đỗ trường công lập mà không cần dùng phương án dự phòng'. Tưởng đâu là một nghịch lý nhưng ngẫm lại đúng đến ngỡ ngàng.

Chị tôi chỉ là một trong rất nhiều phụ huynh Hà Nội bỏ ra 2 triệu để đặt cọc một trường THPT ngoài công lập nhưng lại không mong phải dùng đến số tiền đó mặc dù đó cũng là số tiền kha khá với gia đình làm nghề tự do. Chị em tôi vẫn nói vui đó là mình 'mua bảo hiểm thi cử'.

Hiện Hà Nội có hơn 100 trường trung học phổ thông ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 22% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Những năm gần đây, nhiều trường đã đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực của học sinh. Nhiều trường ngoài công lập đã lọt vào danh sách những trường có số lượng đầu ra tốt nhất trên cả nước. Tuy nhiên, ở những trường như vậy thì mức học phí vẫn là rào cản lớn nhất khiến các gia đình có mức thu nhập trung bình đến trung bình khá rất khó để có thể cho con theo học…

Biết cha mẹ cũng không dư dả gì nên cháu tôi ra sức học để mong có một xuất vào công lập với mức học phí rẻ hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đó như một cách chia sẻ với cha mẹ khi những gánh nặng về cơm áo gạo tiền luôn đè nặng một gia đình với mức thu nhập trung bình giữa chốn phồn hoa đô thị.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bước vào cuộc đua giành 1 xuất vào 10 trường công lập, thấy cháu học ngày học đêm, anh chị tất bật đưa đón con từ học ở trường, học ở trung tâm rồi lại học ở nhà thầy cô tôi thực sự thương cảm mà không thể giúp được gì ngoài hai tiếng 'động viên'.

Vận động học sinh kém chuyển trường hoặc không thi vào 10 là hành vi tàn nhẫnVận động học sinh kém chuyển trường hoặc không thi vào 10 là hành vi tàn nhẫn

SKĐS - TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống về câu chuyện thành tích trong giáo dục nhân vụ việc ép học sinh chuyển trường hoặc không thi vào 10.


Vi Cầm
Ý kiến của bạn