Mối nguy từ sách y dược lậu

15-08-2013 07:16 | Thời sự
google news

Từ ngày 1/7 vừa qua, Luật Xuất bản mới đã chính thức đi vào cuộc sống. Luật mới có nhiều điều được chỉnh sửa để giảm bớt tình trạng sách lậu (sách giả, sách nhái các sách bán chạy, có bản quyền của các nhà xuất bản), thế nhưng thực tế tình trạng in, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan.

Từ ngày 1/7 vừa qua, Luật Xuất bản mới đã chính thức đi vào cuộc sống. Luật mới có nhiều điều được chỉnh sửa để giảm bớt tình trạng sách lậu (sách giả, sách nhái các sách bán chạy, có bản quyền của các nhà xuất bản), thế nhưng thực tế tình trạng in, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan. Những đầu nậu sách giờ đây không chỉ in lậu những cuốn SGK, tiểu thuyết... mà ngay cả những sách về y dược học cũng được “cắt cúp” in lậu. Việc những kiến thức về y dược học không “đạt chuẩn” trong những cuốn sách in lậu này sẽ gây hại trực tiếp tới người sử dụng.

Mối nguy từ sách y dược lậu 1Nhiều cuốn sách y dược học in lậu được bày bán công khai.

Cẩm nang sức khỏe gây hoang mang!

Theo khảo sát của PV trên thị trường sách lậu hiện nay, hoạt động rất công khai và người tiêu dùng không mấy khó khăn để có thể tìm mua, sở hữu bất kỳ cuốn sách nào trên mọi lĩnh vực, thông tin. Từ SGK, sách nghiên cứu khoa học, tạp chí khoa học, truyện, tiểu thuyết, thậm chí các ấn phẩm về y dược học cũng không thoát khỏi “cơn lốc” in lậu. Hầu hết những cuốn sách được in lậu có giá giảm hơn so với sách có chất lượng từ 30 - 50%, thậm chí có những cuốn chỉ bằng 10% giá trị của sách “trong luồng” (do các đơn vị xuất bản có tên tuổi ấn hành). Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, rất nhiều con đường có các chiếu sách hoặc cửa hàng chuyên bán sách với giá cực rẻ (đa phần là sách lậu - PV) như phố sách Nguyễn Xí, Đinh Lễ, đường Phạm Văn Đồng, đường Láng... Giá sách tại những nơi này chỉ bằng 1/3 - 1/5 giá sách gốc. Ví dụ, tập truyện Harry Potter của NXB Trẻ, giá bìa là 80.000 - 100.000 đồng/cuốn, nhưng với bản lậu, giá nhập chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/cuốn, bán ra từ 40.000 - 50.000 đồng/cuốn. Đặc biệt, hiện nay tại những chiếu sách trên vỉa hè, những cuốn cẩm nang về giáo dục giới tính, về sức khỏe, tâm lý, thậm chí hướng dẫn cách phòng chống một số loại bệnh được in và bày bán tràn lan. Nổi bật là các cuốn gắn mác cẩm nang như “Cẩm nang giáo dục giới tính trẻ vị thành niên”; “Cẩm nang 10 điều kiêng kỵ chốn phòng the” hay “ Hướng dẫn sử dụng thuốc qua đường mũi”... Hầu hết những cuốn sách này đều được in trên loại giấy có chất lượng thấp, in nhòe, không rõ địa chỉ nhà in và tác giả. Hầu hết những nội dung hướng dẫn dù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, song được “cắt cúp”, chắp nhặt nội dung từ nhiều cuốn tạp chí y dược khác nhau, thông tin đưa ra cho người đọc rất chung chung, không rõ ràng, nhiều nội dung do người biên tập sách tự suy diễn, thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ trong cuốn “Cẩm nang cho các bà mẹ sau sinh” ở trang 14 có viết “Phụ nữ sau khi sinh nên kiêng ăn đồ tanh, hải sản, đặc biệt là cua ốc sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa cho con bú” (?!) Hay tại cuốn “Cẩm nang 10 điều kiêng kỵ chốn phòng the” cho rằng “... Phụ nữ khi có bầu không nên quan hệ tình dục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.”(?!)

Vẫn là bài học quản lý

Quản lý sách lậu nói chung, đặc biệt là những cuốn sách trong lĩnh vực chuyên ngành như SGK, sách về y dược học gặp không ít khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng xử lý khá quyết liệt nạn sách lậu với hàng loạt vụ việc in ấn sách lậu đã bị phát hiện, nhưng hình thức xử phạt cũng chỉ dừng ở các biện pháp hành chính nên các chủ lậu gần như “nhờn thuốc”. Trao đổi với PV báo SK&ĐS, ThS. Luật gia Hoàng Trọng Quang - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Y học cho biết: Những kiến thức y dược học nếu bị sao chép, “cắt cúp” sẽ rất tai hại cho người cần sử dụng thông tin. Vì những thông tin y dược học yêu cầu rất chính xác, khoa học. Những cuốn sách, cẩm nang y dược học bị in lậu trên thị trường hiện nay đều chứa những nội dung y dược học không chính xác do những người biên tập các cuốn cẩm nang này không có kiến thức về y dược. Thông tin bị xào xáo từ nhiều nguồn không được kiểm định. Theo ông Quang, những cuốn tài liệu y dược học in lậu này ngoài vi phạm về bản quyền thông tin còn hàm chứa những thông tin, kiến thức sai lệch về sức khỏe. Ông Quang khuyến cáo: Người đọc khi tìm mua những cuốn sách có liên quan đến y dược học cần tìm mua tại những cửa hàng sách có giấy phép kinh doanh. Những cuốn sách về y học nên xuất bản bởi Nhà xuất bản Y học vì tại đây có đội ngũ những biên tập viên có trình độ kiến thức về y dược. Người đọc nên đặt mua các ấn phẩm y học tại các nhà xuất bản uy tín nhằm đảm bảo quyền lợi người đọc. Cũng vấn đề sách lậu, TS. Nguyễn Đăng Quang, trợ lý Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Hầu hết các đầu sách ăn khách của một số nhà xuất bản có phép, qua những đợt kiểm tra, đều có bản lậu. Ngay cả tem chống hàng giả cũng được các chủ đầu nậu làm giả để hợp thức hóa cho những cuốn sách. Thực tế, người dân rất khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Chỉ có các cơ quan chức năng, các NXB có nghiệp vụ điều tra mới phát hiện được. Để ngăn chặn vấn nạn này, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các NXB tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ in sách lậu ngay từ khâu in ấn.

Bài, ảnh: Hỏa Long


Ý kiến của bạn