Món ăn bài thuốc từ hạt dẻ hỗ trợ điều trị thận hư

09-01-2023 06:31 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Hạt dẻ là một loại ngũ cốc, cung cấp năng lượng cho cơ thể và có thể hỗ trợ điều trị chứng thận hư, gân xương đau nhức...

1. Công dụng chữa bệnh của hạt dẻ

Theo Đông y: Hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm; vào 3 kinh Tỳ, Vị và Thận; có công dụng bổ thận, ích tinh, mạnh gân cốt, kiện tỳ (tăng cường chức năng tiêu hóa), dưỡng vị (nuôi dưỡng dạ dày), hoạt huyết, chỉ huyết (cầm máu; chủ trị phản vị (ăn vào nôn ngược trở lại), tiết tả (tiêu chảy) do tỳ vị hư hàn, lưng gối mềm yếu do thận hư, tiểu tiện nhiều lần, thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), tiện huyết (đại tiện ra máu), đòn ngã sưng đau...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Thành phần của hạt dẻ bao gồm 5,7-10,7% protein, 2- 7,4% protid, 62-70% chất đường và tinh bột. 

Ngoài ra còn có nhiều loại acid amin thiết yếu đối với cơ thể như carotene, các vitamin B1, B2, C, nicotinic acid, các chất khoáng như ka-li, Na-tri, can-xi, ma-giê, phôtpho, sắt…

photo-1673162270036

Hạt dẻ hỗ trợ điều trị thận hư.

2. Món ăn bài thuốc từ hạt dẻ

2.1 Hỗ trợ điều trị chứng thận hư

Biểu hiện: Lưng gối đau mỏi, chân yếu vô lực...

Dùng bài: Hạt dẻ (bóc bỏ vỏ) 20g, gạo tẻ 50g; gạo và hạt dẻ vo sạch, thêm nước nấu cháo. Cháo chín thêm chút muối, chia ra ăn trong ngày.

Công dụng: Bổ thận, mạnh gân cốt.

2.2 Cải thiện chức năng tiêu hóa, trị tiêu chảy do tỳ vị hư nhược

Dùng bài: Hạt dẻ (thịt quả) 30g, đại táo 10 quả, phục linh 12g, gạo tẻ 60g; cùng nấu cháo, thêm đường trắng vào ăn.

Công dụng: Kiện tỳ dưỡng vị.

2.3 Hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp tim, mất ngủ, mệt mỏi do tâm thận, tinh huyết bất túc

Dùng bài: Hạt dẻ 10 quả (bóc bỏ vỏ), long nhãn 15g, gạo tẻ 50g. Hạt dẻ đập nhỏ, cùng gạo nấu cháo, khi cháo sắp chín thì cho long nhãn vào, nấu tiếp cho đến khi cháo chín, thêm đường trắng vào trộn đều, ăn điểm tâm buổi sáng hoặc chia ra ăn trong ngày.

Công dụng: Bổ tâm thận, mạnh lưng gối.

2.4 Hỗ trợ và điều trị tỳ vị hư nhược

Dùng bài: Hạt dẻ 50g, sơn dược 30g, đảng sâm 10g; hầm với thịt gà.

Công dụng: Bổ trung ích khí.

2.5 Hỗ trợ và điều trị rối loạn cương dương, chữa thận khí bất túc, kinh mạch thất dưỡng dẫn tới lưng gối yếu mỏi, di tinh, xuất tinh sớm...

Dùng bài: Hồ đào nhục 30-50g, hạt dẻ (sao chín bỏ vỏ) 30-50g, đường trắng lượng thích hợp; hồ đào và hạt dẻ giã nhuyễn, thêm đường vào trộn đều là được; ăn tùy thích.

Công dụng: Bổ thận ích tinh.

photo-1673162276232

Hồ đào (quả óc chó).

2.6 Hạt dẻ hoàn hỗ trợ điều trị đau thắt lưng

Dùng bài: Hạt dẻ, hồ đào nhục, mỗi vị 250g, giã nhuyễn, hoàn viên, mỗi viên 9g; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên.

Công dụng: Bổ thận, ích khí.

3. Lưu ý khi dùng hạt dẻ

Danh y Tôn Tư Mạc, thời nhà Đường (Trung Quốc) nói: Hạt dẻ là thứ hạt của thận, người bị bệnh thận nên sử dụng. 

Lục Du, nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống, khi về già răng bị lung lay do tạng thận suy yếu, đã sử dụng hạt dẻ để bồi bổ thận…

Tuy nhiên người tỳ vị hư hàn, biểu hiện lạnh bụng, ăn uống kém, bụng trướng đầy, bụng đau âm ỉ, chân tay lạnh, thở yếu, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, chức năng tiêu hóa yếu, đại tiện lỏng không nên ăn quá nhiều.

Do hàm lượng các chất đường bột cao, người mắc bệnh tiểu đường kiêng ăn nhiều hạt dẻ.

Phụ nữ sau sinh, người bị táo bón, trẻ em không nên ăn nhiều hạt dẻ tránh sình bụng, đầy hơi.

Mời bạn xem thêm video:

Bộ Y tế: Ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh do Virus Adeno.


BS. Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn