Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến tác dụng tuyệt vời của nó với sức khỏe. Cà chua còn có tên cà dầm, tây hồng thị, tên khoa học Lycopersicum esculenmtum Mill., họ cà (Solananeae). Bộ phận dùng là quả chín và lá.
Cà chua có 4% glucid; 0,3% protid; 0,3%lipid, các acid hữu cơ (a.citrric, a.malic, a.oxalic); các nguyên tố vi lượng và nhiều vitamin (A, B1, B2, B6, C, D, PP, E, K...), đặc biệt rất giàu vitamin A và C; hàm lượng nước cao (chiếm 94%), nhiệt lượng thấp, lại được những acid hữu cơ bảo vệ trong quá trình bảo quản lưu giữ cho đến khi được ăn uống vào nên cơ thể tận dụng được tối đa. Quả chín còn chứa glucoalcaloid (tomatin), lycopen, xanthophyl, quercitrosid. Thành phần đường chủ yếu là glucose và fructose nhưng rất thấp nên dùng được cho người đái tháo đường, béo phì; lượng chất khoáng và các nguyên tố hiếm phong phú là Ca, P, Fe, Zn, Bo, Mn, Cu, I. Gần đây phát hiện có chất lycopene kết hợp với beta-caroten là chất chống oxy hóa tự nhiên, ngăn ngừa các gốc tự do gây ung thư vú, tuyến tiền liệt, tụy và đại tràng; chống lão hóa (glutathione...). Cà chua còn có tác dụng trợ tiêu hóa, lợi niệu; giảm cholesterol trong máu và bảo vệ da khỏi cháy nắng, làm da luôn tươi trẻ.
Cà chua - loại quả bình dân nhưng tác dụng tuyệt vời với sức khỏe.
Theo Đông y, cà chua vị ngọt chua, hơi mặn, tính bình; vào vị. Tác dụng sinh tân chỉ khát kiện vị tiêu thực; dùng cho người bị thử nhiệt phiền khát (trúng nắng, trúng nóng, sốt, mất nước, khát nước); thiếu máu, phù thận, tăng huyết áp, suy nhược cơ thể sau các bệnh viêm nhiễm dài ngày. Hằng ngày dùng 200 - 250g bằng cách ăn tươi, ép nước, nấu, xào.
Nước ép dưa hấu cà chua: cà chua, dưa hấu liều lượng tùy ý ép lấy nước uống. Dùng giải nhiệt, chữa biếng ăn.
Cà chua ướp đường: cà chua 250g bóc vỏ thái lát, rắc đường trắng để khoảng 30 phút hoặc để tủ lạnh càng tốt. Dùng làm món ăn giải nhiệt.
Canh bí đao cà chua: bí đao 250g vọt bỏ vỏ và ruột, cà chua 200g, hành lá 10g, thêm gia vị nấu canh ăn. Dùng tốt cho người tỳ vị hư, ăn kém, đầy trướng bụng, phù thận, tiểu ít, tiểu dắt.
Canh gan lợn cà chua: cà chua 250g, gan lợn 100g. Cà chua thái lát, gan lợn thái miếng nhỏ. Phi hành cho thơm; cho cà chua và gan lợn vào, đảo đều, thêm gia vị nấu canh. Dùng tốt cho người bị thiếu máu, quáng gà giảm thị lực.
Canh trứng gà cà chua: cà chua 250g, trứng gà 2 quả. Phi hành cho thơm; cho cà chua, dầm nát, cho gia vị và trứng vào, đánh kỹ, thêm nước nấu canh. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.
Lá non cà chua rửa sạch, giã nát, thêm ít muối, đắp chữa mụn nhọt sưng tấy.
Lá cà chua khô còn là nguyên liệu chiết tomatin - một chất kháng khuẩn, chống nấm và sâu hại cây trồng.
Nước sắc lá cà chua bôi đắp trị nứt nẻ da.
Cà chua xanh có hàm lượng solanin cao, có độc tính không nên dùng.
Kiêng kỵ: Người có tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không ăn cà chua sống.