Mong cái kết có hậu cho bác sỹ Hoàng Công Lương

23-03-2018 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vụ việc bác sỹ Hoàng Công Lương với sự cố y khoa tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình năm 2017, dù kết cục như thế nào thì cũng là việc rất đáng tiếc, là sự cố y khoa nghiêm trọng, gây hoang mang cho hàng vạn nhân viên y tế, đặc biệt với những người làm công tác hồi sức cấp cứu.

Những ngày qua dư luận lại dậy sóng khi Viện kiểm soát nhân dân tỉnh Hòa Bình truy tố bác sỹ Hoàng Công Lương với tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đọc rất nhiều bài báo, các ý kiến trên mạng xã hội và xâu chuỗi các tình tiết của vụ việc, tôi rất tán thành với ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế "việc truy tố bác sỹ Hoàng Công Lương tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa thực sự thuyết phục".

Theo thông tin trên báo chí, có thể thấy bác sỹ Hoàng Công Lương do quá nhiệt tình, sốt sắng, lo lắng cho người bệnh nên khi mới chỉ được thông tin miệng là hệ thống máy chạy thận đã bảo dưỡng, thay thế xong, đã thực hiện thủ thuật cho người bệnh, đang rất cần lọc, nếu không sẽ đe dọa đến tính mạng cho hàng chục người bệnh. Vậy  chỉ có có thể nói là bác sỹ Lương đầy tinh thần trách nhiệm, nên quy tội danh "thiếu trách nhiệm" đúng là thiếu thuyết phục. Nếu hệ thống máy chạy thận đã bảo dưỡng, thay thế xong, mọi chỉ số đã an toàn, việc lọc cho người bệnh đang rất cấp bách mà bác sỹ Lương lơ là, bỏ đi chơi hoặc không có mặt tại vị trí làm việc dẫn đến chết người thì mới có cơ sở quy vào tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"

Tuy nhiên hậu quả vụ việc là nghiêm trọng, nên việc khởi tố là cần thiết, nhưng với tội gì là điều cần cân nhắc thấu đáo sao cho khách quan, đúng người, đúng tội, đúng bản chất của sự việc. Nhiều ý kiến cho rằng bác sỹ Lương không có chức năng, kiến thức để thẩm định máy móc, thiết bị, độ chuẩn của nước. Điều đó là hoàn toàn đúng. Vậy thì câu hỏi đặt ra là trước khi xảy ra sự cố, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ban hành quy trình vận hành, sử dụng hệ thống chưa. Đây là tình tiết rất quan trọng, hy vọng các Luật sư sẽ lưu ý khi bảo vệ cho bác sỹ Hoàng Công Lương. Hãy đặt ra hai tình huống:

Tình huống 1: Nếu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa ban hành quy trình, chưa có điều khoản quy định sau mỗi lần bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phải có biên bản bàn giao mới được đưa vào sử dụng, thì việc bác sỹ Lương đưa hệ thống vào hoạt động, thực hiện thủ thuật cho người bệnh sau khi có thông báo bằng miệng của phòng Vật tư, dù xảy ra hậu quả thì bác sỹ Lương cũng vô tội.

Tình huống 2: Trường hợp bệnh viện đã ban hành quy trình, trong đó có điều khoản quy định sau mỗi lần bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phải có biên bản bàn giao mới được đưa vào sử dụng mà bác sỹ Lương mới nghe thông báo miệng đã thực hiện thủ thuật người bệnh là vi phạm, không thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, theo quan điểm của tôi thì cũng chỉ có thể quy vào tội "vi phạm các quy định trong khám chữa bệnh" theo khoản 1, điều Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế như sau:“1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm (vì Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, có hiệu lực từ 01/01/2018, trong khi vụ việc xảy ra năm 2017).

Nguyên tắc nhân đạo của Bộ Luật hình sự của Việt Nam thể hiện ở việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, theo hướng suy đoán vô tội. Bác sỹ Lương là bác sỹ trẻ, chưa có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt. Nên nếu điều xấu nhất xảy ra theo tình huống 2, cũng hy vọng bác sỹ Lương chỉ phải chịu mức án thấp nhất -1 năm tù.

Qua sự cố y khoa nghiêm trọng này, thiết nghĩ cũng là bài học để các cơ sở y tế, các nhân viên y tế khi thực hiện thủ thuật cho người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chính là tấm áo giáp để bảo vệ chính mình khi không may có sự cố xảy ra.

Hy vọng một cái kết có hậu cho bác sỹ Hoàng Công Lương, để anh ấy có cơ hội phát huy những kiến thức, nhiệt huyết của mình phục vụ người bệnh và để hàng vạn nhân viên y tế nói chung yên tâm làm nghề.


Nguyễn Đức Luyện
Ý kiến của bạn