Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đau thắt ngực là do nhu cầu về máu của cơ tim vượt quá lượng máu được cung cấp từ động mạch vành và thường do động mạch vành bị xơ vữa.
Đông y xếp chứng bệnh này vào phạm vi chứng tâm thống. Nguyên nhân do nội nhân và ngoại nhân. Nội nhân chủ yếu do tuổi cao, chức năng của 3 tạng tâm, tỳ và thận bị suy yếu, âm dương khí huyết không đầy đủ, khiến cho tâm mạch bị nghẽn tắc mà gây nên bệnh. Ngoại nhân chủ yếu do nhiễm lạnh đột ngột, ăn quá no, tình chí kích thích quá mạnh hoặc làm việc quá mệt nhọc, khiến cho tâm mạch bị nghẽn tắc mà gây nên bệnh.
Người bệnh có những triệu chứng điển hình là bỗng nhiên đau thắt ở ngực trái – vùng trước tim và sau xương ức; đau thường lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái hoặc ra sau lưng. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, khi phải gắng sức, bị nhiễm lạnh, ăn uống quá no say, tình cảm kích động mạnh. Ngoài việc dùng thuốc theo y học hiện đại, người bệnh nên ăn uống các món sau để hỗ trợ điều trị.
1. Chè đậu xanh cát căn: đậu xanh 50g, gạo nếp ngon 40g, bột sắn dây 12g, đường trắng vừa đủ, gừng tươi 2 lát. Đậu xanh và gạo nếp nấu thành cháo cho chín kỹ. Bột sắn dây hòa nước lạnh cho tan hết, rồi đổ vào nồi cháo, quấy cho chín đều, cho đường và gừng vào là được. Múc ra bát, ăn nguội. Công dụng: thanh tâm dưỡng tâm, bổ trung ích khí. Phù hợp cho những người đau thắt ngực kèm theo khó thở, lo âu, trằn trọc ít ngủ.
2. Cháo bồ câu, đan sâm, lạc tiên: chim bồ câu 1 con, gạo tẻ 60g, đan sâm 20g, lạc tiên 20g, gia vị vừa đủ. Chim bồ câu làm sạch lông bỏ nội tạng. Đan sâm và lạc tiên sắc lấy nước bỏ bã, cho nước thuốc cùng gạo và thịt chim hầm thành cháo, nêm gia vị, rau thơm ăn nóng. Công dụng: chim bồ câu bổ tinh huyết, tăng cường sinh lực, đan sâm bổ khí hoạt huyết, làm lưu thông huyết mạch, chống huyết khối. Lạc tiên dưỡng tâm an thần. Các vị hợp lại tác dụng hoạt huyết thông mạch, bổ khí giảm đau, chống co thắt, dưỡng tâm an thần dịu đau, hết lo âu, hoảng hốt.
Cháo bồ câu đan sâm.
3. Canh thịt nạc, lá dâu: thịt lợn nạc 100g, lá dâu non 60 - 70g, gia vị vừa đủ. Thịt nạc rửa sạch băm nhỏ, lá dâu non rửa sạch thái ngắn. Hai thứ nấu thành canh, nêm gia vị ăn cùng với cơm. Công dụng: thịt nạc giàu dinh dưỡng. Lá dâu tính mát bổ âm, bổ tâm, nhuận phế. Dùng món này người bệnh bớt căng thẳng, giảm đau, êm dịu thần kinh, ngủ ngon.
4. Trứng vịt lộn hầm ngải cứu: trứng vịt lộn 5 quả, lá ngải cứu non 60g. Trứng vịt lộn luộc cho chín. Lá ngải cứu rửa sạch. Trứng bỏ vỏ cùng ngải cứu thêm một chút rượu trắng và mắm muối, cho vào nồi hầm cho chín kỹ là được. Ăn lúc còn nóng. Công dụng: trứng vịt lộn bổ dưỡng cho cơ thể và tim mạch. Lá ngải cứu tính hơi ôn, tác dụng hoạt huyết bổ huyết, chống kết tập tiểu cầu, thông huyết mạch. Món này phù hợp với những người bị đau thắt ngực, thiểu năng vành, có triệu chứng khó thở, lo âu sợ hãi, rạo rực khó ngủ.
Lương y Trịnh Văn Sỹ