Cách đây 50 năm, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã ký một văn bản hiệp ước hợp tác quan trọng. Đó là Hiệp ước Elysée, sự kiện đánh dấu tiến trình hòa giải lịch sử giữa hai nước cựu thù.
Mới đây, Tổng thống Pháp François Hollande đã đích thân qua Berlin để cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Elysée. Theo các nhà quan sát, lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng như để tạm xóa đi một số bất đồng trong quan hệ song phương. Loạt hoạt động kỷ niệm đã chính thức được khởi động với một cuộc giao lưu giữa hai lãnh đạo Pháp - Đức: Hollande và Merkel.
Để khơi mào cho loạt hoạt động này, hai nhà đứng đầu nước Pháp và Đức cũng đã có cuộc tiếp xúc và trả lời câu hỏi của 200 thanh niên Pháp và Đức. Nhân dịp này, cả ông Hollande và bà Merkel đều đã tìm cách giảm nhẹ bất đồng nảy sinh trong thời gian gần đây giữa Paris và Berlin, đặc biệt trên hai hồ sơ kinh tế và chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali.

Theo AFP, dù thiếu nhiệt tình nhưng màng lưới quan hệ được Hiệp ước Elysée về hòa giải Pháp - Đức dệt nên, hiện vẫn là một điển hình độc nhất vô nhị trên thế giới, với kết quả là quan hệ hợp tác giữa hai bên được duy trì trong suốt 50 năm qua, điều phải nói là tuyệt vời đối với hai nước, mà lịch sử trước đó được xây đắp bằng những cuộc chiến tranh hết sức đẫm máu.
Trong các hoạt động kỷ niệm, đáng chú ý và hiếm thấy là các phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện hai nước, cũng như một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng hai Chính phủ do cả Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức chủ trì.
Đương nhiên, không khí của cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức sẽ không có gì vui vẻ. Vào thời điểm cả lục địa châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II, Paris và Berlin vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Quyết tâm của Thủ tướng Đức thúc đẩy nền kinh tế châu Âu, buộc châu Âu phải chấp nhận các quy tắc kỷ luật ngân sách cơ bản, đã gây nhiều bất bình và làm sống dậy một tình cảm chống Đức âm thầm. Không, nước Đức không tìm cách đè bẹp các nước láng giềng. Và nước Pháp không cần phải khuôn theo chính sách của các nhà kinh tế Đức. Chỉ cần mỗi bên thực hiện các nghĩa vụ của mình(...). Nếu chúng ta thực hiện nghĩa vụ của mình, chúng ta sẽ có được lập luận tốt nhất để thuyết phục các đối tác của chúng ta. Chúng ta sẽ ít đơn độc hơn tại Mali, nếu có được một sự liên đới tối thiểu trong mối quan hệ trụ cột này của châu Âu. Tình hữu nghị Pháp - Đức không nên dừng lại ở các nghi thức kỷ niệm, được dùng làm vỏ bọc để che đậy những mâu thuẫn nhỏ nhen, bị tích tụ ngày càng nhiều.
(Theo Les Echos, Le Monde)
Hương Linh
Hiệp ước Elysée cách đây 50 năm, trong cái nhìn của thế giới là tiêu biểu cho sự thành công của châu Âu. Nó là bằng chứng cho thấy một phần của lục địa này - các nước Tây Âu đã vượt qua được một lịch sử đầy bi kịch và xung đột. “Tuy nhiên, mặc dù Liên hiệp châu Âu đã tỏ ra khá mạnh để kháng cự lại được cuộc tấn công của giới đầu cơ nhắm vào đồng euro, nhưng toàn khối đã không đủ đoàn kết, quyết tâm hay trí tưởng tượng để biến cuộc trắc nghiệm kể trên thành điểm xuất phát mới cho việc xây dựng châu Âu. Cái nghịch lý của cuộc kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Pháp - Đức là nó diễn ra trong một bối cảnh quốc tế, đang làm nổi bật cái hố ngăn cách giữa Pháp và Đức trên phương diện an ninh chung. Nếu như hai nước Pháp - Đức đã từng là trụ cột của dự án xây dựng châu Âu, thì ngược lại, bất chấp sự rầm rộ của cuộc kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị, quan hệ Pháp - Đức hiện nay cho thấy “những giới hạn của châu Âu”. |