“Món quà Giáng sinh” nào Triều Tiên sẽ dành cho Mỹ?

05-12-2019 14:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - “Quà Giáng sinh” là cụm từ được truyền thông Triều Tiên nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây trong bối cảnh đàm phàn Mỹ Triều đang đi vào bế tắc và chưa biết bao giờ mới được khai thông. Thời hạn để Mỹ quyết định sẽ có những đề xuất mới trong vấn đề Triều Tiên đang dần cạn, và giờ là bước đi của Triều Tiên. ..

Những tuần tới đây có thể sẽ là khoảng thời gian quan trọng đối với ngoại giao Mỹ Triều.  Thông điệp mà Triều Tiên phát đi hôm 4/12 cùng hình ảnh về Chủ tịch Kim Jong Un  cưỡi ngựa trắng lên thăm ngọn núi thiêng Paektu, như ngầm thông báo  rằng sắp có  những quyết định cực kỳ quan trọng liên quan tới mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Dẫn lời Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên Ri Thae Song, Hãng thông tấn của Nhà nước Triều Tiên  KCNA  nói:  “Thời hạn Triều Tiên đặt ra cho Mỹ vào cuối năm đang gần hết”. “Điều còn lại cần được làm bây giờ là sự lựa chọn của Mỹ. Việc Mỹ sẽ chọn quà Giáng sinh thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nước này".

Các cuộc đàm phán Mỹ Triều đã bị tạm ngưng kể  từ sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội hồi đầu năm nay, sau khi hai bên không giải quyết được bất đồng trong cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lên núi thiêng trước cuộc họp Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên

Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên từ bỏ một phần đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng, trong khi Bình Nhưỡng chỉ trích Washington hành xử áp đặt một chiều, tiếp tục  dồn lên Triều Tiên các biện pháp trừng phạt  mới.

Các cuộc đàm phán nhằm khai thông thế bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian qua không có tiến triển nào, là do Mỹ vẫn mang tới bàn đàm phán “ lập trường” cũ.  Bên cạnh đó,  Mỹ còn gia tăng trừng phạt  kinh tế với Triều Tiên vừa gia tăng hoạt động quân sự  trong khu vực khiến Bình Nhưỡng không khỏi nghi ngại.  Như việc Mỹ điều nhiều các máy bay  trinh sát bay qua bay lại trên bán đảo Triều Tiên theo nước này là để giám sát các hoạt động phóng tên lửa và diễn tập của Triều Tiên. Động thái căng thẳng nhất là mới đây, tại hội nghị Thượng đỉnh NATO,  Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần.  Mặc dù không gọi  tên quốc gia cụ thể nào Mỹ sẽ nhắm tới nhưng dư luận đều cho rằng Người đứng đầu nước Mỹ đang nói tới Triều Tiên.

Ngay lập tức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon tuyên bố: “Sử dụng lực lượng vũ trang không phải đặc quyền của riêng Mỹ”. Nếu Mỹ dùng bất cứ hành động quân sự  nào nhằm vào Triều Tiên, nước này sẽ đáp trả phù hợp ở mọi cấp độ.  Đụng  độ vũ trang chưa bao giờ gần như hiện nay.

Những chuyển động ở Triều Tiên

Điều gì sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ không đưa ra đề xuất mới nào “có thể chấp nhận được” để khởi động lại đàm phán Mỹ Triều?  Đáng lo ngại nhất có lẽ  là việc  Triều Tiên tiến hành trở lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa có thể vươn tới nước Mỹ hay phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên dọa sẽ tiến hành thử  tên lửa , vào dịp Quốc khánh Mỹ hồi tháng 7/2017, Triều Tiên đã gửi tặng Mỹ một “món quà” không được mong đợi là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, châm ngòi cho những tranh cãi ngoại giao  kéo dài hàng tháng sau đó.

Hành động lần này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị tổ chức một phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng 12, tại đây, Triều Tiên có thể thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng về các vấn đề trong nước và quốc tế. Dự kiến những thay đổi chính sách và các cách tiếp cận mới trong quan hệ với Mỹ có thể được quyết định tại cuộc họp này.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dường như  là sợi dây dàng buộc duy nhất khiến xung đột chưa nổ ra.  Triều Tiên  tố cáo Mỹ  trì hoãn đàm phán với Triều Tiên như  là một “mánh khóe”, một cách “câu giờ”  phục vụ cho  mục tiêu chính trị  và  cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ.

Chuyên gia về Triều Tiên  của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ  Ankit Panda cho biết: “Chúng ta có thể quay ngược trở lại thời gian cuộc khủng hoảng Mỹ Triều, điều này sẽ diễn ra trong năm 2020”.  Giáo sư của Đại học Yonsei, Hàn Quốc  John Delury cho rằng: “ Các tín hiệu đều cho thấy cửa sổ ngoại giao đang đóng lại rất nhanh”.  Hiện các  kế hoạch của Nhà lãnh đạo Kim Jong –Un chưa được công bố, nhưng dựa trên các động thái  mới nhất cho thấy Triều Tiên đang thực sự rất nghiêm túc và đếm ngược từng ngày để hành động.


Hải Yến
Ý kiến của bạn