1. Đặc điểm của vị thuốc nhục thung dung
Nhục thung dung có hình trụ tròn, hơi bẹt, một đầu nhỏ, hơi cong. Bề mặt có màu be xám hoặc màu be gụ, bị bọc bởi các lớp áo vảy mập mạp dày đặc, chất nạc, xếp theo hình xoáy ốc, chất mềm, nạc, giàu chất dầu, không dễ gì bẻ gẫy, mặt cắt màu gụ, có chấm hoa, xếp thành hình tên bắn hoặc hình sóng.
Phần rễ khi phát triển thành củ của thảo dược được sử dụng để làm thuốc. Người ta thường lựa chọn những củ to, mềm, có nhiều dầu và bên ngoài màu đen bởi đây là lúc củ có chứa nhiều dược tính nhất.
Thảo dược thường được thu hái vào mùa xuân hoặc mùa thu. Vào mùa xuân, sau khi hái thuốc, phơi khô, dược liệu được gọi là điềm đại vân. Vào mùa thu, những cây to sau khi thu hái sẽ được cho vào thùng muối, sau 1 năm thì lấy ra phơi khô và được gọi là diêm đại vân.
Tính vị: Ngọt, mặn và tính ấm.
Quy kinh: Thận và đại tràng.
Tác dụng: Tác dụng bổ thận, kiện dương, nhuận tràng, ích tinh, huyết.
Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, nhục thung dung có hàm chứa chất kiềm sinh vật và các chất trung tính kết tinh, các kích thích tố có tác dụng kích thích tính dục; có tác dụng hạ huyết áp, trợ tim, giãn động mạch cơ tim, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Chủ trị: Nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô, tiện bí…
2. Một số món ăn bài thuốc từ nhục thung dung
2.1. Món ăn hỗ trợ tráng dương
Thành phần: Nhục thung dung 5g, tỏa dương 5g, thịt dê 50g, bột mì 200g.
Tác dụng: Bổ thận tráng dương, ích tinh.
Cách thực hiện: Trước tiên sắc riêng nhục thung dung và tỏa dương, lấy nước thuốc này nhào với bột mì, cán mỏng, cắt thành sợi, cho vào nấu với thịt dê, nêm gia vị vừa miệng, làm thức ăn điểm tâm hằng ngày.
2. 2. Cháo tráng dương
Thành phần: Nhục thung dung 10g nấu với chim sẻ, chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm (những thức ăn có tác dụng tráng dương).
Tác dụng: Bổ thận dương, ích tinh.
Cách thực hiện: Hầm chim sẻ (hoặc chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm) cho nhừ. Có thể cho thêm kỷ tử 08g, đương quy 06g, táo đỏ 08g. Nêm gia vị vừa đủ. Khi đã nhừ cho nhục thung dung vào sắc thêm 15 phút rồi tắt bếp.
2.3. Bổ thận dương, ích tinh huyết
Thành phần: Hai quả thận, nhục thung dung 15g.
Tác dụng: Bổ thận dương, ích tinh huyết.
Cách thực hiện: Hai quả thận bổ dọc, bỏ phần lõi ở giữa. Rửa sạch với nước gừng nấu chín cùng nhục thung dung để ăn. Khi ăn có thể thái mỏng. Chấm nước mắm gừng, tỏi…
3. Lưu ý khi sử dụng
- Nhục thung dung là vị thuốc kỵ đồ sắt, đồng. Vì vậy khi nấu, ngâm rượu hoặc lưu trữ vị thuốc nên dùng nồi đất, đồ vật bằng gốm.
- Không dùng vị thuốc cho người bệnh tiêu chảy, âm hư hỏa vượng.
- Trong thận có nhiệt, dương vật dễ cương cứng mà tinh dịch không ổn định, không được dùng.
- Tránh sử dụng nhầm lẫn nhục thung dung với tỏa dương.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắp cải - món ăn bài thuốc | SKĐS