Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

12-10-2024 16:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mòn răng là tình trạng lớp men răng ngoài cùng bị mất đi. Sự mài mòn này sẽ tác động trực tiếp đến cấu tạo của răng, rìa răng và làm bề mặt răng giảm diện tích.

1. Nguyên nhân gây mòn răng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mòn răng, biết được các nguyên nhân này sẽ giúp phòng ngừa và bảo vệ răng miệng một cách tốt hơn:

1.1. Thực phẩm nhiều acid dễ gây mòn răng

Một trong những nguyên nhân chính gây ăn mòn chân răng là do acid có trong thức ăn và nước uống. Ăn nhiều các thực phẩm chua, có tính acid, dư thừa vitamin C chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, táo,... đặc biệt đi kèm với không đánh răng đúng cách sẽ khiến cho lớp men răng bên ngoài bị bào mòn theo thời gian. Đây gọi là tình trạng răng bị ăn mòn do tác nhân hóa học.

Đồ uống trái cây và nước ép trái cây chứa nhiều chất acid có tính ăn mòn mạnh.

1.2. Ăn nhiều các loại thực phẩm có đường 

Uống quá nhiều nước ngọt và các loại soda chứa nhiều đường, nhiều acid photphoric và citric sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh và chúng tạo ra acid có thể ăn mòn men răng. Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách.

Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Ăn nhiều các loại thực phẩm có đường gây mòn răng.

1.3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc chứng ợ nóng làm cho acid từ trong dạ dày bị đẩy lên miệng, làm hư men răng.

1.4. Chứng khô miệng hoặc tiết ít nước bọt (xerostomia)

Là một triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có đái tháo đường. Nước bọt đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho răng khỏe mạnh, bảo vệ men răng bằng cách phủ canxi và các khoáng chất lên răng. Nước bọt cũng làm loãng các tác nhân ăn mòn có tính acid, loại bỏ chất thải khỏi miệng và tăng cường các chất bảo vệ giúp chống lại vi khuẩn và các bệnh lý răng miệng. Do đó, nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách rửa sạch vi khuẩn và thức ăn thừa trong miệng, liên tục trung hòa axit để bảo vệ răng.

1.5. Sử dụng thuốc

Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng histamin, aspirin và vitamin C cũng là một nguyên nhân gây mòn răng.

1.6. Rối loạn ăn uống

Việc ăn uống vô độ, gây rối loạn hệ tiêu hóa và làm răng tiếp xúc với axit dạ dày nhiều hơn. Ngày càng nhiều phát hiện hơn cho thấy rằng chứng ăn vô độ là nguyên nhân gây mòn men răng và sâu răng. Bulimia là một chứng rối loạn ăn uống liên quan đến chứng ăn uống vô độ và nôn ói. Tình trạng nôn ói thường xuyên chính là nguyên nhân làm xói mòn men răng và có thể dẫn đến sâu răng.

1.7. Uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc lá

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng bị mòn.

1.8. Tật nghiến răng

Hiện tượng ma sát tự nhiên giữa răng và răng xảy ra khi nghiến răng, thường xảy ra không chủ ý trong khi ngủ, lâu ngày cũng làm răng bị mòn, nhất là mòn mặt nhai.

1.9. Chải răng sai cách

Mài mòn răng do tác nhân cơ học là sự hao mòn vật lý của bề mặt răng xảy ra khi chải răng quá mạnh, dùng chỉ nha khoa không đúng cách, cắn vào vật cứng (chẳng hạn như móng tay, nắp chai hoặc bút) hoặc nhai thuốc lá.

Các tổn thương ở hai răng đối đầu thường sẽ khớp khít vào nhau.

Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Chải răng sai cách là một nguyên nhân gây mòn răng.

2. Triệu chứng khi bị mòn răng

Các triệu chứng giúp phát hiện tình trạng mòn răng đang diễn ra:

2.1. Răng bị xuống màu

Khi răng bị mòn sẽ làm xỉn màu răng và chuyển sang màu vàng, nâu gây mất thẩm mỹ.

2.2. Răng trở nên nhạy cảm, ê buốt

Mòn nhiều có thể làm lộ lớp ngà răng gây ê buốt, vì vậy dễ gặp cảm giác ê buốt răng ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng ăn nhai. Răng sẽ bị ê buốt khi ăn nhai hay tiếp xúc với các thực phẩm quá nóng/lạnh.

Đối với các bệnh lý gây mòn răng nhiều có thể gây viêm tủy và chết tủy răng.

2.3. Giảm khả năng ăn nhai

Răng mòn sẽ làm hạn chế khả năng nghiền nát thức ăn. Lúc này, hệ thống cơ nhai bắt buộc phải làm việc nhiều hơn. Do đó, dẫn đến cơ nhai bị co thắt, về lâu dài sẽ làm tổn thương khớp hàm.

Khi giảm khả năng ăn nhai như nghiền và cắt thức ăn dễ dẫn đến bệnh lý tiêu hóa. Khi răng mòn thì hiệu suất nhai sẽ giảm, vì vậy hệ thống cơ nhai sẽ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng co thắt cơ nhai, lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương khớp hàm.

2.4. Sâu răng

Mòn men răng sẽ làm cho lớp ngà bên trong lộ ra ngoài. Khi răng tiếp xúc với thực phẩm có chứa acid sẽ bị tổn thương và dẫn đến sâu răng. Nếu không có cách xử lý kịp thời sẽ gây viêm và chết tủy.

2.5. Mòn răng gây mất thẩm mỹ

Mòn răng khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp.

Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Mòn răng nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến sâu răng.

3. Cách điều trị mòn răng

Khi thấy xuất hiện một vết khuyết trên răng, cảm thấy ê buốt, nhức răng cần được điều trị càng sớm càng tốt.

3.1. Trường hợp mòn răng nhẹ

Nếu là mòn nông, không bị nhạy cảm, có thể không cần điều trị. Đối với những răng nhạy cảm, nha sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kem fluor và nước súc miệng ở nhà.

Nếu răng cần trám, nha sĩ sẽ thay thế phần men răng biến mất bằng một vật liệu trám răng có màu giống với răng.

Có 2 loại vật liệu được dùng là composite (miếng trám nhựa) và GIC (Glass Ionomer Cement). Đối với những răng mòn sâu có thể cần đến điều trị tủy răng hoặc nhổ bỏ.

Việc điều trị phục hồi có thể thực hiện để cải thiện chức năng và thẩm mỹ đối với răng. Nếu nguyên nhân của quá trình mài mòn do thuốc đang sử dụng, bạn sẽ được bác sĩ kê cho toa thuốc khác hoặc thay đổi cách dùng để giảm nguy cơ làm mòn răng.

3.2. Trường hợp mòn răng nặng

Trường hợp răng bị mòn quá nhiều, trám răng thông thường không có hiệu quả thì nha sĩ sẽ thực hiện phương án bọc răng sứ thẩm mỹ để bảo vệ phần răng thật bên trong.

Thời gian điều trị bọc răng sứ chỉ trong vòng 2-3 ngày. Răng sứ mới được chế tạo bên ngoài dựa trên hình dạng khuôn răng sẵn có, màu sắc răng chọn theo yêu cầu phù hợp với mỗi người.

Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Bọc răng sứ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và duy trì chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của răng. (Ảnh minh họa)

4. Cách phòng ngừa mòn răng

Để phòng ngừa mòn răng, các chuyên gia nha khoa khuyến cáo:

Ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa acid, cần súc miệng bằng nước lọc.

Cần dùng bàn chải răng lông mềm, chải nhẹ nhàng, 2 lần/ngày, sau bữa ăn.

Nên tập thói quen dùng chỉ nha khoa thay thế tăm xỉa răng.

Hằng ngày cần uống nhiều nước, đặc biệt giữa các bữa ăn.

Tránh hoặc giảm thiểu việc ăn uống có chứa acid.

Nên uống sữa không đường và không hương vị.

Khám răng định kỳ để phát hiện sớm các bệnh răng miệng. Khám càng sớm từ lứa tuổi 5-6 tuổi trở đi thì càng có khả năng dự phòng sớm.

Đối với bệnh nhân mòn răng cần ăn các thức ăn mềm, không dùng thức ăn lạnh quá, chua quá...


BSCKII. HỒ HÀ
Ý kiến của bạn