1.Đặc điểm của cây sả
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, sả còn gọi là cỏ sả, lá sả, sả chanh, hương mao.
Tên khoa học Cymbopogon nardus Rendl (sả) - Cymbopogon flexuosus. Stapf (sả chanh); thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi, cao từ 0,8-1,5m hay hơn. Thân rễ trắng hay hơi tím. Lá hẹp, dài giống như lá lúa, mép hơi nháp. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt mùi sả.
Cây sả được trồng ở khắp nước ta, nhưng diện tích trồng làm thuốc không nhiều, chỉ có tính chất gia đình và chỉ dùng rễ hoặc toàn cây đào về dùng tươi hay phơi trong râm mát.
Trong sả có 1 đến 2% tinh dầu.
2. Công dụng chữa bệnh của cây sả
Tinh dầu sả dùng làm thuốc giúp tiêu hóa tốt, đuổi muỗi, còn dùng trong công nghiệp chất thơm, làm nước hoa, xà phòng thơm…
Lá sả dùng pha nước uống cho mát và dễ tiêu hóa thức ăn.
Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa cảm sốt.
Ngày dùng 15 đến 30g củ sả hay lá sả dưới dạng thuốc sắc hay nấu nước xông.
3. Cách dùng sả làm thuốc
Theo TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thực nghiệm, Viện Y học cổ truyền Quân đội cách dùng sả làm thuốc và món ăn có sả như sau:
- Nồi nước xông cảm cúm, sốt, nhức đầu: Lá sả 50g, lá tre 50g, cúc tần 50g, lá bưởi 50g, hương nhu 50g... Nấu nước xông.
-Nước gội đầu: Lá sả 50g, mần trầu 50g, bồ kết 10 quả. Nấu nước gội đầu, làm trơn tóc sạch gàu, phòng tránh bệnh về tóc và da đầu.
- Trị tiêu chảy: Rễ sả, củ gấu, vỏ rụt, vỏ quýt, hậu phác mỗi vị 6 - 12g. Sắc uống trong ngày.
- Trị chàm: Rễ sả 30 - 50g, giã nát xát lên vết chàm trẻ em.
- Chữa đầy bụng: Tinh dầu sả 3 - 6 giọt. Nhỏ vào cốc nước cho uống, chữa đầy bụng, đau bụng.
3. Một số món ăn có sả tốt cho người bệnh gan
- Ốc xào sả ngó sen: Ốc hương (hoặc ốc nhồi) 2kg, ngó sen 200g, củ sả 2 - 3 củ.
Ốc ngâm, rửa sạch, luộc chín, đập khêu lấy ốc thịt, bỏ vỏ xác; ngó sen ngâm chua thái lát để sẵn; sả đập thái vụn; thêm ít gừng, ớt xanh và các gia vị khác, đem ướp trộn đều với ốc, để trong 10 - 15 phút. Chuẩn bị thêm nước sốt có gừng tỏi, chanh, tiêu, ớt và ngó sen ngâm chua.
Đem ốc đã ướp gia vị sả gừng ớt xào lại trên chảo cho ngấm mắm muối, đổ ra bát, đổ nước sốt lên mặt bát ốc vừa xào là được. Đây là món ăn đặc sản và dùng cho các trường hợp viêm gan vàng da, viêm đường tiết niệu, ho viêm họng.
-Bò nướng ướp sả: Thịt bò 1kg, sả 3 - 5 củ (cả lá non), hành tây 1 củ, lá lốt và xương sông vừa đủ.
Thịt bò thái mảnh dài 8cm, ngang 4cm để sẵn; sả băm nát vụn, cùng bột tiêu, tỏi củ giã nát, dầu vừng, bột cari, xì dầu, liều lượng thích hợp, trộn đều với thịt bò, ướp trong 30 phút đến 1 giờ. Hành tây thái lát nhỏ, lá lốt, xương sông rửa sạch.
Đặt từng miếng thịt bò đã ướp trên thớt hoặc khay, cho hành tây, lá lốt xương sông vào giữa và cuộn lại đem nướng trên lửa than. Ăn thêm cùng với nước chấm gừng tỏi, dưa leo, khế chua và các loại rau salad.
Dùng làm món ăn đặc sản và cho trường hợp ăn kém chậm tiêu, viêm gan vàng da, viêm khí phế quản.
- Cá nấu sả: Cá lóc 1 - 1,5kg, sả 3 - 5 củ, khoai lang, khoai tây, cà chua, mỗi thứ 1 - 3 quả, gừng tươi 1 củ. Cá làm sạch cắt khúc, ướp với nửa gói cari và sả đập giập băm nhỏ, ít muối mắm, đường, hành, tỏi; khoai lang, khoai tây gọt vỏ thái lát to (2 x 4cm), cà chua bổ đôi, gừng đập giập.
Cho cá lóc đã ướp sả và bột cari vào, rán qua, cho khoai và cà chua vào xào lại. Sau đó thêm nước gia vị thích hợp, hầm nhừ. Dùng cho các trường hợp phù nề, vàng da, ho sốt...
-Ếch ướp sả xào lăn: Ếch 1kg, sả 2 - 3 củ. Ếch làm sạch, chặt thành từng miếng vừa miệng ăn, ướp thịt ếch với sả đã băm nhỏ, thêm bột cari, muối, tiêu, dầu vừng và gia vị thích hợp, trộn đều, để khoảng 15 - 30 phút. Chuẩn bị thêm mùi tàu, ớt, gừng, tỏi tươi, lạc rang giã vụn, mắm và các gia vị thích hợp. Để chảo nóng, đun sôi dầu rán, cho ếch vào xào nhanh to lửa cho chín, cho mùi tàu, cari, ớt, gừng, tỏi gia vị, cho ít nước, đun cho chín nhừ, nước sánh lại.
Dùng cho các trường hợp phù nề, suy nhược cơ thể, sốt nóng.
Ngoài ra, các món ăn nấu từ thịt chó, thịt dê, các món cá mắm cũng thường được chế biến với sả để khử mùi vị khó chịu, làm ngon miệng, dễ tiêu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 thói quen sau ăn hại dạ dày ghê gớm, người Việt hay mắc phải.