Món ăn cho người suy nhược cơ thể do tỳ phế hư

05-04-2015 07:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS -Suy nhược cơ thể do tỳ phế đều hư hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính ở phổi và ở đường tiêu hóa.

Suy nhược cơ thể do tỳ phế đều hư hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính ở phổi và ở đường tiêu hóa. Người bệnh có biểu hiện ho lâu ngày, đờm nhiều loãng, trướng bụng, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt bệu, mạch hư tế. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc và món ăn trị bệnh theo phương pháp kiện tỳ bổ ích phế khí. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Bài 1. Sâm linh bạch truật tán: bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, hoài sơn 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, trần bì 6g, cát cánh 8g, liên nhục 12g, sa nhân 6g. Tán bột, mỗi ngày uống 20g.

Bài 2. Thự dự hoàn: hoài sơn 12g, phục linh 10g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, đảng sâm 16g, thục địa 10g, bạch thược 10g, đương quy 10g, thần khúc 10g, can khương 4g, biển đậu 8g, quế chi 4g, phòng phong 8g, bạch chỉ 10g, mạch môn 10g, sài hồ 10g, cát cánh 8g, đại táo 12g. Tán bột, ngày uống 20g.

Nếu người bệnh có các triệu chứng thở ngắn gấp, da xanh, người mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, đánh trống ngực, chất lưỡi nhạt, mạch nhu tế là dấu hiệu khí huyết đều hư. Phương pháp chữa là bổ khí huyết. Dùng một trong các bài:

Bài 1. Bổ trung ích khí: nhân sâm 6g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 10g, thăng ma 8g, sài hồ 8g, trần bì 4g, chích thảo 6g. Sắc uống. Bổ tỳ vị, ích khí thăng dương

Bài 2. Bát trân thang: thục địa 16g xuyên khung 8g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, đảng sâm 16g, bạch linh 8g, đương quy 12g, cam thảo 6g.

Bài 3. Nhân sâm dưỡng doanh thang: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, nhục quế 6g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, trần bì 12g, chích thảo 6g, sinh khương 5 lát, táo 5 quả. Sắc 7 bát lấy 3 bát, chia uống 3 lần.

Món ăn thuốc hỗ trợ trị bệnh

Rùa hầm sa sâm trùng thảo: thịt rùa 1 - 2 con, sa sâm 20g, trùng thảo 10g thêm gia vị nước sạch lượng thích hợp; đun nhỏ lửa hầm nhừ. Dùng cho các bệnh nhân thiếu máu, suy tủy, bệnh nhân sau khi bị sốt nhiễm khuẩn dài ngày suy nhược thiếu máu, hen phế quản mạn, lao phổi khái huyết.

Long nhãn sâm mật cao: đảng sâm 500g, sa sâm 250g, long nhãn 125g, mật ong 500g. Dược liệu nấu cao lỏng (bỏ bã thuốc), cho mật ong vào, đun sôi lại, đựng trong chai lọ thủy tinh. Mỗi lần uống 20ml với nước sôi khi đói. Dùng cho các trường hợp suy nhược, suy kiệt, nói thở nhỏ yếu, cơ lực suy giảm, ho khan ít đờm.

Gà hầm tam thất: gà mái 1 con (khoảng 1kg), tam thất tán bột 20g. Gà làm sạch, cho tam thất vào bụng gà, hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị cho ăn. Dùng cho trường hợp suy nhược, khí huyết hư, ăn kém mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.

Chim cút cật lợn: chim cút 3 con, gạo tẻ 150g, đậu đỏ 60g, cật lợn 100g. Chim cút làm sạch, cật lợn thái lát. Tất cả nấu cháo, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp ho lao, mệt mỏi thở gấp, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, viêm thận phù nề, đau lưng mỏi gối, suy kiệt, thiểu dưỡng.

Cháo củ mài: sơn dược 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng hay muối ăn tùy ý. Dùng ăn quanh năm, ăn phụ sáng và tối, ăn nóng cho các trường hợp tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.

Cơm nếp hấp nhân sâm đại táo: đại táo 20g, nhân sâm 6g, gạo nếp 100g. Ngâm nhân sâm, đại táo mềm, nấu khoảng 30 phút, gạn nước để riêng, sâm táo để riêng. Gạo nấu cơm, cơm đơm lên đĩa, trên đặt sâm táo. Nước hãm sâm táo đun cho cạn bớt nước thành dịch đặc sánh rưới trên cơm nếp. Dùng cho các trường hợp khí hư, cơ thể suy nhược, ăn kém chậm tiêu.

Lương y Thảo Nguyên

Đẳng sâm.


Ý kiến của bạn