Người Nhật nổi tiếng là có tuổi thọ cao. Và không phải bỗng nhiên đồ ăn Nhật được ưa chuộng như vậy. Các món ăn Nhật Bản đều tuân theo quy tắc tam ngũ: ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ngũ pháp là: sống, ninh, nướng, chiên và hấp.
Ăn ít
Người Nhật luôn sử dụng những khẩu phần nhỏ và ăn thành nhiều bữa. Họ tin vào chất lượng của thực phẩm chứ không phải số lượng. Từ thời thơ ấu, họ đã được dạy phải ăn chậm, thưởng thức từng miếng. Các đĩa thức ăn có kích thước nhỏ, bằng 1/3 nếu so với Mỹ. Thức ăn cũng không bao giờ được múc đầy ăm ắp trên các đĩa.
Bữa ăn của người Nhật luôn bắt đầu bằng việc uống canh, đặc biệt là canh thịt. Đây là phương pháp hạn chế sự phàm ăn rất tuyệt vời, bởi vì nó sẽ khiến bạn có cảm giác no bụng ngay từ đầu bữa ăn.
Ăn ít nhưng chất
Bàn ăn của người Nhật nhìn là biết liền. Bởi thực phẩm rất đặc trưng, bao gồm cá, đậu nành, gạo, rau và trái cây... là những thực phẩm chứa nhiều protein, khoáng chất nhưng hàm lượng chất béo rất thấp. Các siêu thị Nhật hiện giờ ghi “đát” không chỉ có thông tin ngày mà còn có cả thông tin giờ đóng gói, bởi tươi sống là yêu cầu số một với thực phẩm của các bà nội trợ đất nước Mặt trời mọc. Thực phẩm đông lạnh được sử dụng rất hạn chế.
Các món ăn Nhật Bản tuân theo quy tắc tam ngũ: ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp.
Người Nhật tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, cụ thể hóa thì mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới. Hàm lượng acid béo omega-3 được bổ sung hằng ngày là lý do giải thích tại sao họ lại sống lâu và khỏe mạnh đến thế. Chưa kể người Nhật cũng tiêu thụ rau cải, súp lơ xanh, cải bắp, cải xoăn... gấp 5 lần người Mỹ.
Chúng ta vẫn quen nghe những khuyến cáo rằng để tránh thừa cân thì nên tránh xa tinh bột như gạo và bánh mì. Ấy vậy mà chế độ ăn uống của Nhật Bản luôn bao gồm cơm được dùng hàng ngày và họ vẫn đang là quốc gia có tỷ lệ người béo phì thấp nhất thế giới. Trên thực tế, gạo là bổ dưỡng, chứa các carbohydrate cần thiết cho cơ thể. Tuy dùng số lượng ít nhưng người Nhật lại nạp vào cơ thể đủ các nhóm thực phẩm. Họ nhận ra cân đối dinh dưỡng luôn quan trọng hơn kiêng khem.
Người Nhật có truyền thống uống trà. Nghệ thuật trà đạo đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đất nước này. Con người hòa mình vào không gian dìu dịu hương thơm của trà khiến cho tâm hồn trở nên thư thái, nhẹ nhõm, khác hẳn với cuộc sống xung quanh vốn ồn ào, tấp nập, đầy bon chen. Các loại trà xanh Nhật Bản chứa calo rất thấp, lại còn đốt cháy các chất béo. Đặc biệt, người Nhật không uống trà với sữa và đường.
Ăn bằng mắt
Các món ăn Nhật Bản luôn được bày biện rất đẹp mắt. Họ coi trọng hình dáng, hương vị có sẵn của vật liệu, coi trọng vẻ đẹp của việc “trình bày bìa” sắp xếp món ăn... Trên bàn ăn, mỗi món được xếp trên một đĩa riêng biệt nên dù thức ăn không nhiều, bàn ăn vẫn có vẻ đề huề. Bàn ăn nhiều màu sắc tác động đến thị giác trước tiên, gia tăng cảm giác thèm ăn và ngon miệng. Bởi thế mới có câu người Nhật ăn bằng mắt, đúng hơn, việc ăn uống giản dị đã được nâng tầm thành thưởng thức hương vị của những thức thơm ngon mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Chỉ riêng rau củ, người Nhật đã có thói quen sử dụng 5 màu sắc trên bàn ăn của họ: đỏ, xanh đen, vàng, trắng và đen. Tương ứng với các màu đó chính là ớt đỏ, bí, hành tây, đậu đen, súp lơ và bắp cải. Điều này cũng phù hợp với lời khuyên của các chuyên gia rằng chúng ta nên sử dụng nhiều loại rau chứ không phải là một.
Món ăn phù hợp với thiên nhiên từng mùa
Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa.
Vào mùa xuân, để báo hiệu cho mùa đông lạnh giá đã kết thúc, người Nhật ăn món cá shirouo và đón mùa anh đào nở bằng bánh sakura mochi và gạo anh đào. Mùa hè, người Nhật ăn nhiều món ăn mát lành như món lươn, cà tím nướng, đậu edamame, các loại mì lạnh..., các món đậu hũ như: đậu phụ lạnh Nhật Bản và khổ qua xào đậu hũ của vùng Okinawa.
Tháng 5 là mùa cá ngừ, còn tháng 6 là mùa cá hồi. Mùa thu, người Nhật ăn khoai lang nướng, món lăn bột chiên và một số loại bánh. Tháng 9 là tháng của mặt trăng nên những món hầm màu trắng được ưa chuộng như bào ngư, dưa chuột và măng. Để xua tan cái lạnh của mùa đông, người Nhật ăn lẩu, canh và món chè đậu đỏ nóng. Ngoài ra, người Nhật còn ăn bánh higashi có hình tuyết. Vào mùa đông, người Nhật cũng chuộng ăn các loại quýt tượng trưng cho mặt trời và dùng để làm quà năm mới.