Mộng du được xem là một trong những hiện tượng kì lạ, khó lý giải mà không ít người đã từng mắc phải. Hiện tượng này không chỉ gây ra sự hoang mang, sợ hãi cho chính những người bị mộng du trong khi ngủ, mà còn khiến các nhà khoa học tốn không ít công sức nghiên cứu, lý giải.
Những người mắc bệnh mộng du thường đột nhiên vùng dậy, vừa đi đi lại lại, vừa nhắm mắt và lảm nhảm thành lời những điều gì đó. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này là do một dây thần kinh thực vật nào đó bị kích động, thức dậy trước cả hệ thần kinh điều khiển ý thức của con người. Do vậy, chân tay con người có thể cử động được một cách vô thức trong một khoảng thời gian nhất định khi ngủ.
Tuy nhiên, cũng có một số giả thuyết cho rằng: trí nhớ của người bị bệnh mộng du quá linh hoạt, nhạy bén khiến cho họ ghi nhớ quá mức bình thường các hoạt động, thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình.
Mặc dù đã tìm hiểu được quá trình diễn ra hiện tượng mộng du, song theo các bác sĩ thì mộng du vẫn còn là một hiện tượng kì lạ, có nhiều điều khó lý giải. Nó thường xảy ra ở thời điểm vào giữa giấc ngủ hoặc khi con người đã ngủ được 1/3 giấc ngủ trong đêm. Những trường hợp mắc chứng mộng du nhiều nhất là ở độ tuổi thiếu niên.
Kiểm tra sóng điện não (EEG) cho thấy những người mắc chứng mộng du khi đi lại không có dấu hiệu cho thấy họ đang thức. Ở họ, chỉ có một phần não chức năng hoạt động, trong khi đó, các phần não khác vẫn ở trong trạng thái “ngủ”.
Có những trường hợp người mộng du làm một vài việc gì đó rồi nằm xuống ngủ. Song đa phần các công việc đó đều không có kết quả tốt hoặc làm hỏng. Bình thường khi ngủ, cơ thể con người tạo ra một “khoảng trống” ngăn cản các tín hiệu từ não truyền xuống hệ thống cơ bắp, giúp con người nằm yên khi ngủ. Nhưng nếu như cơ chế tạo “khoảng trống” này bị khủng hoảng hay rối loạn thì sẽ tạo ra các hành động và dẫn đến hiện tượng mộng du.
Một số trẻ em, chứng mộng du rất có hại đối với hệ thần kinh và thể chất của trẻ. Nghiên cứu cho thấy: có tới 1/3 trẻ em bị mắc chứng mộng du bị thương tích trong khi rơi vào trạng thái mộng du. Những thương tích này chủ yếu là do bị ngã trong tình trạng không thể kiểm soát cơ thể hoặc do chúng tự gây ra thương tích cho bản thân trong lúc bị mộng du.
Những trường hợp mộng du kì lạ nổi tiếng trên thế giới
Đó là trường hợp của một phụ nữ sống độc thân tên là Anna. Cô bị mắc chứng mộng du mà không một ai hay biết, kể cả chính bản thân cô. Điều kì lạ xảy ra vào một buổi sáng sau khi thức dậy, Anna thấy nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng, tất cả mọi thứ đều đã được chuẩn bị đầy đủ cho buổi sáng.
Điều này khiến Anna rất lo lắng và nghi ngờ rằng có ai đó đã lẻn vào phòng khi cô đang ngủ say để làm hết tất cả mọi công việc. Sau đó, cô tìm đến các bác sĩ tâm lý. Các bác sĩ sau khi làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng của Anna là bắt nguồn từ cái chết của người bạn thân đã đi đến kết luận rằng Anna đã bị rối loạn trí nhớ. Tuy nhiên, sau khi đặt các thiết bị theo dõi trong phòng ngủ của Anna, các bác sĩ ngạc nhiên khi thấy rằng Anna đã bị mộng du.
Cô tỉnh dậy giữa đêm, làm tất cả các công việc mà cô vẫn hay làm vào buổi sáng trong tình trạng mắt nhắm nghiền và vẫn “ngủ say”. Sau khi làm hết mọi việc một cách lưu loát, cử động chính xác, cô quay trở lại giường và ngủ tiếp. Đây không chỉ đơn thuần là một trường hợp mộng du, mà còn là một hiện tượng kì lạ mà các nhà khoa học chưa thể lý giải được.
Không ít người sửng sốt khi biết đến những vụ án mạng do hiện tượng mộng du gây ra. Cô Donna Sheppard – Saunder (33 tuổi) là một phụ nữ vốn bị mắc chứng mộng du trong nhiều năm. Trong một đêm ngủ cùng với mẹ của mình, Saunders đã bị mộng du tới mức cô ôm gối chèn lên mặt gây ngạt thở dẫn đến cái chết của mẹ đẻ ngay khi bà đang ngủ.
Khi tỉnh dậy, Saunders bàng hoàng trước việc người mẹ bị chết ngạt và liên tục nói rằng cô không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Tòa án sau khi xác nhận việc Saunders là một bệnh nhân bị mắc chứng mộng du trong khi ngủ đã tuyên bố trắng án cho cô, song sự việc đã gây ra không ít hoang mang trong dư luận về hiện tượng mộng du kì lạ.
Hiện, nhiều nghiên cứu về chứng bệnh mộng du vẫn tiếp tục được giới khoa học tiến hành nhằm làm rõ hơn những yếu tố liên quan và cách ngăn chặn những tác hại mà nó có thể gây ra cho xã hội.
Để khắc phục hiện tượng mộng du
Khi người nhà bị mộng du và đi lại trong khi ngủ thì sau khi phát hiện ra, cần ngay lập tức đưa họ trở lại giường ngủ. Việc đánh thức người mộng du dậy là điều không cần thiết. Trường hợp trong gia đình có trẻ nhỏ thì cần khóa cửa phòng trẻ cẩn thận và tránh để những vật dụng sắc nhọn, có thể gây ra nguy hiểm hoặc thương tổn cho trẻ.
Đối với một số trường hợp mộng du nguy hiểm, có hành động đi lại và làm những việc đáng cảnh giác thì việc tìm đến các bác sĩ là điều cần thiết.
Hiện nay, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công một số loại thuốc giúp hạn chế cơn mộng du của người bệnh. Tác dụng chủ yếu của loại thuốc này là an thần và kiềm chế ảnh hưởng của stress đối với giấc ngủ con người. Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia là các bệnh nhân bị mộng du cần phải ngủ đủ giấc, tránh uống rượu và phải học cách đối mặt với các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống…
Không nên lạm dụng các loại thuốc ức chế thần kinh và thuốc ngủ… Trong trường hợp của một phụ nữ 55 tuổi bị mắc chứng mộng du: sau khi lạm dụng thuốc ngủ và thuốc giảm căng thẳng, bà này đã suýt đốt cháy nhà của chính mình và làm những việc kì quặc trong khi bị mộng du.
Ngọc Minh (Theo The suns)