Hà Nội

Món ăn thuốc từ bạch phục linh trị nhiều bệnh

12-07-2019 07:23 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Bạch phục linh còn có tên là bạch linh, phục linh, là một loại nấm lỗ, phát triển bao quanh rễ cây thông già.

Bạch phục linh còn có tên là bạch linh, phục linh, là một loại nấm lỗ, phát triển bao quanh rễ cây thông già. Hiện nay phục linh vừa làm nấm ăn vừa làm thuốc.

Phục linh có các triterpenoid (eburicoic acid, pachymic acid,...); steroids (ergosterol), các acid amin (lecithin, choline, adenine) và các polysaccharid (pachyman)... Theo Đông y, phục linh vị ngọt nhạt, tính bình. Vào kinh tâm, phế, tỳ và thận. Có tác dụng lợi thủy trừ thấp, kiện tỳ hòa vị, bổ tâm an thần. Dùng cho trường hợp tiểu ít, tiểu dắt tiểu buốt, phù nề, nôn, tiêu chảy, hồi hộp tim nhịp nhanh mất ngủ. Hằng ngày dùng 30g dưới dạng nấu hầm, chưng, sắc hãm.

Bạch phục linh là một loại nấm mọc hoại sinh trên rễ cây thông.

Rượu phục linh thần khúc: bột phục linh, thần khúc, men rượu, liều lượng thích hợp trộn đều uống với nước sôi (hoặc bột phụ linh thần khúc uống với nước cái rượu). Dùng cho các trường hợp đau đầu chóng mặt (đầu phong hư huyễn).

Cháo đậu ý dĩ phục linh: bột phục linh 20g, xích tiểu đậu 50g, ý dĩ 100g cùng đem nấu cháo, cháo được thêm đường trắng cho ăn. Dùng cho các trường hợp tiêu chảy vàng da.

Dê nướng tẩm phục linh sa nhân: phục linh 60g, sa nhân 30g, thịt dê 100 - 150g. Dược liệu tán bột mịn thêm chút muối đem ướp đều vào thịt dê, rồi đem nướng chín. Ăn và uống ít rượu khai vị. Dùng cho các trường hợp di tinh hoạt tinh di niệu ở nam giới.

Cháo gạo nếp phục linh: phục linh 30g, gạo nếp 60g. Phục linh tán bột đem nấu cháo với gạo. Mỗi ngày một lần, chia 2 lần ăn. Dùng cho các trường hợp viêm xuất tiết tràn dịch phế mạc (triệu chứng đầy tức đau khi xoay chuyển vùng ngực, thở gấp, ho suyễn.

Thịt nạc hầm cà rốt phục linh bạch truật: thịt lợn nạc 250g, cà rốt 300g, phục linh 15g, bạch truật 20g. Cà rốt rửa sạch thái lát; dược liệu gói trong vải xô, gừng tươi 1 củ đập giập. Tất cả cho vào nồi thêm nước hầm chín, bỏ bã thuốc thêm gia vị là được. Ăn ngày 1 lần, đợt dùng liên tục 5 - 7 ngày. Món này rất tốt cho người bị viêm teo thị thần kinh.

Cháo phục linh: phục linh tán bột 15g, gạo tẻ 100g, muối ăn bột tiêu gia vị khác liều lượng thích hợp. Gạo tẻ nấu cháo, cháo chín cho bột phục linh tiếp tục nấu sôi đều chín nhừ, thêm gia vị, ăn hằng ngày. Dùng cho người cao tuổi phù nề, béo mập, tăng mỡ máu, tiểu ít, dắt, tiêu chảy.

Bánh giúp tiêu hóa: đảng sâm 40g, phục linh 40g, hoài sơn 40g, liên nhục 40g, khiếm thực 40g, gạo nếp 300g, gạo tẻ 300g. Nghiền chung thành bột mịn, thêm 100g mật, 280g đường trắng, trộn đều, hấp đồ cho chín, cắt thành từng thỏi bánh. Mỗi ngày ăn vài thỏi bánh vào sáng sớm. Món này rất tốt cho trẻ tỳ vị hư nhược, tiêu hóa kém, gầy gò, vàng vọt, bụng ỏng và tiêu chảy.

Cá chép hầm phục linh đậu đỏ: cá chép 1 con (chủ yếu lấy phần nạc), đậu đỏ nhỏ hạt 50g, phục linh 30g. Tất cả hầm chín nhuyễn lấy nước uống. Tác dụng lợi niệu trừ thấp. Dùng cho các trường hợp phù nề toàn thân.

Kiêng kỵ: Người bị thoát vị, sa dạ dày trực tràng (tỳ hư hạ hãm); hư hàn di hoạt tinh, người đi tiểu quá nhiều không dùng nhiều. Không ăn giấm trong thời gian dùng phục linh.

TS. Nguyễn Đức Quang


Ý kiến của bạn