Theo đó, vắc xin cúm mùa có tên gọi IVACFLU-S do IVAC ngừa được các 3 chủng virus cúm thông thường gồm: chủng A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.
Quy trình sản xuất chủng vắc xin được thực hiện bằng cách cấy chuyền nhiều đời trên trứng gà với chủng ngừa virus cúm phù hợp với khuyến cáo của WHO và đã được thẩm định đạt các tiêu chuẩn chất lượng.
Nếu được cấp đăng ký lưu hành, vắc xin này sẽ được bán với giá từ 80.000-120.000 đồng/liều, chỉ bằng 1/3 giá vắc xin cúm mùa nhập khẩu.
Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cho thấy vắc xin cúm IVACFLU-S do IVAC Nha Trang sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng; đạt yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam.
Với thành công này, IVAC Nha Trang đề xuất cơ quan quản lý nhà nước công nhận dây chuyền sản xuất vắc xin cúm ở quy mô 1,5 triệu liều/năm tại IVAC đủ điều kiện sản xuất vắc xin cúm dự tuyển sử dụng cho người. Dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa có thể sản xuất và cung ứng trên quy mô lớn, sẵn sàng ứng phó khi có các biến thể virus cúm mới gây dịch hoặc dịch xuất hiện.
Ảnh minh họa.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên (thường là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh… Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân.
Biểu hiện của bệnh chủ yếu là hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt, ho, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng (viêm phổi…) và có thể dẫn đến tử vong. Một số chủng cúm đã có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Giữ ấm cơ thể trong mùa đông, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca mắc cúm thường. Nhiều người chủ quan cho rằng cúm mùa không nguy hiểm nhưng khi nhiễm virus cúm mùa cũng có tỉ lệ tử vong cao.
Từ đầu năm đến nay, tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa nhi đã có hàng trăm bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm khi đến khám. Trong khi đó, với người trưởng thành, nhiều bệnh nhân mắc cảm cúm mùa thường chủ quan, khi nặng mới đến bệnh viện khám thì đã viêm phổi nặng, suy hô hấp dẫn đến tử vong.