Hà Nội

Môi trường sau lũ ngổn ngang trăm bề

20-10-2017 07:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay nước lũ hầu hết đã rút tại các địa phương. Đây là thời điểm ngành y tế các địa phương đang khẩn trương vào cuộc khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Nước sạch, phun thuốc làm sạch vệ sinh môi trường, tổ chức ứng trực và khám chữa bệnh thông thường ngay cho dân tại các trạm y tế xã đang được khẩn trương thực hiện.

Trong đợt mưa lũ vừa qua một số huyện như Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ của Hà Tĩnh bị ngập lụt và ảnh hưởng nặng nề. Sau khi lũ rút, Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cùng Đội phòng chống dịch cơ động đã phối hợp với các Trung tâm YTDP huyện trực tiếp đi giám sát dịch bệnh và hướng dẫn cán bộ y tế xã, y tế thôn thực hiện xử lý nguồn nước cho các hộ dân vùng ngập lụt theo phương châm “nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó”. BS. Nguyễn Chí Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Hà Tĩnh  cho biết, trong những ngày này và thời gian tiếp theo, Đội phòng chống dịch cơ động của tỉnh sẽ bám sát địa bàn cùng với cán bộ Trung tâm YTDP các huyện trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý các giếng nước còn lại để người dân có nguồn nước sạch dùng cho gia đình và hướng dẫn người dân tổng vệ sinh môi trường, xử lý xác súc vật chết. Đồng thời cấp hóa chất khử khuẩn, hóa chất diệt côn trùng; theo dõi tình hình dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ. Trong thời gian ngắn, đơn vị cùng y tế cơ sở đã hướng dẫn người dân xử lý 745 giếng nước.Hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước tại huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước tại huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Còn tại Yên Bái, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác vệ sinh, xử lý môi trường và nguồn bệnh, tránh để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau lũ. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh và xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường…

Cùng với việc giúp đỡ nhân dân xử lý môi trường, nguồn nước, hướng dẫn vệ sinh môi trường, với tinh thần tương thân tương ái, ngành y tế Yên Bái cũng đã hỗ trợ cho 13 hộ gia đình là cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện đa khoa khu vực, Trung tâm y tế thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm y tế huyện Văn Chấn bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa và tài sản.

Tại Thanh Hóa, theo ghi nhận của CTV, cán bộ y tế cơ sở tham gia cùng tất cả các xã làm tổng vệ sinh môi trường; những khu vực nước đã rút đang tiến hành dọn sạch đường làng, ngõ xóm thu gom và chôn lấp xác động vật chết; phun thuốc diệt khuẩn, khử mùi, xử lý các nguồn nước giếng khơi và bể lọc nước, nhà tiêu và chuồng gia súc bị ngập lụt. Trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách làm nước sạch để sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phòng bệnh sau mưa lũ.

Bước đầu đã xử lý 46.083 trên tổng số 52.492 giếng nước bị ngập; 33.958 trên tổng số 45.560 nhà tiêu bị ngập; 23.341 trên tổng số 27.945 chuồng gia súc bị ngập.

Đã xử lý tổng vệ sinh 52 trạm y tế và 2 trung tâm y tế bị ngập lụt sau khi nước rút, tổ chức dọn vệ sinh các phòng bị ngập, tẩy uế, phun thuốc diệt khuẩn, đến nay các cơ sở y tế đã hoạt động trở lại.

Công tác giám sát dịch bệnh: hiện tại tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đến ngày 17/10 là 2.946 ca, tăng 112 ca bệnh so với 1 tuần trước mưa lũ; các bệnh xuất hiện sau mưa lũ chủ yếu là bệnh ngoài da với 5.829 bệnh nhân, có 337 bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa, 646 bệnh nhân mắc bệnh về mắt, 134 bệnh nhân sốt virut.


Thanh Loan - Bích Thủy
Ý kiến của bạn