Món quà sự sống từ cậu bé nhân hậu

28-10-2017 07:55 | Y học 360

SKĐS - “Nếu có lúc nào đó con bị chết não và có ai đó con có thể cứu giúp, xin cha mẹ hãy cho họ tạng của con, có được không?”, cậu bé rớt nước mắt nói với cha mẹ khi xem đoạn phim về những đứa trẻ đã khỏe lại sau ghép tạng.

Ngày 16/10 đánh dấu 20 năm kể từ khi Luật Hiến ghép tạng có hiệu lực ở Nhật Bản. Luật hợp pháp hóa việc hiến tạng từ bệnh nhân chết não. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm tháng, vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng bệnh nhân cần ghép tạng với số lượng người hiến tạng.

Theo hãng thông tấn Đức DW, ở Nhật Bản, quan niệm cho rằng linh hồn cần gắn với thể xác kể cả khi đã chết khiến việc hiến tạng trở nên hiếm hoi hơn so với những nơi khác trên thế giới.

Và lần đầu tiên, hãng thông tấn Nhật Bản Japan News thực hiện một loạt bài để tìm hiểu các vấn đề liên quan tới ghép tạng thông qua phỏng vấn người dân, bao gồm cả các gia đình có người thân sắp qua đời sẵn sàng hiến tạng.

Ước mong cứu giúp mọi người của cậu bé nhân từ

Một bà mẹ 39 tuổi tuyệt vọng ôm lấy người con trai đang nằm trên giường bệnh với nét mặt thanh thản tựa như cậu bé chỉ đang ngủ như một thiên thần nhỏ. Cậu bé đã chết não, và sau đó trở thành một trong những người hiến tạng nhí hiếm hoi ở Nhật Bản. Các cơ quan nội tạng của bé đang trên đường tới những nơi dù xa hay gần để tìm chủ nhân mới.

“Cơ thể của con đang lạnh dần!” Người mẹ hét lên, không thể ngăn nổi nỗi đau lòng mẹ, trong khi cứ cố ôm lấy cơ thể con vào người mình để ủ ấm. Cậu bé mới học lớp 6. Cơ thể của cậu bé mới đây đã phát triển cao lớn hơn, nên khá nặng, dù các cơ quan nội tạng đã được lấy đi.

“Mẹ sẽ ôm con thật chặt, để tình yêu thương sẽ không bao giờ mất đi.” Bà mẹ cứ lặp đi lặp lại qua mỗi hơi thở, nhắn nhủ điều gì đó mà gia đình cô luôn nói khi họ ôm nhau. Bên cạnh cô là người cha của cậu bé, 47 tuổi, đang vuốt ve mái đầu của con trai và nói: “Con làm tốt lắm, con trai.”

Sự chia ly diễn ra thật đột ngột. Người mẹ đã nghĩ rằng thật là lạ khi cậu con trai im ắng khi đang tắm, và gọi cậu bé từ bên ngoài. Khi không thấy cậu trả lời, người mẹ mở cửa bước vào và thấy cậu bé nằm sóng xoài, ngập nước trong bồn tắm. Đội cấp cứu đã chạy tới hiện trường và vội vã sơ cứu. Sau khi được hô hấp nhân tạo, tim cậu bé đã đập trở lại, nhưng cậu bé không bao giờ lấy lại được nhận thức nữa.

Cậu con trai của hai người rất ham mê võ judo, và đó luôn là hình ảnh về sức khỏe của cậu. Bản thân ba mẹ cậu không bao giờ tìm ra nguyên nhân tại sao cậu bé lại bị chết đuối trong bồn tắm.

Một tuần sau khi cậu bé nhập viện, bác sĩ chỉ cho cha mẹ cậu bé thấy điện não đồ của cậu bé. Nó phẳng lì một cách rõ ràng.

“Con tôi đã chết não sao?” Họ khẽ khàng hỏi, và bác sĩ gật đầu. Một sự thật ảm đạm hằn trên gương mặt của người cha, người mẹ, những người đã từng hy vọng con mình sẽ bình phục.

Cậu bé đã từng khuấy động cuộc sống của lớp học, và đã luôn khiến người khác phải mỉm cười. Khi bạn bè tới gặp cậu bé để nhờ giúp đỡ, cậu đã luôn coi vấn đề của người khác là của mình. Nếu mẹ bị ốm, cậu bé sẽ giúp mẹ trông nom em gái, kể cả mẹ chẳng yêu cầu. Cậu bé không phải là thí sinh judo giỏi nhất, nhưng cậu chưa từng bỏ học judo một buổi nào.

Mơ ước của cậu bé là “được giúp đỡ mọi người”. Cậu thích xem các bộ phim tài liệu, và thường rơi nước mắt khi xem các đoạn video clip về những đứa trẻ đã khỏe lại sau khi được ghép tạng. Khi đó cậu bé đã từng nói về điều đó với gia đình. “Nếu có lúc nào đó con bị chết não và có ai đó con có thể cứu giúp, xin cha mẹ hãy cho họ tạng của con, có được không?”

Chính vì điều đó, mà cha mẹ đã đề nghị hiến tạng của cậu bé.

Tính đến tháng 9 năm nay, có tổng cộng 475 người chết não hiến tạng ở Nhật Bản. Điều đó xảy ra sau khi sửa đổi luật vào năm 2010 cho phép trẻ em dưới 15 tuổi được hiến tạng, nhưng mới có 15 trường hợp hiến tạng như vậy trong 7 năm qua kể từ đó. Vô số trẻ em đã phải ra nước ngoài để nhận ghép tạng.

Một trong những lý do khiến có quá ít người hiến tạng là bởi hệ thống ở bệnh viện không cần thiết phải thiết lập cơ chế theo cách chỉ hỗ trợ hiến tạng từ cha mẹ có nguyện vọng.

Đặc biệt, trẻ em cần một quy trình thẩm định để đảm bảo tránh bị lạm dụng, và nhiều bệnh viện không quen với việc kiểm soát tình huống này. Bác sĩ của gia đình cậu bé trải qua quy trình thao tác hoàn toàn bằng tay cẩn thận từng bước một.

Sau khi cậu bé được khẳng định là chết não, gia đình và hai người bạn thân đưa cậu bé tới phòng phẫu thuật, nơi các bộ phận nội tạng của cậu bé được lấy đi.

Mẹ của cậu bé vẫn chưa thể chấp nhận việc con trai mình ra đi, nhưng ít nhất người mẹ có thể thực hiện nguyện ước của cậu bé.

“Mỗi ngày, mỗi phút giây trôi qua, chúng tôi vẫn còn cảm thấy rất buồn. Nhưng điều đó giúp chúng tôi hy vọng khi biết rằng những người nhận tạng của con trai mình vẫn đang khỏe mạnh,”, mẹ cậu bé nói.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn
Tags: