Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể sử dụng đồ ăn để dưỡng phế, bổ phế. Dưới đây là 2 món ăn bài thuốc có tác dụng dưỡng phế, bổ phế.
1. Sắn dây kết hợp với đậu xanh dưỡng phế
Cát căn là tên gọi Y học cổ truyền của sắn dây.
Tên khoa học là: Radix Puerariae, thuộc họ Đậu cánh bướm (Fabaceae).
Sắn dây là loài dây leo, sống lâu năm. Rễ phát triển thành củ dài, to. Lá và cuống lá hơi có lông. Lá kép, mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy. Cụm hoa hình chùm mọc ở kẽ lá gồm nhiều loại hoa màu xanh tím, thơm. Quả giáp dẹt màu vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt.
Bộ phận sử dụng là phần rễ sắn dây đã phơi khô hoặc sấy khô.
Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, cay, tính bình. Qui vào kinh tỳ, vị, phế.
Tác dụng: Sinh tân chỉ khát, tán nhiệt, giải cơ, thăng dương khí.
Ứng dụng lâm sàng:
Với người hao tổn tân dịch, khát nước khi gặp sốt cao.
Cách nấu:
Dùng riêng bột sắn dây: Lấy 4 - 8g bột sắn dây pha với nước, dùng 1 lần/ngày. Có thể thêm 1 thìa cà phê đường (tùy khẩu vị).
Có 2 cách pha.
Cách 1: Pha bột sắn dây với 10ml nước lọc, đến khi sắn dây hòa tan hoàn toàn, thêm 200ml nước sôi, khuấy đều tay, cho đến khi bột sệt lại, bột trong; là có thể sử dụng được.
Cách 2: Đun 250ml nước sôi trên bếp, sau đó cho bột sắn dây vào, nấu bột cho đến khi bột sánh, trong, là có thể dùng được.
Dùng bột sắn dây kết hợp với đậu xanh: Lấy 1 nắm đậu xanh cả vỏ, ngâm nước với chút muối, ngâm khoảng 2 giờ. Sau đó vớt đậu xanh, nấu đậu xanh mềm nhừ. Dùng 10g bột sắn dây, pha với chút nước lọc, hòa tan bột sắn dây hoàn toàn, sau đó cho vào nồi cháo đậu xanh khuấy đều. Có thể bỏ chút đường.
Lưu ý: Không sử dụng sắn dây với người thể trạng bốc hỏa lâu ngày; đang hạ huyết áp; các trường hợp khô khát nước nhưng không đồng thời sốt cao. Không sử dụng sắn dây khi còn sống, nên dùng khi đã chín. Không dùng kéo dài.
2. Cháo bách hợp hạnh nhân
Bách hợp có tên khoa học là Bulbus Lilii, họ Hành Liliaceae.
Bộ phận sử dụng là rễ phơi khô hoặc sấy khô của cây bách hợp.
Bách hợp là cây thân thảo cao khoảng 0,5m. Cây có hình dáng giống hoa loa kèn. Hoa màu trắng hoặc màu hồng nhạt. Cây thường mọc hoang ở một số vùng núi.
Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính lạnh. Qui kinh tâm và phế.
Tác dụng: Nhuận phế, an thần, nhuận tràng và lợi niệu.
Ứng dụng lâm sàng:
Chữa ho kéo dài do phế khí hư, âm hư gây ho, ho ra máu, ho có đờm, đờm có máu. Viêm khí quản. Giúp cải thiện giấc ngủ, hạn chế mất ngủ, hồi hộp, sợ hãi.
Cách nấu:
Nấu 1 nắm gạo tẻ, chín nhừ thành cháo loãng, cho 15g hạnh nhân đã bỏ vỏ và 10g bách hợp vào khuấy đều. Nấu 01 lần, chia làm 2 lần ăn trong ngày.
Lưu ý: Không dùng bách hợp với người đang sốt cao, sợ gió, sợ lạnh, cảm mạo phong hàn; tỳ vị hư hàn, đầy chướng bụng, tiêu hóa kém, đi phân sống.
Ngoài việc dùng các món ăn bài thuốc có tác dụng dưỡng phế, bổ phế như trên, có thể kết hợp luyện tập các bài tập thở, giúp giãn nỡ lồng ngực, tăng cường cơ hô hấp, tạo kiểu thở đúng; giúp cơ hoành khỏe…
Các bài tập thở như thở ngực, thở bụng, thở mím môi, các bài tập thở kết hợp vận động…
Xem thêm video đang được quan tâm:
[LIVE] 💥 🍀 🍀 🍀 Bổ phế trong phòng và trị ho ở người cao tuổi.