Hà Nội

Món ăn bài thuốc hỗ trợ trị viêm tuyến tiền liệt

SKĐS - Bệnh viêm tuyến tiền liệt thuộc phạm vi chứng long bế trong y học cổ truyền, với các triệu chứng tiểu rắt, tiểu khó dẫn đến bí tiểu.

1. Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, bao gồm phần tổ chức tuyến và phần tổ chức cơ; kích thước nhỏ, nặng khoảng 20g, nằm ở dưới bàng quang, bao bọc xung quanh gốc niệu đạo. Từ sau 50 tuổi, tuyến tiền liệt bắt đầu suy yếu và có xu hướng tăng sản bệnh lý: Tạo thành các khối u, lẫn vào các tuyến cạnh niệu đạo hoặc quanh niệu đạo, gây chèn ép, khiến tiểu tiện trở nên khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh viêm tiền liệt tuyến gây khó chịu cho người bệnh bao gồm: tiểu khó với các biểu hiện như tiểu khó phải rặn, tiểu lâu, tia tiểu yếu. Tiểu rắt, một bãi tiểu có khi bị dừng lại chia ra nhiều giai đoạn. Tiểu gấp hay còn gọi là tiểu không tự chủ khi cần đi tiểu thì không nhịn được. Sau khi đi tiểu, người vẫn cảm thấy khó chịu.

photo-1684420140686

Hình ảnh viêm tuyến tiền liệt (phải).

Dự phòng và chữa trị viêm tuyến tiền liệt, cần làm việc, nghỉ ngơi điều độ; thường xuyên tập thể dục, tăng cường vận động thân thể, ăn nhiều rau tươi và các thức ăn chứa nhiều xơ.

Trong trường hợp thấy xuất hiện các triệu trứng: Bụng dưới có cảm giác khác thường, không thoải mái khi nước tiểu bắt đầu phóng ra, nước tiểu phóng ra đứt quãng, không liên tục, đái sót, ban đêm đi tiểu nhiều lần... tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán đúng và điều trị tích cực.

Đối với trường hợp viêm tuyến tiền liệt, bắt đầu gây tiểu tiện khó khăn, có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc sau hỗ trợ điều trị và dự phòng:

2. Món ăn bài thuốc trị viêm tuyến tiền liệt

Bài 1: Thịt gà trống 1 con, thục địa 30g, tri mẫu 20g, ngưu tất 20g, hoàng bá 15g. Các vị thuốc thái vụn cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi nhét vào bụng gà. Tất cả đem hầm nhừ, gia vị vừa đủ, chia ăn trong ngày.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt gà có công dụng bổ ngũ tạng, kiện tỳ vị; thục địa bổ âm; tri mẫu và hoàng bá thanh nhiệt; ngưu tất trừ thấp, lợi tiểu tiện.

Bài 2: Thịt vịt 1 con, đẳng sâm 30g, hoàng kỳ 30g, thăng ma 10g, sài hồ 10g. Các vị thuốc thái vụn, đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi cho vào bụng vịt. Tất cả đem hầm nhừ, gia vị vừa đủ, chia ăn trong ngày.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt vịt có công dụng dưỡng vị, lợi thủy, khi phối hợp với các vị thuốc bổ khí mạnh như đẳng sâm, hoàng kỳ có khả năng nâng cao năng lực hoạt động của tỳ vị, qua đó gián tiếp cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện ở người bị viêm tiền liệt tuyến.

photo-1684420142199

Đỗ trọng, vị thuốc lợi tiểu, ôn thận, tráng dương.

Bài 3: Thịt ếch làm sạch 120g, tang phiêu tiêu 9g, sơn thù nhục 30g, ba kích thiên 9g, kỷ tử 15g. Các vị thuốc thái vụn. Tất cả đem hầm lửa nhỏ trong 3 giờ, thêm gia vị, ăn trong ngày.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, ếch có công dụng bổ hư ích tinh, dưỡng phế tư thận. Tang phiêu tiêu, sơn thù và ba kích đều có tác dụng bổ thận sáp niệu, giúp cho việc bài tiết nước tiểu được dễ dàng.

Bài 4: Thịt chim cút 240g, nhục thung dung 18g, sơn thù nhục 30g, phụ tử chế 9g, bạch linh 30g. Chim cút cùng các vị thuốc đem hầm nhừ trong 1 giờ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt chim cút vị mặn, tính bình, có công dụng bổ ích ngũ tạng, ích khí dưỡng huyết. Nhục thung dung, sơn thù nhục và phụ tử chế có tác dụng ôn bổ thận dương, cố tinh sáp niệu. Các vị phối hợp với nhau giúp cho chức năng điều hòa tiểu tiện của tạng thận được phục hồi

Bài 5: Tục đoạn 25g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 2 cái. Đuôi lợn cùng các vị thuốc đem hầm nhừ trong 1 giờ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, đuôi lợn có công dụng bổ khí, dưỡng huyết; tục đoạn bổ ích, can thận; đỗ trọng lợi tiểu, ôn thận, tráng dương. Các vị phối hợp với nhau có tác dụng tăng cường công năng của tuyến thượng thận, thông tiểu tiện.

Mời bạn xem thêm video:

Nắng nóng khiến nhiều người bị nhiễm nấm, viêm da -SKĐS

ThS Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn