Hà Nội

Món ăn dành cho người đái tháo đường

23-12-2011 14:57 | Y học cổ truyền
google news

Ðái tháo đường (ÐTÐ) là một bệnh về chuyển hóa biểu hiện chủ yếu là đường huyết cao, do thiếu hụt insulin. Tỷ lệ người mắc bệnh ÐTÐ ngày một tăng nhanh, biến chứng bệnh nặng nề ở các cơ quan tạng phủ đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu...

Ðái tháo đường (ÐTÐ) là một bệnh về chuyển hóa biểu hiện chủ yếu là đường huyết cao, do thiếu hụt insulin. Tỷ lệ người mắc bệnh ÐTÐ ngày một tăng nhanh, biến chứng bệnh nặng nề ở các cơ quan tạng phủ đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu... Theo y học cổ truyền, ÐTÐ thuộc phạm vi chứng “tiêu khát”. Nguyên nhân chủ yếu do âm hư táo nhiệt. Về điều trị chủ yếu là dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt nhuận táo. Nguyên tắc chung là kết hợp chặt chẽ chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc. Một số món ăn – bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh theo từng thể bệnh.

 Canh ngao nấu kỷ tử tốt cho bệnh nhân đái tháo đường thể can thận âm hư.

Thể tâm âm hư:

Biểu hiện tâm phiền, miệng khát, ăn nhiều uống nhiều, tiểu nhiều nhưng số lượng mỗi lần ít. Dùng Cháo hoài sơn - tiểu mạch: hoài sơn 60g, tiểu mạch 60g, ngạnh mễ 30g, thêm lượng nước vừa đủ. Đun chín nhừ là dùng được. Tác dụng: dưỡng tâm âm, chỉ phiền khát.

Thể tỳ vị lưỡng hư: Biểu hiện tiểu nhiều, nước tiểu đục, mệt mỏi, đại tiện lỏng. Dùng Canh thịt nạc, hoài sơn, thục địa: hoài sơn 30g, thục địa 24g, trạch tả 9g, tiểu hồi 3g, thịt lợn nạc 60g, tất cả rửa sạch cho vào nồi đun sôi, sau đó vặn nhỏ lửa ninh khoảng 1 giờ là được. Tác dụng: tư âm cố thận, bổ tỳ nhiếp tinh.

 Thịt thỏ hầm kỷ tử tốt cho bệnh nhân đái tháo đường thể can thận bất túc.

Thể can thận âm hư:

Biểu hiện thị lực giảm, tâm phiền dễ cáu gắt, mất ngủ, hay mơ, khát, uống nhiều, người gầy. Dùng Canh ngao nấu kỷ tử: cà rốt 60g, thịt ngao 60g, cho nước và gia vị vừa đủ, đun 1 giờ cho lá kỷ tử 60g đã rửa sạch, đun sôi là dùng được. Tác dụng: dưỡng can, minh mục, thanh nhiệt, chỉ khát. Lá kỷ tử: thanh nhiệt minh mục, trừ phiền giải khát. Cà rốt: vị ngọt, tính mát, bổ can minh mục, thanh nhiệt trừ phiền giải khát. Thịt ngao: vị ngọt, mặn, tính lạnh, có tác dụng dưỡng can minh mục chỉ khát.

Chú ý: Bệnh nhân ĐTĐ thể tỳ thận dương hư, thể trạng béo bệu, lưỡi bệu, rêu trắng dày, mạch trầm trì không nên dùng.

Thể âm hư hỏa vượng: Biểu hiện miệng khát uống nhiều, tâm phiền, dễ cáu gắt, ăn nhiều chóng đói, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ khô, rêu vàng, mạch hoạt sác. Dùng Cháo cát căn: cát căn 30g, ngạnh mễ 30g, cho nước đun nhừ là được. Tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy cát căn có tác dụng hạ đường huyết, giãn mạch máu, giảm nhẹ huyết áp. 

  TS. Nguyễn Thị Tâm Thuận


Ý kiến của bạn