Trong ngành y ở Việt Nam, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp rất đơn giản: Đàn anh – Đàn em. Đối với một vài đồng nghiệp là các Thầy lớn, có mối quan hệ Thầy – Trò, giống như trong ngành giáo dục.
Đàn anh là những người ra trường trước, có tuổi nghề cao hơn, thường thì tuổi đời cũng cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn và trình độ cũng cao hơn các Đàn em. Cho đến khi tôi ra trường, Đàn anh luôn là những người được các Đàn em kính trọng, và cũng luôn phải “gánh vác” những ca bệnh khó, luôn phải đứng ra chịu trách nhiệm trước những tình huống ngặt nghèo. Đàn anh còn phải dạy dỗ về chuyên môn, chỉ bảo tận tình, đêm hôm cũng phải đứng phụ - dạy cho Đàn em mổ dù điều đó làm mất nhiều thời gian hơn là tự mình làm. Các bác sĩ nội khoa khi phát hiện một triệu chứng gì đặc biệt, hiếm gặp cũng mau chóng gọi ngay các Đàn em tới để khám, để nắm bắt được những triệu chứng hiếm gặp. Bù lại, Đàn em phải lo những việc “lặt vặt” cho Đàn anh như làm bệnh án, hoàn tất những giấy tờ hành chính, thậm chí trong các bữa nhậu phải lo đi mua mồi, mua rượu theo đúng ý của Đàn anh. Thời đó, Đàn anh thường có thu nhập cao hơn nên Đàn anh thường bỏ tiền ra và Đàn em ít khi nào phải lo về chi phí khi đi cùng Đàn anh. Trong những buổi hội chẩn, ý kiến của Đàn anh thường là quyết định, nhưng nếu các Đàn em có cơ sở lập luận tốt thì ý kiến cũng được các Đàn anh lưu tâm xem xét. Một số Đàn em phát triển lên, có một vài mặt vượt lên trên các Đàn anh, thậm chí có những người vượt lên trên nhiều mặt. Thời đó, các Đàn anh thường không cố chấp, sẵn sàng chấp nhận sự vươn lên của các Đàn em. Nhưng dù thế nào thì các Đàn anh vẫn là Đàn anh. Thời đó, Đàn anh là chỗ dựa về tinh thần, về chuyên môn và cả về mặt quan hệ xã hội cho các Đàn em.
Đổi mới mang đến rất nhiều thay đổi. Tài liệu, sách vở, trang thiết bị, máy móc. Y khoa không còn đơn giản là kinh nghiệm cá nhân hoặc kinh nghiệm của một nhóm thầy thuốc. Các kinh nghiệm được đúc rút qua nghiên cứu với những phương pháp nghiên cứu hiện đại, trong đó thiết kế nghiên cứu và thống kê học đóng vai trò quyết định. Trong y khoa, toán học không còn chỉ được dùng để “đếm xác” như một vài người nói đùa mà thực sự hỗ trợ cho sự phát triển của Y khoa. Và các Đàn em là người chiếm lợi thế do được học về Thống kê học, Phương pháp nghiên cứu.
Những ca bệnh đặc biệt được thông báo qua sách vở, trên các trang mạng. Y học chứng cứ được đề cao. Textbook, Handbook, tạp chí chuyên ngành… báo giấy, báo điện tử, sách điện tử… tràn ngập. Khả năng tiếp cận với thông tin được mở ra và chính các Đàn em có lợi thế hơn hẳn các Đàn anh trong việc tiếp cận và tận dụng nguồn thông tin dồi dào đó.
Đối với trang thiết bị máy móc mới, các phương pháp chẩn đoán mới cũng vậy. Việc làm chủ các phương tiện máy móc, các phương pháp chẩn đoán hiện đại đòi hỏi phải có các kiến thức phù hợp, phải học hỏi từ cách chỉ định, cách vận hành trang thiết bị, cách hiểu kết quả và cả những ưu thế cũng như những hạn chế của từng loại máy, từng phương pháp… Một lần nữa, các Đàn em lại có lợi thế hơn.
Như vậy, sau khi đổi mới, các bác sĩ trẻ có nhiều cơ hội hơn các Đàn anh và có khả năng tiến xa hơn. Điều này phù hợp với sự phát triển. Trong một xã hội hay một ngành nghề bất kì nào, nếu Đàn anh luôn giỏi hơn Đàn em thì xã hội đó, ngành nghề đó sẽ thoái hóa dần, lụn bại dần. Ông bà ta vẫn nói “con hơn cha là nhà có phúc” mà.
Kinh tế thị trường kéo theo rất nhiều thay đổi. Các mối quan hệ có thể không bị biến đổi do khả năng phát triển chuyên môn nhưng lại bị thay đổi, bị biến dạng theo thị trường. Mối quan hệ Đàn anh – Đàn em trong ngành y cũng không nằm ngoài tác động của thị trường. Phải công nhận là đồng tiền có sức mạnh ghê gớm thật.
Dù muốn dù không thì vẫn phải chấp nhận một thực tế là trong thời buổi kinh tế thị trường, tri thức gắn liền với tiền bạc. Thế là một số người nắm giữ một vài kĩ thuật tìm cách quảng bá tên tuổi và đồng thời kìm hãm không cho người khác (thường là các Đàn em) học được kĩ thuật của mình, để họ độc chiếm một lĩnh vực, mặc sức “làm giá”.
Một số Đàn anh không theo kịp đà phát triển lẽ ra phải quảng đại như các Đàn anh của họ trước đây lại không xử sự như vậy. Họ ghen tức với việc Đàn em có nhiều tiền hơn, hoặc đơn giản chỉ vì được nhiều người tin tưởng hơn. Vậy là họ bác bỏ mọi ưu thế của kĩ thuật, tìm cách gièm pha, tận dụng mọi cơ hội, thậm chí xúi giục bệnh nhân kiện cáo các Đàn em của mình.
Một số Đàn em khi làm được một vài kĩ thuật đã vội tưởng rằng mình là cao, chê bai các Đàn anh, và coi thường những người trước đây đã từng dạy dỗ, chỉ bảo cho mình. Có người đi nước ngoài được vài ba lần, không biết học được cái gì mà dám tuyên bố rằng tất cả kiến thức của họ là học từ nước ngoài chứ trong nước chẳng có ai đủ khả năng dạy cả. Họ quên rằng nền tảng chính mà họ có được chính là từ những Đàn anh, những người Thầy ở trong nước, họ không biết rằng không ai đang dốt mà đi tu nghiệp ở nước ngoài trở thành giỏi cả. Tất cả những người tốt nghiệp ở trong nước, đi tu nghiệp ở nước ngoài và trở thành giỏi đều phải là người giỏi ngay từ trước khi họ đi tu nghiệp nước ngoài, còn những người không có khả năng gì thì dù có đi lên trời cũng không thể giỏi được. Đây là một chân lí mà gần như ai trong ngành y cũng nhận thấy được. Vậy thì khi bạn làm được điều gì đó đều có phần đóng góp của các Đàn anh.
Mối quan hệ Đàn anh, Đàn em trong ngành y của chúng ta có thể là do ảnh hưởng bởi văn hóa phương đông. Ở các nước tiên tiến, mối quan hệ Đàn anh – Đàn em không thật sự rõ ràng, một phần vì ở các nước đó có quá nhiều trường y, phần khác là do tiếng tăm của các trung tâm đào tạo nội trú hay chính xác là của các Thầy quyết định vị thế của một bác sĩ khi bước vào hành nghề. Ở một số nước, họ còn xếp hạng các bác sĩ trong cùng một chuyên ngành hoặc cùng một bệnh viện, một khu vực bằng những tiêu chí khác nhau, chủ yếu là khả năng chuyên môn và các công trình nghiên cứu khoa học.
Mặc dù vậy, cho đến bây giờ, đối với xã hội Việt Nam, đối với văn hóa Việt Nam, mối quan hệ Đàn anh – Đàn em truyền thống trong ngành y vẫn được trân trọng, vẫn là một thước đo về văn hóa của người thầy thuốc Việt Nam. Vậy thì mỗi người trong chúng ta cần phải cố gắng để Đàn anh đúng là Đàn anh, Đàn em đúng là Đàn em, cư xử phải đạo Đàn anh – Đàn em, đừng nên có những phát biểu hoặc những hành vi phương hại đến Anh hoặc Em của mình, để chúng ta thực sự là một gia đình.
BS. Võ Xuân Sơn
Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.