Thục địa hoàng còn có tên là thục địa, là sinh địa (Radix Rehmaniae gluticorae) đem chưng và phơi nhiều lần cho đến khi thuốc có thể chất dẻo quánh, có màu đen từ trong ra ngoài. Thục địa chứa các iriodid như catalpol, aucubin; dẫn chất steroid có B-sistosterol, các loại đường, sinh tố A, các acid amin; arginine và mannitol, alcaloid, acid béo và Fe. Vị ngọt, tính hơi ôn; vào tâm, can, thận. Trong Đông y, thục địa có tác dụng bổ huyết tư âm. Dùng cho các trường hợp âm hư huyết hư với các chứng trạng đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể, di tinh di niệu, ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm. Liều dùng: 12 - 60g.
Món ăn thuốc có thục địa:
Bài 1: Cháo thục địa bơ chiên: thục địa 20g, gạo tẻ 100g, mật mía 60g, bơ 60g. Thục địa thái lát, nấu với gạo thành cháo. Mật mía và bơ cho vào chảo đặt trên bếp, đảo đều cho sôi bay mùi thơm, sau đó đổ vào cháo, đun lại cho sôi. Dùng cho trường hợp huyết hư âm hư có tác dụng tư bổ âm huyết, lợi huyết, sinh tinh.
Bài 2: Địa hoàng tán: thục địa 300g (lùi nướng cho chín khô), địa cốt bì 300g, ngũ vị tử 300g, nhục quế 150g, hoàng kỳ 500g. Tất cả tán thành bột mịn để sẵn. Mỗi lần lấy 15g bột hầm với một cái thận dê (đã thái lát sẵn) dạng canh súp. Đợt dùng 5 - 10 ngày. Dùng cho trường hợp suy kiệt, tê bại yếu mỏi tay chân sau khi bị các bệnh truyền nhiễm dịch tễ lâu ngày.
Bài 3: Cháo thục địa vừng đen: thục địa 15g, hà thủ ô 15g, xích tiểu đậu 30g, vừng đen 15g. Nấu cho chín nhừ, khi ăn thêm chút đường muối. Dùng cho trường hợp âm huyết hư râu tóc bạc sớm.
Bài 4: Thục địa hầm gà: gà 1 con; thục địa 200g, mạch nha 150g. Gà làm sạch bỏ ruột; cho dược liệu vào trong bụng gà, hầm cách thủy. Chia ăn hai hoặc ba lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp mệt mỏi đau lưng mỏi gối, ăn kém gầy còm sút cân, mồ hôi trộm thân nhiệt thấp.
Ngoài ra, thục địa hoàng còn được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Thận âm không đủ, nóng trong xương cốt, mồ hôi trộm, di tinh, lưng đau, gối mỏi:
Bài 1: Hoàn tả quy: thục địa 20g, sơn thù 12g, câu kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, cao ban long 12g, sơn dược 16g, ngưu tất 12g. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g.
Bài 2: Hoàn đại bổ âm: thục địa 20g, quy bản 20g, hoàng bá 12g, tri mẫu 12g. Nghiền thành bột, trộn với tủy xương sống lợn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g. Uống lúc đói, chiêu với nước gừng hoặc nước muối nhạt.
Huyết hư nên kinh nguyệt không đều và các chứng huyết hư khác:
Thang tứ vật: thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g. Sắc uống.
Bệnh đái tháo đường (miệng khát, uống nước nhiều, đi đái nhiều): thục địa 12g, thái tử sâm 16g, sơn dược 20g, ngũ vị tử 8g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Người tỳ hư, kém ăn, bụng đầy trướng, đại tiện lỏng không dùng được. Không dùng đồng thời với lai phục tử.