Chiều 4/1, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội đã cho biết kết quả khảo sát tình hình tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn của 1.289 doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với Tết Dương lịch năm 2024, tiền thưởng bình quân của người lao động khoảng 4,7 triệu đồng/người, cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023 là 3,2 triệu đồng/người. Đối với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tiền thưởng bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người, gần tương đương so với Tết Nguyên đán năm 2023 là 12,8 triệu đồng/người.
Bà Huỳnh Lê Như Trang chia sẻ, trong 1.289 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết, có 448 doanh nghiệp (chiếm 34,76%) thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay...
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TPHCM, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại... Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, tình hình thị trường lao động trong dịp Tết năm 2024 cũng có tín hiệu khởi sắc. Dự kiến TPHCM có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí công việc có nhu cầu tuyển lao động phục vụ dịp Tết.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,10%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,32%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung trong các ngành như dệt may - giày da, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn và bán lẻ, du lịch, dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cá nhân, bảo vệ... và tăng ở lao động thời vụ, bán thời gian với nhiều vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng, nhân viên đóng gói, nhân viên phục vụ…