Nguyễn Bích Lan nổi lên với tư cách một dịch giả văn học. Kể từ cuốn đầu tiên: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh (tác phẩm văn học Australia) đến cuốn Hãy nói lời yêu thì vào thời điểm đó Nguyễn Bích Lan đã xuất bản được 20 đầu sách, khoảng gần 10.000 trang. Một con số không hề nhỏ.
Sách của Lan phần lớn đều in tại Nhà xuất bản Phụ nữ. Cô đến và gắn bó với nhà xuất bản này không chỉ vì đây là nơi người cô ruột, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, Trưởng ban biên tập văn học Nhà xuất bản Phụ nữ, người đã phát hiện, động viên, giúp đỡ và có ảnh hưởng không nhỏ tới con đường văn học của cô cháu gái đầy cá tính mạnh mẽ, mà còn từ chất lượng các bản dịch của cô dù tất cả đều biết Lan chỉ mới học xong lớp 8 phổ thông và vốn tiếng Anh của cô hoàn toàn do tự học.
Những tác phẩm được Bích Lan chọn dịch là những cuốn giá trị nhưng không dễ dịch. Làm sao để người đọc hiểu và thích thú như khi đọc nguyên tác là thách thức không nhỏ. Nhưng các bản dịch của Lan đã được các nhà xuất bản tin tưởng, được bạn đọc khen ngợi, đánh giá rất cao.


Dịch giả Nguyễn Bích Lan và tác phẩm.
Tiểu thuyết Người đàn ông đào hoa của tác giả J.P. Donleavy, người Mỹ gốc Ailen là cuốn sách được lọt vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20, nhưng rất khó dịch vì tác giả thường dùng những từ ẩn dụ, tiếng lóng. Cuốn sách này khiến Lan vô cùng vất vả, có lúc tưởng bó tay vì nhiều câu chữ rất lạ lẫm, khó hiểu. Tra các từ điển, kể cả từ điển tiếng lóng của Anh, của Ailen đều không thấy. Có một cách dễ dàng nhất là có thể bỏ qua hoặc dịch theo đúng câu chữ của tác giả, nhưng Bích Lan quyết không tùy tiện. Cuối cùng cô tìm đến một giải pháp không hề dễ dàng, đó là liên hệ trực tiếp với tác giả. Trong tiểu thuyết nói trên có một câu ngắn nếu dịch sát nghĩa là: Cậu có mang theo máy xay cà phê không? Thấy câu hỏi chẳng liên quan đến mạch truyện nên Lan băn khoăn và đã phải ngưng một thời gian để chờ câu trả lời từ tác giả. Phải rất lâu sau, qua thư ký của nhà văn, Lan mới rõ ý của câu đó: “Cậu có thể ở lại với mình hết đêm nay cho đến bữa cà phê sáng mai được không? Đây là tiếng lóng, cách nói của người Ailen từ thập kỷ 50 thế kỷ trước, mà đến nay ngay chính người Ailen không phải ai cũng biết.
Quá trình dịch các tác phẩm khác, Nguyễn Bích Lan cũng nhiều lần phải dừng công việc như vậy. Lan là một trong những dịch giả đầu tiên ở nước ta thường liên hệ trực tiếp với các nhà văn trên thế giới mà cô chọn sách của họ để dịch. Một cách làm hay nhưng cũng vô cùng phức tạp. Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả cuốn Triệu phú khu ổ chuột, nhà văn Swarup tâm sự rằng, ông từng gặp khó khăn khi viết chương Chuyện một người lính, nói về chiến tranh năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan nên khi dịch tới chương đó Lan cũng đã phải bỏ rất nhiều công đi tìm các tài liệu nói về cuộc chiến, về các địa danh được tác giả đề cập trong tiểu thuyết. Hoặc khi dịch về chương nói đến ngôi đền Taj Mahal thì cô cũng đã phải rất mất công tìm những băng video giới thiệu công trình nổi tiếng đó để có thể hình dung mà dịch chính xác các đoạn tả chi tiết của kiến trúc lăng.
Nguyễn Bích Lan còn rất thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp. Một lần, nhà thơ Bruce Weigl lên thăm Lan tại nhà riêng. Hai người trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Ngạc nhiên vì khả năng nói tiếng Anh của Lan nên nhà thơ người Mỹ thắc mắc: Cô học tiếng Anh ở trường đại học nào mà nói như người Anh vậy? Lan cười, trường đại học ngoại ngữ của tôi là đài BBC và đài VOA.
Lao động và ý thức trách nhiệm cao của dịch giả Nguyễn Bích Lan là rất đáng trân trọng. Cô được sự tin tưởng của các nhà xuất bản, được sự nể trọng của đồng nghiệp và giải thưởng cho tác phẩm dịch của cô là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng nhiều bạn đã biết, dịch giả không phải là một người bình thường mà là một cô gái khuyết tật.
Năm 1989, mới bước vào tuổi 13, đang là một cô bé xinh xắn, khỏe mạnh, học sinh lớp chuyên văn Trường trung học cơ sở Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đầy hứa hẹn thì một căn bệnh bất ngờ ập đến. Chỉ sau mấy tháng chớm bệnh, cơ thể cô đã sút giảm tới hơn một chục cân, mọi vận động gặp khó khăn. Có bệnh nhưng Lan không theo lời khuyên của gia đình tạm nghỉ học mà vẫn gắng đến lớp. Nhà cách trường 7 cây số, Lan đi bằng xe đạp. Nhưng do sức yếu nên nhiều lần lăn ra vệ đường mà không tài nào đứng dậy nổi. May có người qua đường nhìn thấy đã vực Lan lên. Rồi có lần cả người và xe văng xuống dưới mương, phải nằm dưới đó hàng tiếng đồng hồ mới có người biết. Nhưng điều khủng khiếp nhất với Lan là khi vào lớp học. Bậc lên xuống vào lớp cao nên muốn vào, chỉ còn cách duy nhất là lổm ngổm bò trước hàng trăm con mắt vừa ngạc nhiên vừa cảm thương của bạn bè trong lớp. Nhưng không đau đớn, khó khăn, xấu hổ nào ngăn trở Lan quyết tâm đến trường. Chỉ đến khi bệnh tật phát triển quá nhanh mới buộc cô từ bỏ ước muốn đi học.
Gia đình đưa Lan đi chữa hầu khắp các bệnh viện trong tỉnh rồi lên đủ các bệnh viện tuyến Trung ương. Những khi ấy Lan như một vật thí nghiệm để các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, thử máu. Cho mãi hơn một năm sau bệnh viện mới tìm ra nguyên nhân. Cô bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển. Các bác sĩ khẳng định, căn bệnh này rất hiếm gặp, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, nên cho tới nay y học vẫn chưa có phương thuốc nào chữa trị. Nghe vậy, cảm giác của Lan như người đang rơi từ trên trời cao xuống vực thẳm. Từ một em bé gái tươi trẻ, khỏe mạnh, giờ đây Lan chỉ còn là một thân hình yếu đuối, mỏng manh chưa đầy 30 cân, chỉ một va chạm nhỏ đủ khiến cô ngã sấp. Cô không thể tự đứng lên, ngồi xuống. Mọi việc lớn nhỏ đều cần tới sự giúp đỡ của người khác. Sức khỏe chỉ bằng một phần mười so với người bình thường. Căn bệnh quái ác ấy đã nhanh chóng làm giảm trọng lượng cơ thể, mất dần khả năng vận động và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho tim.
Suốt ngày Lan bất lực, chỉ quanh quẩn trong căn buồng nhỏ, chán lại nhờ người dẫn ra sân ra vườn. Thời gian đơn điệu buồn tẻ, u ám ấy nhiều lúc khiến Lan không tránh khỏi bi quan. Cô muốn thoát ra mà chưa tìm thấy lối. Nhưng đang trong hầm tối thì cô thấy ánh sáng lóe lên. Mỗi buổi tối khi người em trai ngồi học tiếng Anh thường phát âm rất to, át cả tiếng tivi. Ban đầu Lan không để ý nhưng dần dần cái ngữ điệu trầm bổng ấy ngấm vào trong cô. Lan tự nhủ, với hoàn cảnh của mình bây giờ phải tranh thủ học để rồi có thể tự sống được bằng thứ ngôn ngữ đang rất phổ cập này. Đã tự xác định không còn con đường nào phù hợp hơn nên Lan quyết tâm học. Tự học ngoại ngữ là một công việc vô cùng khó khăn đòi hỏi ở người học rất nhiều nghị lực. Biết bao người theo học rồi lần lượt bỏ dở nửa chừng. Nhưng Lan lại khác. Khi đã xác định thì rất kiên trì. Ban đầu cô nhờ cậu em giúp đỡ, sau tìm sách tự học và đề ra cho mình một chế độ học nghiêm ngặt. Bí quyết là khe khắt với bản thân. Có một việc nhỏ được gia đình kể lại. Một hôm Lan đang học thì trên tivi phát chương trình ca nhạc có những bài hát về mùa thu Hà Nội mà cô rất thích nên đã không thể không rời bàn học bước ra. Gia đình nói cứ ngồi nghe xong rồi vào học tiếp. Nhưng chỉ mới nghe 1 - 2 bài thì Lan lại lẳng lặng quay lại buồng, đóng cửa lại. Cô tự nhủ, dễ dãi cho mình dù chỉ một lần thì lại sẽ có lần thứ hai. Cả sau này khi tiếng Anh với cô đã rất thuần thục thì trong làm việc, Lan vẫn duy trì những nguyên tắc, những kỷ luật tự cô đề ra cho mình. Cô quy định mỗi ngày phải đảm bảo dịch đủ 6 tiếng, mỗi tiếng phải xong ít nhất một trang. Lan hiểu rằng, căn bệnh mà cô đang gánh chịu sẽ có thể dở chứng bất cứ lúc nào nên cô phải thi đua với thời gian. Mỗi trang sách, mỗi cuốn sách dịch là mỗi cuộc đua.
Những ngày này, Nguyễn Bích Lan luôn được mời đi nơi này nơi khác, hết ngoài Bắc lại trong Nam để giao lưu, nói chuyện, vẫn đều đặn nhận được đề nghị cộng tác từ các nhà xuất bản. Trong 5 năm trở lại đây, cô đã có thêm hơn 10 cuốn sách dịch được xuất bản, mỗi cuốn đều có độ dày trên dưới 400 trang. Đặc biệt Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Công ty First News đã mời đích danh Nguyễn Bích Lan đứng ra dịch bộ sách dày cả ngàn trang của Nick Vujicic, một thanh niên người Úc nổi tiếng khi sinh ra không có cả chân lẫn tay nhưng đã khiến cả triệu người trên thế giới khâm phục vì không chịu đầu hàng số phận, để làm được rất nhiều việc phi thường. Hiện tại, Lan đang dịch tác phẩm của nhà văn Đan Mạch Andersen, tác giả mà từ nhỏ cô đã từng say mê. Quỹ văn hóa Soli tude của Đức vừa in thơ của Lan được cô trực tiếp viết bằng tiếng Anh sang tiếng Đức trong cuốn Atlas.
Không chỉ đều đặn dịch sách mà Nguyễn Bích Lan còn làm thơ, viết văn. Cô được mời làm cộng tác viên thường xuyên của báo Tuổi Trẻ, báo Phụ Nữ Việt Nam... Cô cũng đã có riêng cho mình một tập thơ, một tập truyện ngắn và đặc biệt là cuốn tự truyện Không gục ngã. Ở đó cô kể lại nghị lực vượt qua bệnh tật và không bao giờ cho phép mình được ngã lòng từ bỏ khát vọng. Con người nhỏ yếu ấy ví như một lực sĩ đang băng băng trên con đường văn học.
Lan làm việc bằng máy tính. Có lần chợt thấy đôi bàn tay bị buốt cứng, không bấm được vào bàn phím. Thoáng lo sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc nên lập tức Lan đã tập gõ bàn phím bằng đôi chân để nếu hai tay không sử dụng được thì đã có đôi chân thay thế. May thay, đôi bàn tay vẫn còn là trợ thủ đắc lực nên Lan bảo, đôi chân vẫn là “của để dành”.
Lan từng tâm sự: Căn bệnh cùng sự tiến triển quái ác của nó như luôn chực đẩy tôi về phía cái chết. Nhưng từ lâu lắm rồi tôi đã xếp cái ý nghĩ là nạn nhân của căn bệnh ấy xuống đáy sâu của ký ức. Điều mà tôi ưu tiên ghi nhớ hơn hết thảy là: Tôi đủ mạnh mẽ, đủ may mắn, đủ hạnh phúc để sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Huy Thắng