Hà Nội

Món quà vô giá để lại cho đời

01-09-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ghép mô và bộ phận cơ thể người là những thành tựu tuyệt vời của y học. Ngành y tế Việt Nam tự hào vì đã làm chủ được phẫu thuật ghép mô và bộ phận cơ thể người.

Ghép mô và bộ phận cơ thể người là những thành tựu tuyệt vời của y học. Ngành y tế Việt Nam tự hào vì đã làm chủ được phẫu thuật ghép mô và bộ phận cơ thể người. Ðến nay, đã có hàng trăm người được ghép thận, hàng chục người được ghép gan và ghép giác mạc. Ðặc biệt, trong lĩnh vực ghép giác mạc, thời gian qua đã có 204 người tặng giác mạc sau khi qua đời giúp cho hàng trăm bệnh nhân mù bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng.

Để những bệnh nhân bị mắc các bệnh hiểm nghèo được hồi sinh sự sống, những người mù được thấy lại ánh sáng là tấm lòng cao cả của những người đã khuất, những tấm lòng hết lòng vì người bệnh của nhân viên y tế.

Một ca ghép giác mạc.

Một ca ghép giác mạc.

Những tấm lòng vì “người dưng”

Câu chuyện của bà Vũ Thị Dụ, mẹ của chị Nguyễn Thị Nga ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương - người hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh Hải Dương đã khiến không ít người phải rưng rưng nước mắt. Căn bệnh u tủy sống đã khiến cô bé Nga đang học lớp 9 buộc phải nghỉ học, nằm liệt một chỗ. Sống trong tình thương yêu của gia đình và cộng đồng, một lần, Nga nghe được thông tin trên đài phát thanh về chương trình hiến tặng giác mạc, cô quyết định sẽ hiến tặng giác mạc của mình cho người còn sống để đem lại ánh sáng cho họ. Và rồi di nguyện của Nga đã được thực hiện, Bệnh viện Mắt Trung ương đã phẫu thuật mang lại ánh sáng cho hai người mù nhờ giác mạc Nga hiến tặng. “27 năm sống trên đời, có đến 10 năm cháu chịu đau đớn vì bệnh tật hành hạ. Trên giường bệnh, cháu chỉ còn mỗi đôi mắt vẫn trong trẻo, tràn đầy tình thương. Cháu tha thiết xin gia đình chấp nhận hiến tặng giác mạc. Mặc dù vô cùng xót xa nhưng cuối cùng gia đình cũng làm theo di nguyện của con. Dù không biết người được nhận giác mạc từ con gái của mình là ai nhưng gia đình tôi cũng thanh thản vì con gái tôi sau khi qua đời đã để lại một món quà ý nghĩa cho người sau”, bà Dụ nghẹn ngào kể lại. Hành động cao đẹp của Nga sau đó đã thôi thúc hàng chục tấm lòng khác trên quê hương chị đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Điển hình như bác Tô Quang Khuê (64 tuổi, ở xã Kỳ Sơn) đã tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc và các mô, tạng của bản thân phục vụ nghiên cứu khoa học và giúp đỡ những người kém may mắn. Bác Khuê cho biết: “Tôi đã tự tìm hiểu về hiến tặng giác mạc và được cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã cho biết người hiến tặng giác mạc không phân biệt về tuổi tác, giới tính hay có thị lực kém, ngay cả người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường... vẫn có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tôi đã thuyết phục gia đình đồng ý để tôi hiến tặng giác mạc với mong muốn dù khi qua đời nhưng vẫn còn cơ hội để lại một chút sự sống cho những người kém may mắn hơn”.

Có lẽ phong trào hiến tặng giác mạc tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình không còn xa lạ với nhiều người. Kể từ tháng 4/2007, khi cụ bà Nguyễn Thị Hoa (tấm gương sáng tiên phong hiến tặng) đã thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có 144 người hiến tặng giác mạc và cả tỉnh Ninh Bình là 150 người. Noi theo tấm gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phong trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng. Ở vùng đất Kim Sơn mặn mòi hơi biển, cuộc sống con người dẫu có khó khăn gian khổ nhưng tràn đầy lòng nhân ái. Ai đến đây một lần cũng không khỏi bùi ngùi xúc động về câu chuyện của những người đã khuất qua lời kể của gia đình họ, có người lặng đi chỉ vì nghe lời nhắn của một chàng trai đang ở độ sung sức không may bị mắc bệnh hiểm nghèo qua đời nhưng không quên nhắn nhủ mẹ mình: “Mẹ hãy hứa với con là nếu khi nào mẹ chết, mẹ cũng hiến giác mạc như con nhé! Mình chết rồi thì hãy để người khác được tiếp tục nhìn thấy đời mẹ ạ!”. Hay thấm thía những lời căn dặn của những cụ già đã trải qua đắng căng nhọc nhằn của cuộc sống đến khi nhắm mắt vẫn mong muốn đem đến nguồn sáng cho những người mù: “Mẹ xin hiến lại cho đời, đôi mắt nguồn sáng cứu người tối tăm...”. Còn rất nhiều những tấm lòng cao cả trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tự nguyện hiến giác mạc của mình khi qua đời để mang lại ánh sáng cho “người dưng”...!

Giác mạc này sẽ mang lại nguồn sáng cho người bệnh.

Giác mạc này sẽ mang lại nguồn sáng cho người bệnh.

Lượng giác mạc được hiến tặng vẫn còn rất khiêm tốn

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc đạt gần 1.000 ngườivà đang ngày càng tăng lên theo thời gian. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời. Bác sĩ Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Toàn quốc có khoảng 300 nghìn người bị hỏng một mắt hoặc cả hai bên có thể phục hồi nếu được ghép giác mạc. Con số này mỗi năm có thể tăng thêm cả chục ngàn người. Với nguồn tài trợ của nước ngoài, mỗi năm, nước ta mới chỉ ghép được 100 - 150 người. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Cũng theo BS. Đông, giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời trong vòng 6 - 8 tiếng là tốt nhất, nên khi có ai đó qua đời, nếu có nguyện vọng muốn hiến giác mạc, thân nhân của người quá cố sẽ gọi điện thoại báo cho Ngân hàng Mắt để làm thủ tục hiến. Việc lấy giác mạc khá đơn giản, chỉ 15 - 20 phút, giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt.Việc hiến tặng giác mạc là một hành động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng... nên mặc dù chúng ta có những tiến bộ về y học nhưng vẫn phải bất lực nhìn nhiều bệnh nhân bị bệnh giác mạc phải sống trong cảnh mù lòa.

Để đáp ứng nhu cầu ghép giác mạc và mang lại ánh sáng cho hàng nghìn người bị bệnh lý giác mạc, năm 2009, Bệnh viện Mắt Trung ương đã đi đầu trong việc xây dựng Ngân hàng Mắt. Đây là một trong những hoạt động tích cực nhằm có được nguồn giác mạc trong nước để ghép cho người bệnh... BS. Phạm Ngọc Đông chia sẻ, các cán bộ ở Ngân hàng Mắt vẫn thường nói đùa với nhau, đây là ngân hàng không bao giờ phải canh cánh nỗi lo bị “cướp” bởi không hề có tiền. Tuy nhiên, những thứ ở đây lại là món quà vô giá nhất mà có nhiều tiền cũng không thể mua được...

Giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt), cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ. Giác mạc chỉ được lấy từ người hiến tặng sau khi qua đời trong vòng 48 tiếng. Việc hiến và thu nhận giác mạc không ảnh hưởng gì đến hình dạng đôi mắt người hiến cũng như việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù.

Hải Hà - Nguyên Thảo

 


Ý kiến của bạn
Tags: