Mong có nhiều người hiểu về sức khoẻ tâm thần

13-08-2010 16:20 | Dược
google news

Hôm nay là ngày đầu tuần. Mình đến viện làm việc với một tâm trạng thoải mái sau hai ngày nghỉ cuối tuần. Tuần này cũng là tuần đến lịch mình đi hội chẩn.

Hôm nay là ngày đầu tuần. Mình đến viện làm việc với một tâm trạng thoải mái sau hai ngày nghỉ cuối tuần. Tuần này cũng là tuần đến lịch mình đi hội chẩn.

Đến đầu giờ buổi chiều, trong tay mình đã cầm bốn tờ giấy mời hội chẩn của bốn khoa khác nhau trong bệnh viện. Mình tự nhủ: Chiều nay lại được một trận tập thể dục đây! Khoa đầu tiên mình đi hội chẩn là khoa cơ xương khớp. Bệnh nhân này có tiền sử bị đau khớp hai năm nay, bệnh nhân đau nhiều khớp, không sưng, không nóng, không đỏ. Tính chất đau của bệnh nhân không giống với đặc điểm đau của các bệnh lý khớp. Bệnh nhân đã được điều trị các thuốc chống viêm, giảm đau đối với bệnh lý viêm khớp nhưng tình trạng đau cũng không đỡ. Bác sĩ cơ xương khớp mời hội chẩn khoa mình để cùng hợp tác điều trị.

Sau khi khám bệnh và hỏi kỹ bệnh nhân, mình thấy bệnh nhân này ngoài đau khớp còn có biểu hiện mất ngủ, ăn kém, khó tập trung vào công việc... Mình kết luận, đây là một trường hợp trầm cảm với những triệu chứng cơ thể. Sau một hồi giải thích cho cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị, mình quyết định nhận về phòng T4 (Viện Sức khoẻ tâm thần) để điều trị.

Ngày hôm sau, mình vẫn hăng hái bước vào một ngày làm việc mới. Nhưng vừa bước vào hành lang của viện thì y tá trực tối qua cho biết: chị ơi, bệnh nhân mà chị nhận ở khoa cơ xương khớp về trốn rồi chị ạ! Hôm qua bệnh nhân có sang khoa mình nhận giường nằm nhưng lúc 21h em đi phát thuốc thì không thấy bệnh nhân ở tại giường. Quần áo của viện bệnh nhân vẫn để nguyên tại chỗ.

Mình thấy hơi bực, bệnh nhân gì mà kỳ quái, bỏ đi không báo cáo. Loay hoay một hồi mình cũng tìm được số điện thoại của người nhà bệnh nhân rồi tìm hiểu mới biết được nguyên nhân chính của việc không nằm điều trị là do người bệnh nghĩ rằng mình đau khớp tại sao lại cho vào điều trị tại khoa tâm thần. Thế là trong buổi giao ban cấp hai, mình bị viện trưởng phê bình vì việc nhận bệnh nhân mà không giải thích kỹ cho bệnh nhân và gia đình.

Thực ra để hiểu biết về các bệnh tâm thần thì rất ít người bệnh hiểu và thừa nhận là mình có vấn đề về tâm thần. Họ còn rất mặc cảm vì cho rằng tâm thần chỉ là những bệnh lý như tâm thần phân liệt, loạn thần, hưng cảm... nhưng còn có rất nhiều vấn đề về tâm thần như lo âu, trầm cảm, những bệnh lý liên quan đến căng thẳng, stress trong cuộc sống cần phải được điều trị ở chuyên khoa tâm thần.

Mình còn nhớ một lần, cũng vì nhận một bệnh nhân khi đi hội chẩn với chuyên khoa tim mạch, mình đã bị bệnh nhân dọa kiện ra tòa vì kết luận họ bị tâm thần. Bệnh nhân này là giáo viên ở tận trong Nghệ An, vào khoa tim mạch nằm vì cảm giác đau tức ngực, hay hồi hộp, trống ngực, kèm theo mất ngủ, huyết áp tăng nhẹ. Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm, chiếu chụp nhưng không phát hiện ra bất thường gì về tim. Bệnh tăng lên khi người bệnh gặp phải những vấn đề căng thẳng, lo lắng...  Khi ở bên khoa tim mạch, bệnh nhân đồng ý về nằm điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, nhưng khi sang đến nơi, bệnh nhân và người nhà lại thay đổi ý định, dọa kiện cả bác sĩ vì người ta bị bệnh lý tim mạch lại cho là bị tâm thần và mình nghe tua trực kể lại là bệnh nhân đã cãi nhau cả với y bác sĩ trực hôm ấy.

Nghe kể lại, mình cảm thấy buồn buồn. Buồn vì người bệnh không hiểu hoặc hiểu một cách lệch lạc về lĩnh vực tâm thần học và mình cũng buồn vì những người bệnh như vậy cũng sẽ không thể khỏi được bệnh nếu họ không được điều trị đúng chuyên khoa. Họ không hiểu được rằng những biểu hiện của hội chứng lo âu thường giống như những bệnh lý về tim mạch hoặc đau đầu, mất ngủ, ăn kém, buồn chán, bi quan là biểu hiện của rối loạn lo âu, trầm cảm là bệnh lý về tâm thần. Hôm ấy mình cũng lại bị phê bình trước giao ban cấp hai.

Trong một buổi trao đổi với các chuyên gia Đức về y học tâm thể, mình đã kể cho họ nghe về việc mình bị bệnh nhân dọa kiện vì cho họ vào điều trị tại khoa tâm thần, ông giáo sư người Đức động viên mình: tôi cũng đã từng bị như vậy. Mình cũng đỡ buồn hơn và mong rằng người dân sẽ có sự hiểu biết ngày càng rộng hơn về bệnh tâm thần và có thể đến được với các thầy thuốc chuyên khoa nhiều hơn.

BS.  Trịnh Thị Bích Huyền


Ý kiến của bạn