Mới phát hiện, estrogen ở phụ nữ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19

23-03-2022 15:03 | Thông tin dược học

SKĐS - Một nghiên cứu mới phát hiện ra nồng độ hormone estrogen ở phụ nữ trung niên có vai trò làm giảm mức độ nghiêm trọng do COVID-19 ở phụ nữ. Như vậy, liệu bổ sung estrogen ở phụ nữ trung niên có thể ngăn ngừa COVID-19 hay không?

Vai trò của estrogen với việc giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 

Một trong những quan sát dịch tễ học đầu tiên xuất hiện sớm ở Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho thấy, nam giới có nguy cơ bị bệnh nặng hơn phụ nữ. Một phân tích tổng hợp lớn vào cuối năm 2020 đã xác minh những nghi ngờ ban đầu đó, phát hiện nam giới cần điều trị chăm sóc đặc biệt cao hơn gần 3 lần và có nguy cơ tử vong cao hơn. 

Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao nam giới dường như bị COVID-19 nghiêm trọng hơn phụ nữ và đưa ra giả thuyết testosterone đóng một vai trò nào đó trong các quan sát dịch tễ học này. Nhưng mặt khác, các nhà nghiên cứu hiện cũng bắt đầu tìm ra bằng chứng cho thấy estrogen cũng có thể đóng vai trò bảo vệ trong việc giảm mức độ nghiêm trọng COVID-19 ở phụ nữ.

Mối liên hệ giữa nồng độ estrogen ở phụ nữ trung niên và nguy cơ tử vong do COVID-19 - Ảnh 1.

Các thử nghiệm lâm sàng cần tiến hành để khám phá liệu bổ sung estrogen có thể ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng ở phụ nữ trung niên?

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMJ Open, đã xem xét dữ liệu hồi cứu từ hồ sơ sức khỏe cộng đồng ở Thụy Điển; tập trung vào phụ nữ trên 50 tuổi mắc COVID-19 đã được xác nhận. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra ba nhóm:

  • Phụ nữ sử dụng thuốc chẹn estrogen (nhóm 1)
  • Phụ nữ điều trị liệu pháp thay thế hormone - HRT (nhóm 2)
  • và nhóm đối chứng, những phụ nữ không nhận bất kỳ phương pháp điều trị tăng cường hoặc giảm estrogen toàn thân nào (nhóm 3).

Kết quả cho thấy, những phụ nữ trong nhóm đối chứng giảm estrogen (nhóm 3) có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp đôi so với những phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone (nhóm 2). Lần lượt, nguy cơ tử vong do COVID-19 đối với phụ nữ được tăng cường estrogen (nhóm 2)  là 2,1%, so với nhóm dùng thuốc chẹn estrogen (nhóm 1) là 10,1%. Nhóm đối chứng đứng giữa cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 là 4,6%.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Nghiên cứu này cho thấy mối liên quan giữa nồng độ estrogen và tử vong do COVID-19. Do đó, các loại thuốc làm tăng nồng độ estrogen có thể đóng vai trò trong các nỗ lực điều trị để làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở phụ nữ sau mãn kinh và có thể được nghiên cứu trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên".

Nhưng theo TS. Stephen Evans, Trường Y học Nhiệt đới London, việc kết luận rằng phụ nữ lớn tuổi sẽ có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung estrogen để giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng thì cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận. 

Ông chỉ ra rằng những nghiên cứu quan sát này thường có nhiều yếu tố gây nhiễu. Đã có một lịch sử lâu dài về các nghiên cứu quan sát, đặc biệt là liên quan đến liệu pháp hormone, đưa ra những tuyên bố về lợi ích nhưng lại chưa được xác nhận trong các thử nghiệm ngẫu nhiên.

Rất có thể nghiên cứu này đi theo hướng như vậy và ít nhất cần hết sức thận trọng khi nghĩ rằng liệu pháp hormone thay thế cho phụ nữ mãn kinh sẽ có những lợi ích đáng kể nào trong việc đối phó với COVID-19. Tuy nhiên, đã có những thử nghiệm liên tục khám phá tác động của estrogen đối với COVID-19 ở bệnh nhân nhập viện. Vì vậy, cần sớm có câu trả lời về việc liệu việc bổ sung estrogen có mang lại sự bảo vệ nào khỏi COVID-19 nghiêm trọng hay không.

Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát trước đây đã liên tục chỉ ra mối quan hệ giữa mức độ estrogen thấp và COVID-19 nghiêm trọng. Một nghiên cứu lớn của Vương quốc Anh cũng lặp lại những phát hiện này của Thụy Điển, cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở phụ nữ đang điều trị HRT thấp hơn. Một nghiên cứu thú vị khác từ năm 2020 cho thấy phụ nữ dùng thuốc tránh thai kết hợp (chứa estrogen và progestin) ít gặp phải các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hơn so với những người không dùng thuốc.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Phát hiện bằng chứng Deltacron có thật

Lê Minh
(Theo BMJ)
Ý kiến của bạn