Từ đầu năm đến nay, ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình đã có những người mắc bệnh viêm màng não mủ sau khi ăn tiết canh lợn. Mùa hè, nhiều người chọn món khoái khẩu là tiết canh lợn để “hạ nhiệt”; bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển mạnh trong đó có liên cầu lợn. Không còn nghi ngờ gì nữa, bệnh nhiễm liên cầu lợn có nguy cơ gia tăng vào mùa nắng nóng. Vậy phòng tránh mối nguy này cách nào?
Vì sao bệnh ở lợn lại dễ “vận” vào người?
Liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococus suis (S. suis), chúng có thể sống ở nhiệt độ 60oC trong 10 phút, 50oC trong 2 giờ và 10oC trong 6 tuần. Tuy nhiên loại vi khuẩn này rất dễ bị tiêu diệt bởi chất tẩy pha loãng 5%, bởi nhiều loại kháng sinh như penicillin, ceftriaxone, cephalosporin, ampicillin, amoxicillin…Loại vi khuẩn này gây ra các bệnh nguy hiểm ở lợn và lây cho người như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn ở lợn và người với tỷ lệ tử vong khá cao.
Cách phát hiện một con lợn bị bệnh là: thấy con lợn đó đi lại khó khăn do viêm khớp, viêm màng não, gặp chủ yếu ở những con lợn còn đang bú. Trên da lợn bệnh có các mảng đỏ, sần; các hạch bị sưng, sung huyết; bao khớp dày lên, khớp bị sưng và có dịch; lợn bị viêm phế quản, viêm phổi nên hay bị ho, bỏ ăn; viêm màng não ở lợn rất nặng, thường gây chết lợn; lợn cũng có thể bị chết đột ngột do viêm cơ tim; lợn nái có thể bị sảy thai…Nghiên cứu mới đây cho thấy : những con lợn bị bệnh lợn tai xanh, rất dễ mắc bệnh liên cầu lợn.
Khi mổ lợn, cách nhận biết đơn giản nhất là thấy lợn có da bị đỏ, nội tạng (ruột, gan, dạ dày, lách, cật…) cũng rất đỏ.
Bệnh ở lợn dễ “vận” vào người với các đối tượng : người chăn nuôi, thu mua, giết mổ lợn và các bà nội trợ, các đầu bếp tiếp xúc với thịt lợn từ khi đi mua ở chợ cho đến lúc chế biến thịt lợn, đặc biệt là các “fan” hâm mộ món tiết canh lợn.
Dấu hiệu phát hiện bệnh liên cầu lợn ở người
Người nhiễm liên cầu lợn, biểu hiện bằng 3 thể bệnh: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hoặc kết hợp cả viêm màng não mủ lẫn nhiễm khuẩn huyết.
Sau khi bị nhiễm liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 4-5 ngày. Bệnh khởi phát bằng sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân thường bị sốc do tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Nguy hiểm nhất là bệnh diễn tiến cực nhanh, dẫn đến suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân không phát hiện được bệnh và điều trị muộn.
Người bị nhiễm liên cầu lợn hay gặp nhất là bị viêm màng não mủ, sốc nhiễm khuẩn với tình trạng suy đa tạng, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, viêm khớp và viêm màng bụng.
Viêm màng não cấp tính, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, chóng mặt. Có biểu hiện : mất thăng bằng khi đi lại, hôn mê, cứng cổ, xuất hiện các đốm xuất huyết, đau khớp, liệt nửa mặt và nửa người, đau cơ dữ dội, có những vết bầm tụ máu, ban đỏ.
Sốc nhiễm khuẩn có các triệu chứng : sốt, ớn lạnh, đau đầu, nôn, chóng mặt và đau bụng, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, rối loạn chức năng gan, xuất huyết dưới da, đông máu nội mạc rải rác, thiểu năng thận cấp và hội chứng suy hô hấp cấp. Sốc nhiễm khuẩn có thể gây tổn thương đa tạng như gan, thận và hệ tuần hoàn, tỷ lệ tử vong rất cao trên 70%. Mất thính lực là biến chứng phổ biến nhất sau khi bệnh nhân hồi phục viêm màng não mủ.
Phương pháp điều trị
Khi đã xác định bị nhiễm liên cầu lợn, việc dùng kháng sinh điều trị càng sớm càng tốt. Các thuốc có thể dùng là : penicillin G, ceftriaxone, gentamicin, ampicillin… Liều kháng sinh tùy theo mức độ nặng của bệnh. Trong nhiều trường hợp, việc phối hợp kháng sinh là cần thiết để tăng hiệu quả chữa bệnh và phòng vi khuẩn kháng thuốc. Những bệnh nhân tình trạng nhiễm khuẩn rất nặng như sốc nhiễm khuẩn, phải phối hợp việc điều trị kháng sinh với điều trị triệu chứng như duy trì nồng độ glucose máu, cống sốc.
Một bệnh nhân bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn thường phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Vì vậy cách tốt nhất là phòng bệnh để tránh tổn hại sức khỏe nguy hiểm tính mạng và thiệt hại kinh tế cho bản thân gia đình và xã hội.
Phòng tránh bệnh liên cầu lợn
Hiện nay, chưa có vaccin phòng bệnh liên cầu lợn cho người, do đó việc phòng bệnh chủ yếu là phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn để ngăn chặn sự lây lan sang người. Người nội trợ, nhất là khi có vết thương ở da nên đeo găng khi tiếp xúc với thịt lợn sống. Sau khi chế biến, cần phải rửa tay và đồ dùng thật kỹ. Thịt lợn cần được nấu chín kỹ, nếu nhìn bằng mắt thường, nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng.
Không mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bệnh. Chỉ mua thịt đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Không ăn thịt lợn tái, hạn chế hoặc không ăn tiết canh lợn.
Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn phải trang bị bảo hộ lao động, đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn. Cách ly lợn ốm để điều trị, lợn chết phải chôn, đổ thuốc sát trùng xung quanh hố chôn hoặc tiêu huỷ. Chuồng trại chăn nuôi phải phun thuôc sát trùng, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
ThS. Bùi Hữu Phú