Mỗi nhà dân là một trạm phát điện
Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Các cơ chế khuyến khích được Bộ này đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Theo đó, người dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ.
EVN trong các kiến nghị gần đây gửi Bộ Công Thương đều kiến nghị cơ quan này sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.
GS. Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam nhận định, thời gian gần đây, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung xảy ra một số chuyện liên quan đến trình tự thủ tục, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là loại hình năng lượng cần được khuyến khích và ủng hộ. Có 3 nguyên nhân quan trọng:
Thứ nhất, nó không cạnh tranh tài nguyên mà còn tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có.
Thứ hai, các tòa nhà được lắp pin năng lượng sẽ giảm hấp thụ nhiệt nên nhu cầu làm mát cũng giảm, từ đó giảm nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát.
Thứ ba, loại hình điện này thường phân tán trên diện tích rộng và quy mô nhỏ nên không gây áp lực lên hệ thống lưới điện và truyền tải; ngành điện không phải tốn chi phí đầu tư hạ tầng.
Do vậy theo ông Long, điện mặt trời mái nhà là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn. Nhà nước cần có cơ chế để khởi động lại loại hình năng lượng này. Việt Nam là nước nhiệt đới ẩm, dù ở miền Bắc thì số giờ nắng cũng rất cao, hoàn toàn có thể phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đó mỗi hộ dân là một trạm phát điện, có thể tự cung ứng điện cho gia đình, không quá phụ thuộc vào hệ thống điện chung của EVN.
Điện mặt trời mái nhà là dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng. Hệ thống điện này giúp làm mát cho ngôi nhà đồng thời cung cấp điện cho gia đình hàng ngày. Khi hệ thống không sản xuất đủ điện cho gia đình có thể chuyển sang dùng nguồn điện lưới. Ngược lại, khi gia đình không sử dụng hết lượng điện năng do hệ thống sản xuất, gia đình có thể bán lại lượng điện thừa cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện nay, có 3 mô hình điện mặt trời mái nhà phổ biến gồm hệ thống điện mặt trời áp mái độc lập (Off Grid), hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới trực tiếp (On Grid) và hệ thống điện mặt trời áp mái kiểu kết hợp (Hybrid).
Tháo gỡ rào cản
Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ, rào cản lớn nhất trong chính sách là thiếu quy hoạch quốc gia về năng lượng điện mặt trời. Hiện tại, Việt Nam mới có quy hoạch phát triển điện mặt trời ở cấp tỉnh, đặc biệt tập trung ở một số tỉnh, thành phố có tiềm năng. Ngoài ra, các quy hoạch này của tỉnh mới chỉ áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời nối lưới, không áp dụng cho các dự án điện mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ năng lượng điện mặt trời, hạn chế trong công tác quản lý từ trung ương đến địa phương về phát triển điện mặt trời đã cho thấy sự lúng túng trong quy hoạch và năng lực quản trị của các cơ quan hữu quan.
Cơ sở hạ tầng ngành điện hiện nay chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của điện mặt trời. Sự bùng nổ của điện mặt trời trong năm 2019 đã gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng hiện có, đòi hỏi nhu cầu củng cố và thiết lập các kết nối mới với lưới điện trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn thiếu các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý các dự án điện mặt trời
Ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng và thị trường điện cho biết, nguồn điện tự sản, tự tiêu là tự sản xuất và tự tiêu thụ điện, và phát triển điện "tự dùng" tức là mô hình phát triển "sau công tơ", tiếng anh gọi "behind the meter": Đây là mô hình phát triển năng lượng mới nhờ có công nghệ điện mặt trời phân tán và chi phí giá thành giảm.
Với phương thức cũ, người sử dụng điện (kể cả khu công nghiệp) mua điện của Công ty điện lực địa phương qua công tơ điện, thì các nguồn điện phát triển đều đi vào từ trước công tơ. Còn phương thức mới theo hướng tự dùng hiện nay, thì các đơn vị sử dụng điện ngoài việc vẫn mua điện như trước, giờ sẽ tự lo một phần nguồn điện, và việc lo này tự việc phát triển nguồn điện phía sau công tơ điện lực.
Phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà sẽ có lợi cho các bên tham gia gồm: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì đã rõ ràng, quá có lợi vì được dùng một phần giá điện thấp, vừa có chứng chỉ xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu. Về phía Nhà nước, mô hình doanh nghiệp sau công tơ, tiền thuế vẫn được đơn vị cung cấp năng lượng tái tạo đóng đầy đủ. Ngoài ra doanh nghiệp dùng được giá điện rẻ thì tăng nhu cầu tiêu dùng điện và tỷ lệ nộp ngân sách Nhà nước càng cao.
Chuyên gia cho rằng nên có định hướng và tạo một hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển xanh theo các mô hình tự nguyện theo nhu cầu của người sử dụng điện. Người sử dụng điện được quyền tiếp cận phát triển và sử dụng điện năng lượng tái tạo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản Tin Y Tế 18/6: Kinh Hoàng Giòi Làm Tổ Lúc Nhúc Trong Khí Quản Bệnh Nhân Ung Thư | SKĐS