Nguyên liệu
Thận lợn tươi (trư yêu) 2 đôi, đỗ trọng 15-30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 5g, gia vị vừa đủ. Nếu có thận dê để thay thế thận lợn thì càng công hiệu.
Thận lợn. |
Cách chế
Thận lợn bổ đôi, lọc bỏ gân trắng bên trong, bên ngoài dùng dao khía thành hình vuông hoặc hình chữ nhật rồi rửa thật sạch. Đỗ trọng và ngưu tất rửa sạch, gừng tươi thái lát mỏng hoặc thái chỉ. Cho đỗ trọng, ngưu tất và gừng tươi vào nồi, đổ vừa nước, dùng lửa to đun cho sôi rồi tiếp tục hầm kỹ bằng lửa nhỏ trong 60 phút. Tiếp đó, cho thận lợn vào đun sôi thêm ít phút cho chín là được, chế đủ gia vị, ăn nóng.
Công dụng
Bổ thận dưỡng can, trừ phong thấp, làm mạnh gân xương, đặc biệt tốt với cột sống và khớp gối. Được dùng để phòng chống các chứng bệnh theo y học cổ truyền như lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, di tinh, di niệu, hay đi tiểu đêm…, với y học hiện đại là các bệnh lý có liên quan đến xương khớp.
Đỗ trọng. |
Theo quan niệm của Đông y, lưng là phủ của thận, can chủ gân, thận chủ cốt, can thận hư yếu thì lưng gối và các khớp sẽ đau mỏi. Để chữa bệnh này, ngoài việc dùng các vị thuốc có tác dụng bổ can thận, khu phong trừ thấp, người xưa còn chọn dùng quả thận của một số động vật làm thức ăn chữa bệnh theo học thuyết "dĩ tạng bổ tạng" (lấy tạng bổ tạng). Trong đó, thận của lợn và dê thường được dùng hơn cả. Thận lợn vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận, ích khí, làm khỏe lưng gối.
Đỗ trọng và ngưu tất đều có công dụng bổ can thận, cường gân cốt. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Cả hai vị đều có khả năng chống viêm, giảm đau, cải thiện công năng hệ thống miễn dịch và chống lão hóa. Riêng đỗ trọng còn có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường máu và mỡ máu.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn