Món ăn, bài thuốc bổ máu

Ngoài việc sử dụng thuốc còn rất chú trọng sử dụng phối hợp dược phẩm và thực phẩm để tạo thành các món ăn cho dược thiện tốt, nhằm điều trị hỗ trợ và duy trì một cách tích cực đủ lượng máu nuôi cơ thể.

Theo y học cổ truyền, thiếu máu thuộc phạm vi các chứng hư lao, huyết chứng, nội thương phát nhiệt... Ngoài việc sử dụng thuốc còn rất chú trọng sử dụng phối hợp dược phẩm và thực phẩm để tạo thành các món ăn cho dược thiện tốt, nhằm điều trị hỗ trợ và duy trì một cách tích cực đủ lượng máu nuôi cơ thể.

Sau đây là những món ăn cho thuốc dùng được cả cho người lớn và trẻ em bị thiếu máu. Tuỳ điều kiện mà lựa chọn sao cho thích hợp, hiệu quả và thuận tiện nhất.

Bài 1: Gà hầm tam thất: Thịt gà 150g, tam thất 10g, gừng tươi 10g. Thịt gà chặt miếng nhỏ, tam thất thái mỏng, gừng giã nát. Tất cả cho vào bát to, đổ đủ nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thuỷ trong hai giờ. Nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Gà hầm tam thất.

Bài 2: Gan lợn xào nấm mèo đen: gan lợn 400g, nấm mèo đen 80g, dưa chuột 100g. Hành, gừng, bột nêm, bột năng, dầu mè mỗi thứ vừa đủ. Nấm mèo đen ngâm nở, để ráo nước. Gan lợn rửa sạch, bỏ màng, thái lát. Dùng bột năng, bột nêm trộn đều với gan. Dưa chuột rửa sạch, thái lát xéo, hành cắt đoạn, gừng thái sợi. Đổ dầu vào chảo, chờ dầu nóng, thêm hành và gừng vào xào thơm. Đổ nấm mèo đen vào xào chín. Sau đó đổ gan lợn vào đảo đều, thêm bột nêm, dưa chuột, xào lại rồi đổ ít dầu mè lên.

Bài 3: Cháo gan: Gan động vật có thể gan lợn, gà... tuỳ thích 50g, rửa sạch, thái miếng nhỏ. Gạo nếp 50g, cho nước vào nấu thành cháo nhừ cùng gan. Cháo sánh là ăn được.

Cháo gan.

Bài 4: Cháo gà nấu hoàng kỳ: Gà mái một con khoảng 500g, hoàng kỳ 15g, gạo tẻ 100g (thực đơn cho cả nhà). Gà mái làm sạch, đun lấy nước đặc. Sắc hoàng kỳ lấy nước riêng. Sau khi trộn hai thứ nước này, nếu thiếu cho thêm nước, rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Ăn nóng vào sáng và tối.

Bài 5: Chè mộc nhĩ đen: Mộc nhĩ đen 15g, hồng táo 20 quả. Mộc nhĩ đen ngâm cho nở. Sau đó cho mộc nhĩ và hồng táo vào bát to, đường phèn một chút, đem hấp cách thuỷ sau một giờ là được.

Bài 6: Chè đậu xanh táo đỏ: Đậu xanh 50g, táo đỏ 50g, đường vừa đủ. Đậu xanh ngâm nước khoảng hai giờ, táo đỏ rửa sạch. Bắc nồi lên bếp, thêm nước, đổ đậu xanh và táo đỏ vào, nấu lửa nhỏ cho đến khi đậu nở, táo đỏ phình đầy, nêm đường.

Chè đậu xanh táo đỏ.

Bài 7: Chè hà thủ ô trứng gà: Hà thủ ô 50g, trứng gà hai quả rửa sạch vỏ, đường vừa đủ. Cho hà thủ ô và trứng gà vào nồi đun nhỏ lửa trong 30 phút, sau đó bóc vỏ trứng rồi lại cho vào đun tiếp khoảng 60 - 90 phút, thêm đường vào.

Lưu ý khi chế biến, da gà chứa nhiều chất mỡ, trước khi nấu tốt nhất loại bỏ hay sau khi nấu thì vớt váng trên bề mặt. Ngoài ra, gan động vật nói chung và gan lợn nói riêng, tuy chứa nhiều chất sắt, giúp tạo ra tế bào hồng cầu nhưng cũng chứa khá nhiều cholesterol, vì vậy người đang bị tăng huyết áp, mỡ máu, bệnh mạch vành nên hạn chế sử dụng. Những người nào của tiền sử các bệnh mạn tính khi lựa chọn các bài thuốc trên phải đến thầy thuốc để được tư vấn.


BS. Võ Thị Thu
Ý kiến của bạn