1. Đặc điểm của chứng đau dạ dày
Biểu hiện thường gặp của bệnh lý dạ dày là đau, nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng, tức ngực, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng thủng ổ loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày thực quản...
Nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày theo Đông y thường do:
- Ăn uống không điều độ, no đói thất thường, thói quen bỏ bữa, hay ăn quá no, ăn quá nhanh.
- Dùng các thuốc có tác dụng phụ gây loét dạ dày như thuốc trị bệnh khớp, thuốc chống đông...
- Do rối loạn tình chí: Lo lắng, căng thẳng, cảm xúc tiêu cực như buồn chán, thức khuya, sang chấn tâm lý...
- Do tà khí xâm nhập gây viêm loét dạ dày.
- Do rối loạn công năng các tạng phủ: Khí uất, tỳ hư, khí trệ, can khí phạm vị, tỳ vị hư nhược... gây ra bệnh.
Đặc điểm của bệnh rất hay tái phát, vì vậy cần có phương pháp chữa bệnh toàn diện, tận gốc. Tùy thực tế bệnh nhân mà có phương pháp điều trị hiệu quả phù hợp với người bệnh.
2. Một số món ăn bài thuốc trị đau dạ dày dễ thực hiện
2.1. Lá mơ hỗ trợ chữa đau dạ dày
- Lá mơ có tên khoa học: Paederia Foetida L. hay còn gọi là mơ lông, mơ tam thể, mơ tròn…
- Theo y học cổ truyền, lá mơ có vị đắng, tính mát. Lá mơ thường được sử dụng để chữa các chứng phong thấp, đau nhức, đau bụng, kiết lỵ, phù thũng, đầy bụng, ho đàm, viêm phế quản, chậm tiêu, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng…
- Liều dùng: Lá mơ tươi 20-30g.
Món ăn từ lá mơ:
* Lá mơ trứng gà bọc lá chuối nướng: Lá mơ 1 nắm tương đương 20g rửa sạch thái nhỏ hoặc giã nát; trứng gà 2 quả, trộn đều, thêm chút muối vừa đủ, bọc trong lá chuối nướng chín (có thể không bọc lá chuối mà rán hoặc áp chảo chín với chút xíu dầu ăn).
Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn trong 1 - 2 tuần. Khi bệnh đã ổn định 1 tuần có thể ăn từ 1 - 2 lần. Người hay đầy bụng tiêu hóa kém thì dùng lá mơ và lòng đỏ trứng gà làm món ăn.
* Bài thuốc từ lá mơ chữa đau dạ dày: Lá mơ tươi 20g rửa sạch giã nát lọc lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 lần, uống từ 10-20 ngày.
2.2. Cây lá khôi tía
- Tên khoa học: Ardisia sylvestrics Pitard, tên gọi khác khôi nhung thuộc họ Đơn nem.
- Tính vị qui kinh: Vị nhạt, tính bình quy kinh tỳ, vị.
- Chủ trị: Giáng vị khí, hòa vị, chỉ thống.
- Cách dùng: Chữa đau dạ dày thể đa toan, ợ hơi, ợ chua.
Bài thuốc dùng lá khôi chữa đau dạ dày:
* Lá khôi tía rửa sạch, phơi sấy khô, tán bột. Mỗi ngày uống 12-16g chia 3 lần, uống trước ăn 30 phút.
* Lá khôi 12g, bồ công anh 10g, khổ sâm 10g, cùng với 1.500ml sắc chia 3 lần uống trong ngày, uống trước ăn 30 phút.
2. 3. Cây xương khỉ
Loại cây này mọc hoang, dễ trồng, sinh trưởng ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều gia đình trồng trong chậu cảnh vừa làm rau ăn.
- Tên khoa học: Clinacanthus nutans (Burm.f.) họ Ô rô, còn có tên là cây bìm bịp, cây mảng cộng, cây gắn với sự tích về chim bìm bịp tự chữa khỏi gãy xương nhờ cây xương khỉ, còn gọi là cây liền xương.
- Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính bình, có mùi thơm, qui kinh can, thận.
- Cây xương khỉ có thành phần trị bệnh lý dạ dày thực quản, viêm họng, các bệnh lý gan mật, các bệnh lý tiêu hóa, bệnh ngoài da, bệnh do rối loạn chuyển hóa...
- Khi bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa có thể ăn sống, ngọn và lá cây nấu canh, luộc ăn, rau xương khỉ còn được người dân ăn kèm với lẩu cá, canh cua, canh thịt băm, canh tôm, lá khô dùng ướp bánh...
Bài thuốc chữa đau dạ dày từ cây xương khỉ:
* Cây xương khỉ tươi 20-30g, cây xương khỉ phơi khô 10-15g, đun với 1.500 ml nước uống chia 3 lần trong ngày.
2. 4. Các món cháo
* Hạt sen tươi 20g, khiếm thực 30g, gạo tẻ 30g, nấu cháo, khi nhừ rồi thêm đường cho vừa khẩu vị rồi ăn.
* Kê 50g, đậu đỏ 30g, gạo lứt đỏ 30g. Hạt phơi khô cần ngâm 30 phút cho hạt nở ra, nấu nhừ thành cháo, thêm đường phèn vừa đủ để ăn.
* Củ mài tươi 30g, hạt sen tươi 20g nấu cháo, thêm đường phèn vừa đủ.
Ngoài các phương pháp điều trị chính, người bệnh cần chú ý:
- Giữ sinh hoạt điều độ, thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn và dễ tiêu.
- Giữ tinh thần lạc quan, lối sống lành mạnh, tích cực, không thức khuya, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các chất gây nghiện...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo: Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) thời điểm giao mùa.