Trong chứng bệnh thiếu máu ở trẻ nhỏ, thường gặp nhiều nhất là bệnh thiếu máu thiếu sắt. Trẻ có sắc mặt trắng xanh, môi, móng tay nhợt nhạt, cơ bắp nhẽo. Trẻ thường mệt mỏi, biếng chơi, không chịu ăn, bứt rứt. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị thiếu máu mạn tính kèm theo các triệu chứng như gan, lách sưng to, bụng ỏng, ống chân nhỏ, số lượng hồng cầu thấp, sắt trong huyết thanh hạ thấp. Nguyên nhân là do trẻ bị mất máu mạn tính do mắc bệnh giun sán dẫn đến khả năng hấp thụ sắt quá kém…; lượng sắt hấp thụ không đầy đủ do ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc ăn uống không hợp lý… Y học cổ truyền coi thiếu máu thiếu sắt của trẻ là một bệnh thuộc chứng cam, bị cảm nhiễm trong quá trình nuôi dưỡng. Sau đây là những món ăn bài thuốc tốt cho trẻ mắc bệnh này, các bà mẹ có thể tham khảo áp dụng.
Cháo gan gà: Gan gà 2 bộ, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Gan gà băm nhỏ, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật cho chín. Gạo xay thành bột cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho gan gà vào đảo đều, cháo sôi lại cho bột ngọt vào là được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại cho ăn tiếp 10 ngày.
Cháo tiết gà: Tiết của 1 con gà, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Tiết gà cắt thành miếng nhỏ, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật cho chín. Gạo xay thành bột, đổ nước vừa đủ, khuấy đều trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho tiết gà, bột ngọt vào là được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần lúc đói. Ăn liền 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại ăn tiếp 10 ngày.
Cháo xương ống chân dê: Xương ống chân dê 2 cái (chân trước), táo tàu 10g, gạo tẻ 50g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Xương ống chân dê làm sạch đập dập, cho vào nồi, đổ nước ninh thật kỹ, chắt lấy nước ngọt và phần thịt mềm. Táo tàu bỏ hạt giã nhỏ, gạo xay thành bột, tất cả cho vào nước xương ống chân dê, quấy đều đun trên lửa nhỏ. Cháo chín cho bột ngọt, bột gia vị quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 10 - 15 ngày.
Cháo lươn: Lươn 200g, gạo 50g, gừng 5g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Lươn làm sạch bỏ nội tạng, bỏ đầu từ mắt trở lên, bỏ đuôi từ hậu môn xuống. Cho lươn vào bát to, hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt nạc. Gừng giã nhỏ lọc lấy 1 thìa canh nước cùng bột gia vị cho vào thịt lươn trộn đều, dùng dầu thực vật xào cho khô. Xương lợn giã nhỏ lọc lấy nước ngọt. Gạo xay thành bột cho vào nước lọc xương lươn đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho thịt lươn, bột ngọt vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn khoảng 15 – 20 ngày.
Ngó sen hầm xương lợn. |
Ngó sen hầm: Xương ống chân lợn 300 – 500g, ngó sen 150g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Xương ống chân lợn đập dập cho vào nồi thêm 500ml nước ninh cho thật nhừ, lọc lấy thịt và chắt lấy 300ml nước ngọt. Ngó sen rửa sạch nạo thành sợi nhỏ, cho vào nước xương đun sôi kỹ, trước khi ăn cho bột ngọt, bột gia vị vào quấy đều. Chia làm 2 lần ăn trong ngày lúc đói, có thể ăn với cơm. Cần ăn liền 15 – 20 ngày.
Ba ba hấp: Ba ba 1 con (250 – 300g), củ mài 30g, long nhãn 15g, bột gia vị vừa đủ. Ba ba sống dội nước sôi để ba ba bài hết nước tiểu, mổ bụng, bỏ hết nội tạng rửa sạch, củ mài thái nhỏ, long nhãn, bột gia vị cùng cho vào bụng ba ba đem hấp cách thủy. Khi ba ba chín, chia 2 lần cho trẻ ăn trong ngày. Cách 3 ngày ăn 1 ngày. Cần ăn liền 3 – 5 lần.
Chim bồ câu hấp: Chim bồ câu 1 con, phòng đảng sâm 15g, đương quy 20g, bột gia vị vừa đủ. (Nếu không có phòng đảng sâm, đương quy có thể thay bằng hạt sen, long nhãn). Chim bồ câu chọn con mới biết bay, làm sạch, bỏ nội tạng, cho phòng đảng sâm, đương quy, bột gia vị vào bụng chim khâu kín, đem hầm cách thủy, chim chín cho trẻ ăn làm 2 lần trong ngày. Cách 2 ngày ăn 1 ngày. Cho trẻ ăn khoảng từ 5 – 10 con.
Mộc nhĩ đen hấp táo tàu. |
Mộc nhĩ đen hấp: Mộc nhĩ đen 15g, táo tàu 15 quả, thịt lợn nạc 50g, đường trắng 10g. Mộc nhĩ đen ngâm nước nóng, rửa sạch thái thật nhỏ, táo tàu bỏ hạt thái nhỏ, thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ, tất cả cho vào bát trộn đều với đường trắng, đem hấp cách thủy. Khi thịt chín cho trẻ ăn ngày 1 lần. Cần ăn liền 10 – 15 ngày.
Lưu ý: Khi trẻ mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt cần tăng cường các thức ăn, nước uống có nhiều sắt như rau muống, các loại đậu, trứng gà, vịt, chim, thịt nạc, gan động vật, tiết gà, tiết vịt… và các loại quả tươi có nhiều vitamin A, C như cam, quýt, táo, cà chua, cà rốt, gấc, dưa chuột, cải xanh… Không cho trẻ ăn nhiều mỡ động vật, trái cây có nhiều dầu, các chất cay nóng khó tiêu.
Lương y Đình Thuấn