Mối nguy hiểm từ nhiễm giun

25-06-2014 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Hiện nay tỷ lệ nhiễm giun ở cộng đồng dân cư đối với các nước đang phát triển tương đối cao, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay tỷ lệ nhiễm giun ở cộng đồng dân cư đối với các nước đang phát triển tương đối cao, trong đó có Việt Nam. Nhiễm giun không chỉ làm cho trẻ chậm lớn mà còn làm cho trẻ giảm chỉ số thông minh. Nhiễm giun cũng có nguy cơ gây một số bệnh như giun chui đường mật, tắc ruột. Với người lớn nhiễm giun còn có thể bị chứng di tinh, viêm âm đạo…

Vì sao nhiễm giun?

Theo chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với vốn kiến thức thực hành vệ sinh cá nhân đúng cách còn hạn chế khiến tình trạng người dân nhiễm giun vẫn còn cao.

Giun sán có thể ký sinh ở cả rau thủy sinh và rau trồng trên cạn.

Ngoài nguyên nhân trên thì điều kiện khí hậu nước ta rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng đường ruột phát triển. Do vậy, các loại giun ký sinh dễ có trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, cá, thịt cua, ếch hay rau sống...; ăn các loại rau và trái cây củ chưa được rửa sạch... Trong khi đó, theo quan niệm của nhiều người các loại thịt tái, trứng ốp lết hoặc trứng trần... lại là những thức ăn bổ dưỡng nhưng thực ra những thực phẩm này chứa mầm bệnh giun sán rất cao, đồng thời cũng không tốt cho hệ tiêu hóa nhất là người già, người mới ốm dậy, trẻ nhỏ.

Trên thực tế, tại nhiều nơi nhất là vùng nông thôn, khu vực miền núi trẻ em thường tiếp xúc nhiều với đất và bụi bẩn, hay ngồi xuống đất, hay mút tay, ngậm các loại đồ chơi, vật lạ bẩn vào miệng. Trẻ ít rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi với chó, mèo trong nhà, cầm nắm đồ ăn khi tay bẩn, không đi giày dép, luôn để chân tiếp xúc trực tiếp với đất. Đó là những nguyên nhân gây cho trẻ bị nhiễm giun và nhiễm nhiều loại giun cùng một lúc như: giun đũa, giun móc, giun kim...

Những loại giun dễ mắc và tác hại

- Giun kim: Bệnh giun kim do giun Enterobius vermicularis gây ra và có thể lây từ người này sang người khác. Người là vật chủ duy nhất của giun. Trẻ em bị bệnh phổ biến hơn người lớn, khi bị nhiễm giun kim thường hay mất ngủ, bứt rứt, bồn chồn, ngứa hậu môn, nguyên nhân do giun cái về đêm thường ra ngoài hậu môn đẻ trứng. Những lúc ngứa hậu môn nếu soi đèn có thể phát hiện giun kim ở quanh hậu môn. Người lớn mắc bệnh giun kim có thể gây nên chứng di tinh (nam giới), viêm âm đạo ở phụ nữ (ngay cả em gái) do giun kim chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra có thể gây rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh...).

Nghịch và ngồi lê dưới đất bẩn dễ nhiễm giun sán.

- Giun đũa: Người bị nhiễm giun đũa do ăn phải trứng có ấu trùng từ thực phẩm, chủ yếu là rau và nước bị nhiễm bẩn hoặc từ tay bẩn thường gặp ở trẻ em chơi trên đất.Trứng giun đũa phát triển tốt nhất trong đất ẩm và có bóng mát. Giun đũa sống ở ruột non của người, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài gây ô nhiễm đất, nước. Giun có thể sinh sản tới hàng trăm con trong ruột gây tắc ruột hoặc di chuyển vào đường mật gây áp - xe gan. Khi bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vùng quanh rốn, nôn ra giun, đi ngoài ra giun, bụng ỏng, gầy yếu. Nếu trẻ đau bụng dữ dội và kéo dài thường là biến chứng của giun như giun chui đường mật, tắc ruột...

- Giun móc: Giun móc là một loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể xâm nhập vào cơ thể qua da. Vì thế, ở thời kỳ đầu triệu chứng đầu tiên của người bị nhiễm giun móc là có các biểu hiện như viêm da, da nổi sẩn ngứa. Các triệu chứng chỉ tồn tại 1 - 2 tuần nên người bệnh ít để ý. Khi vào cơ thể, ấu trùng giun móc cư trú ở phổi, lúc này có thể thấy các biểu hiện ho, khó thở. Vào thời kỳ toàn phát, giun cư trú ở ruột non, bám vào thành ruột và hút máu. Thiếu máu ngày một nặng, ở trẻ em và phụ nữ có thai, tình trạng thiếu máu còn có thể phát triển rầm rộ dẫn đến tử vong. Các biểu hiện lâm sàng của người bị nhiễm giun móc thường là rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, buồn nôn, ăn mất ngon, đau bụng vùng quanh rốn hay ở vùng thượng vị như trong bệnh loét dạ dày - tá tràng, đại tiện phân có thể lẫn máu đen...

- Giun tóc: Giun tóc là loại giun phổ biến có nguy cơ lây nhiễm rất cao và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Nếu số lượng nhiễm ít, sẽ không có biểu hiện lâm sàng. Trường hợp nhiễm nhiều, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương nặng và luôn bị kích thích gây nên các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, hay một hội chứng giống lỵ (đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, mũi) gây khó khăn cho chẩn đoán. Điển hình tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội đã từng gặp hai trường hợp nhiễm giun tóc bị tiêu chảy cấp ở người lớn. Bệnh nhân bị tiêu chảy 4 - 6 lần/ngày, phân toàn nước, trong 2 - 3 tuần bệnh nhân gầy sút 4 - 6 kg. Khi bị mắc bệnh nhân đã mua thuốc điều trị tiêu chảy thông thường không khỏi. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xét nghệm sinh hóa bình thường, xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu ái toan cao. Điều trị loại trừ tác nhân gây bệnh cho kết quả tốt. Tiếp theo bệnh nhân được chỉ định nội soi đại tràng kết quả cho thấy viêm đại tràng chảy máu từng đám nhỏ, tập trung ở đại tràng lên, đặc biệt tại mỗi điểm chảy máu có một giun tóc. Sau đó các bác sĩ dùng kìm sinh thiết gắp hết giun ra ngoài (gắp được 16 giun tóc), sau 2 ngày bệnh nhân khỏi và ra viện.

Phòng bệnh không khó

Để phòng ngừa nhiễm giun và tái nhiễm giun cần thực hiện các bước cơ bản sau đây:

Tẩy giun định kỳ cho cả gia đình 2 lần/năm. Có rất nhiều loại tùy cơ chế tác dụng trên từng loại giun sán, từng giai đoạn trưởng thành của chúng. Do đó, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.

Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, sau khi chơi đùa xong, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…; các loại hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn với các loại thức ăn chưa nấu chín như: gỏi cá, tiết canh, bò tái...; không nên ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau cần, cải xoong...; không uống nước chưa đun sôi từ các nguồn nước giếng, hồ, sông, suối…

Cần cắt móng tay thường xuyên, cần mang giày dép khi ra ngoài đất, không ngồi lê trên đất. Đối với bà con nông dân khi tiếp xúc với phân bón, bùn lầy cần mang ủng, bảo hộ lao động. Nếu nghi ngờ có mầm bệnh cần luộc sôi đồ dùng gia đình như: chăn, màn, gối... vệ sinh sạch sẽ đồ chơi trẻ em. Không đại tiện, không phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm


Ý kiến của bạn