Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao

09-02-2024 15:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Các địa phương miền núi ở nước ta không chỉ nổi tiếng với phong cảnh nên thơ hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc mà còn là nơi sản sinh nhiều món ăn vô cùng thơm ngon độc đáo. Dưới đây là những món ăn ngày Tết đặc biệt của đồng bào vùng cao chắc chắn ai cũng muốn thử.

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 1.

Xuân về với đồng bào vùng cao.

Bánh chưng gù

Bánh chưng gù là một món ăn truyến thống trong ngày lễ Tết của đồng bào các tỉnh miền núi vùng cao, trong đó nổi tiếng nhất là bánh chưng gù Hà Giang. Sở dĩ có tên gọi bánh chưng gù vì nó tượng trưng cho hình ảnh đồng bào vùng cao địu chiếc gù trên vai lên nương làm rẫy, địu lúa, ngô trên vai.

Bánh chưng gù của đồng bào dân tộc thiểu số được làm từ những đặc sản của người dân địa phương, ăn rất mềm, ngon, béo ngậy và không bị ngán.

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 2.

Bánh chưng gù.

Ðể có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon đạt chuẩn thì công đoạn chọn nguyên liệu làm bánh rất kỹ lưỡng. Nguyên liệu để làm ra món bánh chưng gù bao gồm gạo nếp nương, đỗ xanh loại nhỏ, thịt lợn đen nuôi dân giã.

Gạo làm bánh được ngâm với nước lá riềng xay lọc sạch để có màu xanh tự nhiên, khi luộc bánh sẽ tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Bánh được gói bằng lá dong rừng, thêm nhân là đỗ và thịt ba chỉ lợn đen, hạt tiêu... luộc đến khi bánh dền dẻo, thơm ngậy.

Bánh chưng gù ngày nay là món ăn được người dân cả nước ưa chuộng, là thức quà ngon tặng cho người thân, bạn bè mỗi khi Tết đến Xuân về.

Thịt gác bếp

Thịt gác bếp là một phần văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc. Ðối với người dân vùng cao, các loại thịt gác bếp (thịt trâu, thịt bò, thịt lợn đen...) gác bếp không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống mà còn là nét văn hóa rất riêng. Trong những lễ hay mỗi khi tiếp khách quý, mỗi nhà đều chuẩn bị món thịt gác bếp trên mâm cỗ để thể hiện lòng mến khách và sự ấm áp gia đình.

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 3.

Thịt gác bếp

Vì có hương vị riêng biệt độc đáo nên thịt gác bếp còn là đặc sản ưa chuộng của du khách khi đi du lịch tại các tỉnh miền núi.

Công đoạn làm món thịt gác bếp cũng rất cầu kỳ. Nguyên liệu phải là thịt lợn đen, thịt trâu, bò loại tươi ngon, thái miếng to bản, ướp với các gia vị vùng núi như: Gừng, mắc khén, hạt dổi... để có hương vị đặc trưng, sau đó dùng hơi lửa và khói bếp sấy cho khô. Khi ăn cần hấp hoặc nướng chín, đập dập và xé nhỏ miếng thịt chấm với tương ớt, chẩm chéo... rất ngon.

Lạp xưởng

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 4.

Lạp xưởng

Ðến các tỉnh vùng núi cao từ Tuyên Quang, Hà Giang, Ðiện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... bạn sẽ được thưởng thức món ăn lạp xưởng nổi tiếng.

Lạp xưởng thường được chế biến bằng loại thịt lợn đen thơm ngon, băm nhỏ, trộn gia vị đặc trưng của từng vùng rồi nhồi vào trong đoạn ruột lợn đã làm sạch. Sau đó hong khô trên bếp củi.

Vào những ngày Tết, lạp xưởng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của mọi gia đình vùng cao và nhiều người ưa thích hương vị món ăn miền núi. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy hòa quyện với vị ngọt của thịt, độ giòn dai của phần vỏ lạp xưởng, vị tê tê cay nồng của thảo mộc vô cùng lạ miệng.

Xôi ngũ sắc

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 5.

Xôi ngũ sắc

Khi nói đến những món ăn nổi tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao không thể không nhắc đến xôi ngũ sắc.

Xôi ngũ sắc không chỉ thơm ngon, đẹp mắt mà còn là món ăn tượng trưng cho mọi điều tốt lành, may mắn. Theo quan niệm của đồng bào, xôi ngũ sắc ngoài việc tượng trưng cho "ngũ hành", trời đất còn thể hiện khát vọng yêu thương, mong ước cho cuộc sống yên bình, no đủ.

Sở dĩ gọi là xôi ngũ sắc vì món xôi này thường có 5 màu cơ bản gồm: trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Người dân các tỉnh vùng cao thường làm món xôi đặc biệt này vào các dịp quan trọng trong năm như lễ, Tết hoặc đám cưới, đám giỗ...

Những ai từng có cơ hội được thưởng thức món xôi ngũ sắc sẽ không thể quên được mùi thơm đặc biệt của các loại lá cây tạo màu cho xôi và vị ngọt thơm của gạo nếp nương, từng hạt xôi to bóng bẩy như hạt ngọc, ngon hơn hẳn với các loại xôi khác.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp (món cá suối nướng lật úp) là món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Ðây là món ăn phổ biến thường được người dân địa phương dùng để đãi khách quý và bày trên mâm cơm vào các dịp lễ, Tết.

Nguyên liệu chính là cá tươi như cá chép, cá trôi, trắm... nuôi ở ao, sông, suối tự nhiên, được chế biến bằng cách làm sạch vảy, dùng dao sắc mổ cá dọc sống lưng thay vì bụng để con cá mềm mại dễ gấp úp lại hơn.

Món ăn ngày Tết độc đáo của đồng bào vùng cao- Ảnh 6.

Pa pỉnh tộp không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.

Gia vị ướp trực tiếp vào trong mình cá gồm gừng, sả, rau thơm, mắc khén, mầm cây sa nhân... nhồi vào trong bụng cá. Bên ngoài xoa một lớp bột riềng và thính gạo. Khi nướng cá trên than hồng, gia vị sẽ từ từ thấm sâu vào từng thớ cá và tỏa mùi thơm.

Cá nướng được xoay từ từ, nhiệt độ nướng cá không được quá cao để không bị cháy bên ngoài mà bên trong lại chưa chín. Cá chín từ từ, vàng đều, nước mỡ cá tiết ra có vị béo ngậy, thịt cá thơm, ngọt, khô chắc.

Cá nướng xong phải được ăn nóng, gỡ bằng tay, ăn cùng với xôi nếp nương, trám đen om chấm chẩm chéo. Vị thơm béo của cá nướng, bùi bùi của trám đen và mùi thơm của xôi nếp nương tạo hương vị vô cùng thơm ngon.

Mỗi dịp Tết đến, trên mâm cơm của các gia đình người Thái bao giờ cũng phải có món pa pỉnh tộp. Pa pỉnh tộp cũng là món ăn hấp dẫn khó quên đối với du khách mỗi dịp lên với vùng cao Tây Bắc. Món ăn này cũng thường được người dân gửi cho người thân tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác làm quà, tạo thêm hương vị khác lạ cho trên mâm cơm ngày Tết, ăn rất ngon và không ngán.


Dương Thanh Hoàn
Ý kiến của bạn