Thịt heo
Thịt heo được đánh giá là loại thực phẩm phổ biến nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới nhờ vào những ưu điểm như giá rẻ, giàu dinh dưỡng và có thể chế biến được thành rất nhiều món ăn ngon. Theo YHCT, thịt heo có vị ngọt, mặn; tính bình; quy kinh Tỳ, Vị; có công dụng tư âm nhuận táo. Trị các chứng bệnh nhiệt bệnh thương tân, tiêu khát, táo bón, mụn nhọt.
Lưu ý người có thấp nhiệt đàm trệ trong cơ thể nên thận trọng, vì thịt heo ăn nhiều sẽ trợ nhiệt sinh đàm, mà đàm nhiệt lâu ngày cũng là tác nhân sinh nội phong. Ngoài ra đại kỵ với người mới khỏi bệnh và người bị tổn thương bới phong hàn. Không nên ăn thịt heo cùng lúc với nước trà vì dễ gây táo bón; thịt heo và thịt bò cũng không nên dùng cùng vì sẽ làm giảm công dụng của từng loại thịt; một số loại thực phẩm như ốc bươu, cam thảo, mơ, cũng không nên dùng cùng thịt heo vì có thể gây lạnh bụng, đau bụng…
Thịt bò
Theo Đông y, thịt bò vị ngọt, tính ôn, không độc; quy kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng an trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, cường gân tráng cốt. Trị chứng Tỳ Vị hư nhược, công năng tiêu hóa không tốt, bệnh lâu ngày cơ thể hư yếu, mệt mỏi yếu sức, đau lưng mỏi gối, tiêu khát…
Ăn nhiều sẽ trợ nhiệt sinh hỏa, người hỏa thịnh hoặc có chứng hỏa nhiệt không nên dùng nhiều.
Thịt gà
Thịt gà là loại thực phẩm dễ ăn, vừa phổ biến trong mâm cơm hàng ngày đồng thời cũng là loại thực phẩm không thể thiếu trong việc thờ cúng của người dân ta. Theo YHCT, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc; quy kinh Can Tỳ, Vị; có công dụng ôn trung ích khí, bổ tinh, thiêm tủy. Trị tiêu khát, tiêu chảy, phù, tiểu nhiều, người ốm yếu lâu ngày, phụ nữ sau sinh ít sữa. Gà trống tính thuần dương, thích hợp để bồi bổ cho người bệnh dương hư khí nhược. Gà mái tính thuần âm, nên dùng để tẩm bổ từ từ.
Chú ý ăn nhiều sinh nhiệt động phong, đang mắc các bệnh như ngứa, đau mắt, cảm mạo, vết thương chưa lành không nên ăn. Không nên ăn gà cùng lúc với tôm hay kinh giới do dễ sinh ra chứng ngứa.
Thịt dê
Theo YHCT, thịt dê có vị ngọt, tính nhiệt; quy kinh Thận. Có công dụng trợ nguyên dương, bổ tinh huyết, trị phế hư, ích lao tổn, bổ hư ôn trung, lưng mỏi yếu, phụ nữ bị khí hư, huyết lạnh khó mang thai.Nam giới ngũ lao thất thương, vị hư dương nuy.
Lưu ý người đang có các chứng nhiệt, hỏa thịnh như sốt, nhiễm trùng, đau răng, lở loét miệng, ho đàm vàng không nên sử dụng; phụ nữ có thai thận trọng khi sử dụng. Không nên ăn thịt dê cùng lúc với dấm, dưa hấu, bí đỏ, rượu vang đỏ, nước trà.
Thịt chim bồ câu
Theo YHCT, thịt chim bồ câu có vị mặn, tính bình; quy kinh Can, Thận. Có công dụng bổ can tráng thận, ích khí bổ huyết, khu phong giải độc, sinh tân chỉ khát, phụ nữ huyết hư bế kinh. Giúp bồi bổ cơ thể, làm mau lành vết thương.
Lưu ý chế biến chim bồ câu tốt nhất là hầm và chỉ cho thêm một ít muối để có công dụng tốt nhất, đồng thời không nên ăn quá nhiều.
Thịt ếch
Theo YHCT, thịt ếch có vị ngọt, tính mát; quy kinh Tỳ, Phế (Bàng quang, Trường, Vị - Bản thảo cầu chân). Có công dụng thanh nhiệt giải độc, bổ hư, lợi thủy tiêu thũng. Trị lao nhiệt, phù thũng, cam tật, chướng bụng, kiết lỵ, trẻ nhỏ nhiệt thương.
Lưu ý không nên ăn nhiều; người Tỳ hư, tiêu chảy, đàm thấp, ngoại cảm sơ khởi khái thấu không nên sử dụng.