Mối tương quan giữa rối loạn giấc ngủ và thừa cân - béo phì

21-10-2019 10:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thừa cân, béo phì và rối loạn giấc ngủ có vẻ như chẳng có gì liên quan, song chúng lại có một mối liên hệ mật thiết, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau mà ít người biết...

Thừa cân hoặc béo phì là thuật ngữ y khoa nhằm chỉ tình trạng thừa cân và có nhiều mỡ trong cơ thể. Nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, điều này có nghĩa là bạn đang có quá nhiều chất béo trong cơ thể. Theo thời gian, thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ đối với nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh tim mạch, chuyển hóa. Ngoài ra, thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và tăng nguy cơ của các rối loạn về giấc ngủ như ngáy ngủ, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không nghỉ khi ngủ...

Những rối loạn giấc ngủ do thừa cân, béo phì

Ngáy ngủ: Một trong những rối loạn thường gặp nhất do thừa cân, béo phì là chứng ngáy ngủ. Ngáy chỉ đơn giản là luồng không khí hỗn loạn. Hãy tưởng tượng hơi thở của bạn như một dòng sông. Khi dòng sông chảy sâu êm ái, khó có một gợn sóng trên bề mặt. Tương tự, đường thở thông suốt không gây tiếng ồn. Tuy nhiên, khi dòng chảy bị tắc nghẽn, kết quả sẽ hỗn loạn. Trong đường hô hấp của bạn, luồng không khí bị gián đoạn sẽ trở nên ồn ào và dẫn đến ngáy. Điều này có thể do có vật cản dọc theo đường thở như áp lực đè lên đường thở do béo phì, amiđan to hoặc các tổ chức bạch huyết tăng sinh, lệch vách ngăn mũi, hàm dưới nhỏ hoặc lưỡi lớn...

Trẻ bị các rối loạn giấc ngủ do thừa cân.

Trẻ bị các rối loạn giấc ngủ do thừa cân.

Chứng ngưng thở lúc ngủ: Khi đường thở trở nên dễ tắc nghẽn, luồng không khí hoàn toàn có thể chấm dứt. Tình trạng này sẽ dẫn đến tạm dừng trong hơi thở gọi là ngưng thở và hay gặp ở những người thừa cân, béo phì. Có những triệu chứng phiền toái do chứng ngưng thở khi ngủ ban đêm gây ra như buồn ngủ ban ngày quá mức, rối loạn các vấn đề về tập trung, trí nhớ và tâm trạng... Ngoài ra, còn có những hiệu ứng nghiêm trọng hơn như làm tăng nguy cơ suy tim, tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngưng thở khi ngủ tương quan thuận với nguy cơ đột quỵ và đột tử. Trẻ em phải đối mặt với hậu quả xấu làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển.

Giảm thông khí: Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, khó thở vào ban đêm có thể dẫn đến giữ lại nhiều carbon dioxide cho suốt ngày hôm sau. Carbon dioxide thường bị đẩy ra khỏi cơ thể khi chúng ta hít thở sâu đầy đủ. Ở một số người thừa cân, béo phì, điều này trở nên bị tổn hại trong giấc ngủ đến mức không thể nào đủ lượng oxy trong lúc tỉnh táo. Tình trạng này được gọi là hội chứng giảm thông khí do béo phì. Giảm thông khí làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch cũng như tăng nguy cơ tử vong.

Hội chứng chân không nghỉ: Ngoài khó thở, trọng lượng cơ thể có thể có tác động khác lên giấc ngủ. Hội chứng chân không nghỉ đặc trưng bởi sự khó chịu ở chân vào buổi tối đi kèm với sự thôi thúc chuyển động chân để làm giảm triệu chứng. Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn của hội chứng chân không nghỉ như thiếu sắt. Một trong những nguyên nhân có liên quan đến tăng nguy cơ hội chứng chân không nghỉ là thừa cân, béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy một chất hóa học trong não được gọi là dopamine có thể được tham gia vào cơ chế bệnh sinh của hội chứng chân không nghỉ.

Ngủ kém có thể gây tăng cân, béo phì

Cuối cùng, dường như có một mối quan hệ ngược giữa giấc ngủ và thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ thông qua chứng ngáy, ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không nghỉ nhưng ngược lại, một số rối loạn về giấc ngủ có thể góp phần vào chứng béo phì.

Một tình trạng rối loạn hay gặp là rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ. Trong rối loạn này, người bị ảnh hưởng trở nên ăn nhiều lần và ăn số lượng lớn. Các loại thực phẩm tiêu thụ có nhiều calo và đường. Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ không đầy đủ có thể dẫn đến những thay đổi nội tiết tố làm gián đoạn sự trao đổi chất. Hơn nữa, giấc ngủ bị gián đoạn có thể dẫn đến kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Do đó, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ có chất lượng kém có thể làm tăng cân nặng và tăng quá trình tích mỡ.

Để giảm thừa cân, béo phì, cần có chế độ ăn kiêng, tập luyện thể dục thể thao chăm chỉ, ngủ ít nhất 6 giờ nhưng không quá 8 giờ mỗi đêm. Quản lý căng thẳng vì điều này có thể dẫn đến ăn quá nhiều và chuyển hóa chậm hơn. Nếu bạn có chỉ số BMI trên 30, có thể phải giảm cân theo chỉ định của bác sĩ. Cười và có một quan điểm sống tích cực mỗi ngày...


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn