Ngoài việc dùng thuốc, châm cứu, tập khí công, dưỡng sinh, người xưa cũng sử dụng nhiều món ăn - bài thuốc độc đáo để điều trị chứng loãng xương.
Món ăn - bài thuốc trị bệnh loãng xương
Trong Đông y, loãng xương thuộc chứng “cốt nuy” có liên quan tới 3 tạng là thận, tỳ và can; trong đó, tạng thận có vai trò đặc biệt quan trọng. Và cho rằng thận chủ cốt, tỳ vị là nguồn cung cấp tinh chất khí huyết cho cơ thể. Bởi vậy, khi ăn uống không hợp lý khiến dinh dưỡng thiếu, song chân tay cùng toàn thân lại ít vận động đã làm tổn hại đến tỳ vị làm cho nhiệm vụ tiêu hóa không đạt yêu cầu. Từ đó làm cho tinh huyết bị thiếu hụt nên xương khô, tủy kém mà sinh bệnh.
Chứng loãng xương theo Đông y có nhiều thể khác nhau như thận dương hư, thận âm suy tổn hay thể tỳ hư, huyết hư. Cần xác định đúng từng thể, mới có phép trị liệu đạt hiệu quả.
Dưới đây xin giới thiệu cách trị chứng loãng xương theo từng thể để cùng tham khảo và có thể áp dụng.
Thể tỳ thận dương hư: toàn trạng mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, ăn kém, chậm tiêu bụng trướng, đại tiện lỏng hoặc nát, có thể có phù nhẹ hai chân, nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt. Phép trị cần ôn bổ thận dương, cường kiện gân cốt.
Cháo chim sẻ kỷ tử
Cháo chim sẻ kỷ tử (công dụng bổ thận, ôn dương, ích tinh, làm mạnh gân xương): chim sẻ 5 con, kỷ tử 20g, đại táo 15g, gạo tẻ 60g. Chim sẻ làm thịt, bỏ lông, chân và phủ tạng rồi đem hầm với kỷ tử và gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn làm vài lần trong ngày.
Canh xương sống chó thuốc (công dụng bổ thận ôn dương, ích khí dưỡng huyết, cường gân tráng cốt): xương sống chó 200g, đẳng sâm, thỏ ty tử, thục địa mỗi thứ 10g, gia vị vừa đủ. Xương chó rửa sạch, chặt nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.
Thể bệnh thận âm hư: lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, vận động chậm chạp, ù tai, mắt kém trong ngực chộn rộn không yên, răng đau, tóc rụng, lợi sưng, tinh thần mệt mỏi, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ. Phép trị cần tư bổ thận âm, dưỡng tinh tủy.
Dùng phương bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt: đậu đen 500g, sơn thù, bạch linh, quy đầu, tang thầm, thục địa, phá cố chỉ, thỏ ty tử, hạn liên thảo, ngũ vị, kỷ tử, địa cốt bì, vừng đen, muối ăn mỗi thứ 10g. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút; các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút. Trộn 4 loại nước lại với nhau, cho đậu đen và muối vào sắc kỹ bằng lửa nhỏ cho đến khi cạn kiệt. Lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn 20 - 30g.
Hạn liên thảo (nhọ nồi)
Hay dùng phương: gồm các vị hoài sơn 10g, sơn thù 12g, đan bì 10g, trạch tả 12g, bạch linh 10g, thục địa 12g, quy bản (sao) 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, đại táo 10g, hắc táo nhân 16g, viễn chí 10g, cam thảo 12g. Ngày sắc 1 thang, chia ra làm 3 lần uống.
Thể bệnh can thận âm hư: thể trạng gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tai ù điếc, lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô, dễ bị chuột rút, tâm trạng phiền muộn, trong lòng hay bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, có thể có gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ. Phép trị bồi bổ can thận.
Phương tư âm, bổ can thận: tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ra ăn vài lần trong ngày.
Phương bổ tỳ thận, làm mạnh gân cốt: bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê, bột mẫu lệ và đường trắng lượng bằng nhau trộn đều, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ, chế thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hằng ngày.
Loãng xương thể tỳ hư: biểu hiện cơ thể gầy xanh, chân tay yếu mềm, ăn ngủ kém, hay bị lạnh bụng, phân lỏng, mình mẩy nặng nề, ngại vận động, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế. Phép trị bổ tỳ vị.
Dùng phương gồm các vị: bạch truật 12g, sơn tra 10g, thần khúc 12g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, cao lương khương 10g, sa nhân 10g, lá lốt 12g, phòng sâm 12g, bạch linh 10g, chích thảo 10g. Sắc ngày 1 thang, chia 3 lần.
Gia giảm: nếu đau đầu mất ngủ, gia hắc táo nhân 12g, viễn chí 12g. Hay sôi bụng, phân lỏng, gia: quế 8g, sinh khương 6g. Đau nhức các khớp, gia: đỗ trọng 12g, tục đoạn 12g; Ho hen mắc đờm, gia: cát cánh 12g, tía tô 16g, sinh khương 6g.
Thể huyết ứ: biểu hiện đau nhức các khớp, cơ thể mỏi mệt, da sạm, chất lưỡi tía, có thể có những điểm xuất huyết, đau mình mẩy... Phép trị cần hoạt huyết, hóa ứ, tán kết, giảm đau.
Dùng phương: gồm xuyên khung 12g, hoàng kỳ 16g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, ngải diệp 10g, huyết đằng 12g, tục đoạn 12g, phòng sâm 12g, bạch truật 12g, xa tiền 12g, uất kim 10g, hương phụ tử chế 12g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, uống 3 lần.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI