1. Vai trò của đường ruột với hệ thống miễn dịch
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đường ruột khỏe mạnh đóng góp tới hơn 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể.
Khi đường ruột khỏe mạnh, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón... sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch trong cơ thể.
Chẳng hạn, khi đường ruột khỏe mạnh sẽ cung cấp đủ các enzyme cần thiết để cắt nhỏ thực phẩm thành các phân tử mới giúp tiêu hóa, chuyển hóa thực phẩm thành dinh dưỡng, năng lượng cho cơ thể.
Cụ thể, đối với chất đạm, protein, cơ thể không hấp thu được ngay từ thực phẩm mà cần các enzyme tiêu hóa giống như protease nhằm cắt protein thành các chuỗi peptid ngắn hay các acid amin để cơ thể hấp thu.
Đối với chất béo như khi ăn thịt cần phải có men lipaza để phân giải các acid béo mới giúp cơ thể hấp thu và dự trữ, cung cấp năng lượng cho cơ bắp và các hoạt động sống.
Với chất bột đường (glicid) được chuyển dạng glucoza để hấp thu, sau đó vào cơ thể được tích lũy ở dạng cung cấp năng lượng cho cơ thể hay các glucozen tích lũy ở gan, cơ, khi cơ thể đói sẽ huy động glucoza từ glucozen để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động.
Để các vitamin và khoáng chất được hấp thu tốt nhất thì chế độ ăn phải đủ đạm và các chất dinh dưỡng cần thiết. Chẳng hạn, vitamin A phải gắn kết với protein để đưa đến các tổ chức, cơ quan như gan, tế bào hay gắn kết enzyme.
Bên cạnh đó, khi đường ruột khỏe mạnh, chính niêm mạc biểu mô đường ruột, là những nếp nhăn ở ruột, có diện tích rộng, tham gia sản xuất các yếu tố miễn dịch như IgG, IgA...
Sức khỏe đường ruột tốt giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
2. Dinh dưỡng cho đường ruột khỏe mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch
Thực phẩm chứa chất xơ: Chất xơ bao gồm chất xơ hòa tan và không hòa tan đều có vai trò quan trọng với sức khỏe đường ruột. Chất xơ không hòa tan giúp kích thích nhu động ruột, giảm táo bón. Chất xơ hòa tan kích thích niêm mạc đường ruột, giúp hấp thu khoáng chất như kẽm tốt hơn và là thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột. Chất xơ hòa tan có trong các loại rau nhớt như mồng tơi, rau đay, đậu bắp, hành, chuối…
Thực phẩm lên men: Các loại thực phẩm lên men như sữa chua, rượu nếp, nem thính, nem chua… giàu probiotic, là những sinh vật có lợi cho sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, thực phẩm lên men còn chứa nhiều enzyme có tác dụng thúc đẩy quá trình phá vỡ các hợp chất carbohydrate, protein… trong thức ăn, giúp tiêu thụ thức ăn tốt hơn, kích thích sản sinh vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Tuy nhiên, không nên ăn các thực phẩm lên men chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối... vì có nguy cơ gây tăng huyết áp.
Trái cây và rau củ cung cấp nhiều chất xơ tốt cho sức khỏe đường ruột, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Uống đủ nước: Nước là môi trường cho các phản ứng hóa học xảy ra, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, giảm tình trạng táo bón. Do đó, để tăng cường sức khỏe đường ruột và hệ thống miễn dịch cần uống đủ nước theo nhu cầu khuyến nghị, 40ml nước/kg cân nặng/ngày.
Với các trường hợp hoạt động nhiều hay trời nắng nóng thì nên uống nhiều nước hơn hoặc uống loại nước bù điện giải để chống mất nước cho cơ thể.
Các thực phẩm gây hại đường ruột, không tốt cho hệ thống miễn dịch, cần tránh:
Đường ruột khỏe mạnh với hệ vi sinh vật cân bằng giúp tiêu hóa tốt hơn. Khi đường ruột mất cân bằng tạo thuận lợi cho vi khuẩn xấu hoạt động và gây ra các triệu chứng tiêu hóa kém như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng...Để đảm bảo cân bằng đường ruột, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, cần tránh:
- Các thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, chiên rán do làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Các loại nước giải khát có gas gây đầy hơi.
- Uống nhiều rượu và caffein gây kích thích đường ruột.
- Các loại đồ uống có đường do khó tiêu, gây hiện tượng đầy hơi, chướng bụng...
Mời bạn xem tiếp video:
Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS