Mới rồi, tôi được dự buổi lễ trao giải cho các tác giả dự thi viết tiểu thuyết và truyện ký về ngành công an. Cuốn hồi ký Không thể mồ côi của bà Đào Thị Minh Vân, 69 tuổi, nhà doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh được giải Nhì. Cuốn hồi ký viết về quá trình Minh Vân đi tìm dấu vết còn lại của người cha, là nhà tình báo nổi tiếng Hoàng Minh Đạo đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngoài bìa cuốn hồi ký có in ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, chỉ vào một bé gái chừng 10 tuổi ngồi trong lòng Bác, bà vui vẻ nói với tôi, đấy chính là mình cách nay đã gần 60 năm. Thấy tôi tỏ ra thích thú tìm hiểu về bức ảnh lịch sử, bà Minh Vân nói tiếp: “Đấy là món quà đặc biệt của bác Mười Cúc (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và sau 25 năm khi in cuốn sách này, giờ mới có dịp công bố”...
Cha của Đào Thị Minh Vân là ông Đào Phúc Lộc (khi đi hoạt động đổi tên là Hoàng Minh Đạo; Năm Thu...) quê Quảng Ninh, tham gia Cách mạng từ năm 1940. Tại chiến khu Việt Bắc năm 1948, ông được Tổng Bí thư Trường Chinh đưa sang Bộ Tổng tham mưu làm công tác Đảng, rồi được phân công phụ trách tình báo và quân báo. Sau đó Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử ông vào Nam để thống nhất ngành tình báo cả nước. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông không tập kết ra Bắc, ở lại làm Phó ban Địch tình Xứ ủy, phụ trách tình báo chiến lược. Cuộc kháng chiến đến giai đoạn ác liệt, ta lập ra Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông là Thường vụ Khu ủy, kiêm Chính ủy hai phân khu quan trọng là Phân khu I, Phân khu V. Và ngày 24/12/1969 ông đã anh dũng hy sinh trên đường từ Campuchia, vượt sông Vàm Cỏ Đông trở về căn cứ.
Một ngày đầu tháng 10/1990, nhà doanh nghiệp Minh Vân nhận được điện báo: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh muốn gặp để trao “món quà đặc biệt”.
- Tôi rất hồi hộp không biết là quà gì - Bà Đào Thị Minh Vân kể - Thấy tôi, bác Mười Cúc vẻ mặt xúc động bảo: Con ngồi xuống đây, bác muốn trực tiếp trao lại một kỷ vật của cha con. Nghe vậy, tôi rất bất ngờ. Và bác nói tiếp: Ba con sống, chiến đấu với bác suốt hai cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Năm 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, một lần về căn cứ Trung ương Cục họp, ba con đem bức ảnh này gửi bác và nói: “Em hay ra vào vùng nội ô không thể mang bức hình trong người được, gởi anh Mười giữ hộ cho chắc. Nếu có rủi ro gì nhờ anh Mười chuyển bức hình cho cháu. Lúc đó bác đã “mắng” ba con là gở mồm, vậy mà không ngờ...
Bác Mười cầm lên một cuốn sổ cũ, lật vài trang, lấy ra bức hình đen trắng đã vàng ố đưa cho tôi. Đó chính là bức hình in ở đây. Giữa năm 1956, tôi sang Tiệp Khắc (cũ) học ở Trường Thiếu nhi quốc tế. Vào cuối năm 1957, nhân chuyến thăm nước bạn, Bác Hồ đến thăm trường, trước lúc ra về Bác gọi tất cả chúng tôi đến chụp hình. Thấy tôi bé nhỏ, bẽn lẽn đứng xa, một chú trong đoàn nhấc bổng, đưa tôi lại gần Bác. Bác ôm tôi vào lòng. Kể từ buổi đó bản thân tôi cũng chưa một lần nhìn thấy bức hình này. Bác Mười Cúc cho biết là, khoảng giữa năm 1957, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã gửi bức hình từ Hà Nội vào Trung ương Cục để làm quà tặng cho ba tôi. Ngày đó, nhiều anh em trong căn cứ đã được ba tôi cho xem bức hình và đều cảm động. Qua bao ngày tháng bom đạn, có lúc bác Mười tưởng bức hình đã bị thất lạc, rồi lại tìm thấy. Trước lúc tôi ra về, bác Mười Cúc cầm tay tôi xúc động nói: Giờ bác đã làm tròn lời nhắn gửi của ba con. Đó là di vật thiêng liêng của người đã khuất...
Bùi Phương Hạnh