1. Nguyên nhân và biểu hiện suy nhược cơ thể
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nhược cơ thể. Ở một số người lao động quá sức, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng dễ dẫn đến cơ thể suy nhược.
Đối với một số người sau khi phẫu thuật, sinh đẻ hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính nào đó… khiến suy nhược cơ thể. Một số người suy nhược cơ thể sau mắc COVID-19.
Biểu hiện của suy nhược cơ thể: Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, đôi khi có ác mộng. Có hiện tượng mỏi cơ như đau nhức cơ, chuột rút, đau lưng, mệt mỏi khi vận động. Thường thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, sợ ánh sáng.
Ngoài ra, còn có các rối loạn lo âu với cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan, mệt, uể oải, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao tái nhợt. Có cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng, sụt cân...
2. Bài thuốc trị suy nhược cơ thể
Theo sách Nam y nghiệm phương của TTƯT, lương y, DSCKII Nguyễn Đức Đoàn dùng bài "Tiên thiên thang gia giảm"
- Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Đảng sâm 10g, bạch linh 6g, bạch truật (sao) 6g, cam thảo 2g, thục địa 12g, hoài sơn (sao vàng) 12g, trạch tả 6g, mẫu đơn bì 6g, toan táo nhục 6g, đương quy 12g, đỗ trọng 4g, táo nhân (sao đen) 6g.
- Chủ trị: Cơ thể suy nhược, khí huyết hư.
- Cách dùng, liều lượng: Các vị cho vào 800ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm. Ngày uống 1 thang.
- Diễn giải bài thuốc:
-Đảng sâm vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế; có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết; trị tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng…
-Bạch linh có tác dụng kiện tỳ, hòa vị, lợi thủy và trừ thấp nên được dùng để điều trị chứng tiểu tiện khó, suy nhược cơ thể, mất ngủ, tỳ vị kém dẫn đến chứng ăn uống không tiêu, bụng đau, tiêu chảy…
-Bạch truật có vị đắng, ngọt, tính ấm, vào hai kinh tỳ, vị; có công năng kiện tỳ, vị, tiêu thực, ích khí, ráo thấp, lợi thủy, cố biểu, chỉ hãn, an thai, chỉ huyết. Trên lâm sàng, bạch truật được dùng khi tỳ vị hư nhược, tiêu hóa kém.
-Cam thảo tính bình, vị ngọt, lợi về các kinh tâm, phế, tì, thận; có công hiệu thanh nhiệt giải độc, giảm ho lui suyễn, bổ tì ích khí; phù hợp với những người tì hư, ăn ít, đại tiện lỏng, viêm loét hành tá tràng, đau bụng, gân mạch co cấp tính, viêm phế quản, ho...
- Thục địa dùng cho các trường hợp âm hư huyết hư với các chứng trạng đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể, ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm. Thục địa có tác dụng bổ huyết tư âm, dùng cho các trường hợp âm hư huyết hư với các chứng trạng đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể, di tinh di niệu, ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm...
- Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ, có tác dụng rất tốt cho người bệnh suy nhược cơ thể, chán ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa...
- Đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn, vào ba kinh: Tâm, can, tỳ; có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh.
- Đỗ trọng có tác dụng ôn thận, tráng dương, làm khỏe gân cốt, an thai, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu, trấn tĩnh giảm đau, khôi phục công năng co bóp bình thường của tử cung, tăng cường miễn dịch, lợi niệu chống viêm...
- Táo nhân vị ngọt tính bình; vào tâm, tỳ, can, đởm, có tác dụng dưỡng tâm an thần, bổ âm liễm hãn; trị bồn chồn kích ứng hồi hộp mất ngủ, đau tức vùng ngực, tim đập mạnh (kinh quý chính xung), cơ thể hư nhược, nhiều mồ hôi.
3. Món ăn bài thuốc chữa suy nhược cơ thể
Lương y Thảo Nguyên giới thiệu một số món ăn thuốc tốt cho người bệnh suy nhược cơ thể:
- Thịt bò hầm thỏ ty tử: Thịt bò 200g thái lát, thỏ ty tử 15g, bổ cốt chỉ 15g, tiểu hồi 8g. Ba vị thuốc bỏ trong túi vải xô; thịt bò thêm nước nấu sôi, cho túi thuốc vào, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, vớt bỏ túi bã thuốc, thêm chút rượu ngọt (hoặc rượu và đường trắng), gừng tươi, tương, dầu om lên là được. Dùng cho người thận dương hư, hư hàn, lạnh tay chân, ăn kém, đầy bụng, di tinh tảo tiết, liệt dương...
- Hải sâm xào đảng sâm kỷ tử: Hải sâm 200g, đảng sâm 16g, kỷ tử 12g, hành 15g, gừng tươi 10g, tỏi 5g và gia vị (xì dầu, muối, bột ngọt, rượu, dấm, ớt, tiêu, đường trắng). Đảng sâm, kỷ tử sắc hãm lấy nước; hải sâm nhúng với nước sôi, cắt khúc, rửa sạch; xào tái to lửa với gừng, hành, ớt, tiêu, sau đó cho nước cốt đảng sâm kỷ tử và các gia vị khác; om cho đến khi nước xào đậm đặc, cho bột ngọt trộn đều. Dùng cho người mất sức, suy nhược, đầu váng mắt hoa, đau lưng mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, nam giới di tinh liệt dương hư nhược.
- Hải sâm hầm thịt dê: Hải sâm 30g, thịt dê 150g. Hải sâm ngâm nước cho mềm; cả hai thứ đều thái lát thêm gia vị, nấu súp. Dùng cho người thận hư, liệt dương di tinh, tiểu dắt, người cao tuổi suy nhược, lạnh tay chân.
- Súp lươn thịt lợn: Thịt lợn nạc 100g, lươn 200g. Thịt lợn thái lát, lươn tuốt sạch nhớt, bỏ ruột, chặt khúc, thêm gia vị, hầm nhừ hoặc hấp cách thủy. Chia ăn 2 lần, trong 5 ngày.
- Canh trứng gà cà chua: Cà chua 250g, trứng gà 2 quả, nấu dạng canh hoặc xào nước. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.
- Cháo táo: Táo 1 quả, gạo tẻ 50g. Táo gọt vỏ thái lát, gạo rang chín vàng. Tất cả thêm nước nấu cháo. Dùng cho các trường hợp chán ăn, ăn kém, suy nhược cơ thể sau bệnh nặng dài ngày.
- Cháo chim bồ câu: Chim bồ câu 2 con, đông trùng hạ thảo 15g, hoài sơn 15g, long nhãn 10g, mộc nhĩ trắng 10g, hạt sen 15g, một ít gừng và đường phèn.
Cách làm: Chim bồ câu bỏ nội tạng, làm sạch lông để ráo nước. Hạt sen cho vào nồi luộc qua, dùng đũa khuấy nhanh, bóc bỏ vỏ ngoài. Mộc nhĩ trắng ngâm trong nước ấm, rửa sạch. Hạt sen và chim cho vào bát hấp, trên rắc một lớp gừng rồi cho tiếp đông trùng hạ thảo, hoài sơn, long nhãn, mộc nhĩ trắng và đường phèn vào. Đổ nước sôi vào gần đầy bát thì đậy lại, cho bát vào nồi nước sôi hầm cách thủy trong 3 giờ là dùng được. Dùng trong 1 tuần.
-Cháo long nhãn: Long nhãn 15g, đương quy 15g, thịt gà 250g, khởi tử 15g, nhục thu dung 15g. Đun cách thủy 1 giờ, ăn liền 7 ngày, mỗi ngày 1 lần. Những người suy nhược thể lực, yếu, món ăn này rất tốt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19.