Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên- Phạm Xuân Kôi: “Tâm” - “Tầm” của “người chèo lái”
Tôi đã có nhiều năm trực tiếp làm công tác chuyên môn trong ngành y tế, rồi làm quản lý ngành, tuy nhiên, tôi là độc giả thường xuyên của báo Sức khỏe&Đời sống (SK&ĐS) không phải vì là người của ngành nên cần đọc báo ngành mà còn là nhu cầu cần thiết như cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Đối với tôi, báo SK&ĐS như là “mâm cơm” có nhiều món, thời sự trong nước bao hàm cả thời sự của ngành; thời sự quốc tế được chọn lọc kỹ và đầy tinh túy. Trang Văn hóa - Văn nghệ không sa đà vào những đề tài dễ dãi, chạy theo thị hiếu tầm thường mà được viết bởi nhiều cây bút nổi tiếng.
Thời gian tôi làm quản lý ngành y tế địa phương, những kinh nghiệm hay từ các địa phương bạn; những mặt chưa làm được, những tồn tại của y tế cơ sở được báo SK&ĐS kịp thời phản ánh đã gợi mở cho tôi những suy nghĩ và đưa ra các giải pháp quản lý ngành tốt hơn.
Gần đây, báo chí nói nhiều đến vụ hành hung thầy thuốc xảy ra ở nhiều nơi làm chúng tôi hết sức đau lòng. Nếu chỉ đọc những báo khác, có cảm giác, ngành y tế “tụt dốc” quá. Tôi cho rằng, mọi vấn đề cần phải nhìn theo nhiều chiều, đặc biệt là cách nhìn khách quan và biện chứng. Không nên có cách nhìn phiến diện, vơ đũa cả nắm và càng không nên chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả, khai thác quá sâu vào sai sót của người làm chuyên môn mà không nhìn thấy gốc rễ của vấn đề, đó là tình trạng quá tải bệnh viện ở nhiều tuyến, chế độ viện phí quá lạc hậu, người thầy thuốc chưa được pháp luật bảo vệ đúng mức. Trong khi đó, báo SK&ĐS vẫn giữ gìn bản sắc của mình. Tôi cho rằng điều này do tâm và tầm của Tổng biên tập, vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền của tòa soạn. Mạnh mẽ trong bảo vệ lẽ phải, nhẹ nhàng mà sâu sắc khiến người đọc phải nhớ lâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương-Huỳnh Văn Nhị: Điểm tựa cho những người thầy thuốc
Vậy là báo SK&ĐS - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế đã bước sang tuổi thứ 50. Trong hơn 700 tờ báo của cả nước, nếu đứng trước cả “rừng” báo như vậy, tờ báo của ngành y tế không lẫn vào đâu được! Đó chính là bản sắc của tờ báo - tờ báo của những người làm thầy thuốc!
Tôi đã có thời gian khá dài làm quản lý y tế địa phương, đó là Bình Dương - một tỉnh trẻ và năng động thuộc loại nhất nhì của vùng Đông Nam Bộ! Không có thời gian thì thôi, còn những lúc rảnh rỗi, hay lúc về nhà hoặc trên xe ôtô, báo SK&ĐS là người bạn đồng hành với tôi trong những chuyến đi công tác dọc dài theo đất nước. Quả thật, báo SK&ĐS đã và đang vượt qua ranh giới của tờ báo ngành. Ngoài những bài có tính chiến đấu cao bảo vệ lẽ phải cho những người thầy thuốc đang thầm lặng chống chọi với bệnh tật, giành giật sự sống cho người dân, báo đã có những bài phân tích định hướng dư luận giúp người dân không tin vào những điều xằng bậy mù quáng như các kiểu “thầy lang vườn”. Chính tính chiến đấu này giúp người bệnh, người dân được truyền thông giáo dục sức khỏe một cách tốt nhất!
Trong thời buổi các báo cạnh tranh thông tin một cách dữ dội như hiện nay, giữ được bản sắc của SK&ĐS tuyệt vời lắm thay.
Tờ báo đúng là điểm tựa của những người thầy thuốc là vì thế!
GS.TS. Bùi Đức Phú,Giám đốc Bệnh viện TW Huế, đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi yêu tờ báo của chúng tôi!
Hãy đọc và học những bài học trên báo SK&ĐS đó là điều tôi hay nói với học sinh của tôi và các đồng nghiệp. Hằng ngày có nhiều báo đặt trên bàn, dù công việc bận rộn nhưng thói quen đọc báo đã khiến tôi cầm ngay một tờ báo lướt qua và dành đọc trong những lúc thư thả. Ngoài các tờ báo chính trị - xã hội khác, báo SK&ĐS luôn là tờ báo tôi “nhớ” và tìm đọc! Đọc để rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp, đọc để nâng tầm tri thức, đọc để chia sẻ đồng cảm... bởi tôi nghĩ, học không bao giờ là muộn. Trong ngành y, việc học tập thường xuyên là nhu cầu thiết thực từ mỗi người thầy thuốc. Và báo SK&ĐS đã đáp ứng được nhu cầu nóng hổi này. Học cách làm tốt của các viện bạn, đọc để biết y tế Việt Nam đang ở đâu và làm thế nào bắt kịp xu thế của thế giới, tất cả đều có trong tờ báo của chúng tôi - báo SK&ĐS. Trong ngày vui của những người làm báo SK&ĐS, tôi chỉ mong mỏi, vì tờ báo của chúng ta vẫn là báo ra cách nhật, có những thông tin báo bạn đã đăng hết cả rồi, vì lẽ đó, những người làm báo SK&ĐS cần nâng tầm mình lên, không đi vào thông tin mà ai cũng biết, phải chắt lọc, lựa chọn góc cạnh, phản ánh thông tin nhiều chiều và đa dạng để đem đến góc nhìn mới của sự kiện. Có như vậy, tờ báo của chúng ta sẽ chiếm được nhiều cảm tình của độc giả hơn.
Anh Lý A Pháo, thôn Xéo Tả Lé, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai: Báo giúp dân bỏ cái hủ tục rồi!
Xã Trung Lèng Hồ của mình là xã vùng 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, cách trung tâm của huyện hơn 50km mà. Xã của mình, 100% là dân tộc Mông, trình độ dân trí chưa cao, đất đai cằn cỗi, quanh năm sương mù, tập quán canh tác lạc hậu... khiến cái đói, cái nghèo luôn bám riết với bọn mình nơi đây. Do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế nên tồn tại nhiều hủ tục trong sinh hoạt à. Truyền hình chưa có đâu, vẫn là ước mơ bao đời của nhiều bản vùng cao ở Trung Lèng Hồ. Báo giúp dân bản tiếp cận với cuộc sống bên ngoài. Tờ Sức khỏe&Đời sống Chuyên đề Dân tộc và Miền núi là tờ báo quen của bọn mình mà. Trước kia, do thiếu hiểu biết mỗi khi bị ốm đau, người dân thường cúng bái... Điều này không những gây tốn kém mà còn làm tình trạng bệnh tật trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng giờ đây, thông qua những kiến thức được tìm hiểu qua báo Sức khỏe& Đời sống, bà con nâng cao nhận thức trong việc phòng, chữa bệnh, qua đó dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trước kia...
Ông Nguyễn Phúc Tuấn- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã ATK Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên: Ấn phẩm đáng để đọc
Tôi là độc giả của báo SK&ĐS đã được 10 năm và cùng lúc đặt đủ cả 5 ấn phẩm của báo, mỗi quý chỉ hết có 400.000 đồng nhưng tôi lại được rất nhiều kiến thức bổ ích để nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần và sức khỏe. Không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người trong xã cũng ham đọc báo SK&ĐS lắm. Tờ báo là người bạn thân thiết của mỗi gia đình. Với xã tôi, một xã có truyền thống cách mạng, tờ báo đã đồng hành với đất nước, trăn trở với khó khăn trước cuộc sống nhưng cũng giúp người đọc có cách nhìn lạc quan. Báo SK&ĐS là ấn phẩm đáng để đọc.
TTND Trần Đức Quý,tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang: Báo SK&ĐS đã vượt ra khỏi tầm của tờ báo ngành
Là cán bộ quản lý y tế ở địa phương, qua thực tiễn cũng như thực tế ở cơ sở, báo SK&ĐS thực sự là người bạn đồng hành của cán bộ y tế. Chúng tôi không chỉ tìm thấy tờ báo ở người bạn tri kỷ mà còn là sách giáo khoa gối đầu giường. Những bài thuốc hay, những cách hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý được các giáo sư, dược sĩ đầu ngành trực tiếp viết, thể hiện qua các bài báo bằng cách viết giản dị, dễ đọc, dễ áp dụng vào thực tiễn được nhiều cán bộ y tế Hà Giang truyền tay nhau. Qua theo dõi báo SK&ĐS 5 năm trở lại đây, tôi thấy tờ báo đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một tờ báo ngành thuần túy. Nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng được dư luận xã hội quan tâm đều thể hiện trên mặt báo, điều đó thể hiện vai trò của người quản lý và nhãn quan báo chí của những người làm báo SK&ĐS đã không bó hẹp trong ngành y! 50 năm xây dựng và trưởng thành, mong báo SK&ĐS tiếp tục khởi sắc, không chỉ xứng đáng là Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế mà còn là nơi bạn đọc cả nước tin tưởng.
Chị Y Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum: Báo rất bổ ích
Nhờ có báo SK&ĐS đến tận thôn bản mà người dân chúng tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, với phụ nữ chúng tôi, qua đọc báo mà đã biết và hiểu nhiều hơn trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái, biết cách bảo vệ sức khỏe đối với phụ nữ sau khi sinh và biết nhiều hơn phương pháp nuôi con, hạn chế trẻ bị suy dinh dưỡng... Không chỉ riêng tôi mà đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum thấy tờ báo rất hữu ích. Ngoài những sự kiện trong nước, báo còn phản ánh khá đa dạng mọi mặt VH - KT - XH. Đặc biệt, tôi thích những bài viết, thông tin về các bài thuốc điều trị các bệnh và giới thiệu những loại cây thuốc thông thường để chữa các loại bệnh đã giúp tôi và dân làng hiểu để phòng chống. Ngay như những bài thuốc mà có rất gần với đồng bào dân tộc nhưng chúng tôi không biết. Nhưng nhờ báo giới thiệu các bài thuốc đó, chúng tôi đã biết cách sử dụng rất tốt cho sức khỏe.
Chị Mùa Thị Khiết, bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, Lai Châu: Ưng báo Sức khỏe&Đời sống lắm!
Ở nhà không có báo của nhà báo để đọc đâu. Mình lên trạm y tế mới có báo này đọc à. Ưng báo của nhà báo lắm. Nó dễ đọc, chữ to, hình đẹp. Cái bụng mình chỉ thích đọc y học cổ truyền thôi. Vì dân bản ít tiền lắm, không đủ tiền mua thuốc, đọc y học cổ truyền để tận dụng cây lá trong vườn, trên rừng kia để chữa cái đau. Bụng mình thích đọc báo vì học được cách chăn nuôi, sản xuất. Đọc báo của nhà báo sướng là biết cách phòng bệnh nữa, cái bụng mình thích lắm!
Anh Tuệ - Kiên Phương (thực hiện)